Cần sớm sẵn sàng cho một mục tiêu đẹp

16/09/2022 - 08:34

PNO - Năm 2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã thông qua Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Nghị quyết như kim chỉ nam cho công tác đổi mới giáo dục nước ta với quan điểm xuyên suốt là “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.

 

việc triển khai chương trình mới đã và đang gây không ít lúng túng cho đội ngũ giáo viên, học sinh và nhà trường -nh: Tam Nguyên
Việc triển khai chương trình mới đã và đang gây không ít lúng túng cho đội ngũ giáo viên, học sinh và nhà trường - Ảnh: Tam Nguyên

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là bước đi hướng tới hiện thực hóa quan điểm trên ở cấp phổ thông giúp học sinh phát triển toàn diện, hình thành và phát huy các phẩm chất, năng lực cá nhân, trong đó có tư duy, kỹ năng học và tự học suốt đời. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa kỹ nên việc triển khai chương trình mới đã và đang gây không ít lúng túng cho đội ngũ giáo viên, học sinh và nhà trường. 

Tình trạng khan hiếm sách giáo khoa, đặc biệt là sách lớp Mười theo chương trình mới, gây không ít khó khăn cho phụ huynh, học sinh. Đã bước vào năm học mới nhiều ngày nhưng vẫn còn hàng ngàn học sinh ở TPHCM chưa có sách giáo khoa để học. Nhiều trường thiếu trang thiết bị, phòng học chuyên môn, thậm chí thiếu cả bàn ghế.

Hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM chia sẻ, chương trình mới hướng đến phát huy năng khiếu học sinh qua việc các em có thể chọn các môn âm nhạc, mỹ thuật theo sở thích. Nhưng thực tế, nhiều trường lại không đủ phòng học thì nói gì đến chuyện bố trí phòng âm nhạc, mỹ thuật phục vụ dạy và học cho các em ở những bộ môn này. Tình trạng thiếu giáo viên vốn đã xảy ra từ nhiều năm nay và đến nay vẫn chưa có giải pháp nên nhiều trường tiếp tục cho giáo viên kiêm nhiệm, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. 

Hiện rất nhiều trường gặp khó khăn khi triển khai hai môn học của chương trình mới là hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và giáo dục địa phương. Các chủ đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra như “Thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người học sinh”, “Xây dựng quan điểm sống”, “Giữ gìn truyền thống nhà trường”, “Thực hiện trách nhiệm với gia đình” rất thú vị nhưng tính khả thi không cao, rất dễ trở thành khẩu hiệu suông khi thiếu điều kiện tổ chức cho các hoạt động cụ thể, có sức hút.

Theo phân tích của chuyên gia, nhiều điều chỉnh đối với sách giáo khoa còn những nội dung chưa phù hợp, như ở môn hóa học thay đổi danh pháp nguyên tố hóa học theo thông lệ quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập nhưng các môn xã hội lại phiên âm tất cả từ ngữ nước ngoài, Việt hóa cả danh từ riêng, tên gọi riêng. Chương trình mới hướng đến việc giáo viên phát huy vai trò chủ động của người thầy, dẫn dắt học sinh tự học, trong khi đó lại yêu cầu giáo viên soạn giáo án tỉ mỉ cho từng tiết học…

Với các môn học mang tính trải nghiệm, hướng nghiệp, việc kiểm tra, đánh giá sẽ như thế nào hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Phụ huynh cũng cảm thấy lo lắng vì đã bốn năm trôi qua kể từ khi ban hành chương trình mới nhưng đến nay vẫn chưa rõ phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 cho lứa học sinh theo học chương trình lớp Mười mới năm nay.

Rõ ràng, ngành giáo dục xây dựng các môn học mới nhưng các bước chuẩn bị, chiến lược thu hút, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để phục vụ chương trình mới chưa được thực hiện đồng bộ. Thực tế này sẽ rất khó có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng nếu ngành không sớm bổ sung giải pháp điều chỉnh, khắc phục kịp thời.

Minh Linh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI