Cẩn thận với bạo lực ngôn từ

03/06/2022 - 06:48

PNO - Đôi khi chúng ta bỏ qua hoặc cho là chuyện nhỏ với những câu nói qua lại giữa các em học sinh mà không hình dung đó là bạo lực ngôn từ, nguồn cơn dẫn đến bạo lực tay chân.

 

Nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, tôi thường thiết kế cho học trò học theo dự án. Có lần, sau khi tôi hướng dẫn thể thức của dự án học tập, một học sinh (HS) lên xin phép tôi được làm bài tập này một mình, thay vì làm nhóm; và vì em cũng không sử dụng Facebook, nên không thể đăng tải bài tập theo yêu cầu.

Tôi vô cùng ngạc nhiên với trường hợp HS này. Sau đó, em kể rằng đã phải trải qua khoảng thời gian bị bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội. Có một lần em đi học trễ, thế là lớp bị trừ điểm thi đua, tụt hạng. Dù em đã xin lỗi lớp, nhưng liên tiếp mấy tuần liền, em vẫn bị các bạn “cà khịa” trên Facebook.

Không chịu nổi những câu đùa tinh quái của bạn bè, em đã khóa Facebook, lên lớp cũng ít nói chuyện, ra chơi thì đến thư viện để hạn chế gặp các bạn. Mất khá lâu để em trở lại trạng thái tâm lý bình thường, dù vậy tôi cảm nhận, em vẫn chưa thể cởi mở với các bạn.

Và rồi, tôi nhận ra, bạo lực ngôn từ đang diễn ra ngày càng nhiều từ học đường đến mạng xã hội. Đó có thể là cười nhạo về ngoại hình: “nấm lùn di động kìa”, “diễn viên Eo-Chang-Hy đó”... Hoặc nói đùa về thành tích học tập: “bố đại gia, cần gì học”, “học quá 180 phút, cái kính dày chưa kìa”... Rồi những câu gây tổn thương khác: “tỉnh lẻ thì nói chuyện thỏ thẻ”, “ăn bán trú vét sạch chén”...

Hứng chịu những lời cười cợt, chê bai, miệt thị... vượt quá giới hạn chịu đựng, các em sẽ ức chế, phát sinh cảm xúc tiêu cực, và phản ứng bộc phát bằng hành động, dẫn đến xô xát nhau. Hoặc ngược lại, các em tự dằn vặt bản thân, sống thu mình với người xung quanh. Các chứng ngại giao tiếp, sợ đám đông, tự kỷ ám thị, thậm chí tìm đến con đường đau đớn nhất… đều có thể là hậu quả do trở thành nạn nhân của nạn bạo lực ngôn từ. 

Thế nhưng, nhiều HS chỉ xem đó là “giỡn chút thôi”, còn phụ huynh nghĩ là “trẻ con lời nói nghịch ngợm, chúng nó đã đánh nhau đâu mà lo”. Do đó, để tăng cường ý thức cho HS về bạo lực ngôn từ, nhà trường nên triển khai các hoạt động giáo dục hoặc lồng ghép vào các môn học, bài học.

Chẳng hạn, khi dạy chuỗi bài “Phương châm hội thoại” (ngữ văn 9), thầy cô có thể lồng ghép chia sẻ với HS về việc sử dụng ngôn ngữ tích cực. Không chỉ có các môn khoa học xã hội, các môn khoa học tự nhiên vẫn có thể lồng ghép vấn đề bạo lực ngôn từ vào các bài học. 

Đầu tiên, hãy tránh dùng những từ ngữ có sắc thái tiêu cực để hạn chế trường hợp vô tình khiến người khác tổn thương. Cảm giác khi nghe câu nói: “Mặc chiếc áo này, bạn mập quá” sẽ khác với cảm xúc khi nghe: “Có vẻ cái áo này hơi ôm người, không hợp lắm nhỉ?”.

Thứ hai, hãy thử đặt mình vào vị trí người nghe nếu chúng ta định nói, viết điều gì, nhất là những ý tưởng bình luận không hay. Khổng Tử có câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người). Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần quan tâm sâu sát các con để kịp thời phát hiện, xử lý nếu con trẻ là nguồn cơn hoặc nạn nhân của bạo lực ngôn từ. 

Trần Xuân Tiến 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI