Cần có Luật Mỹ thuật để “dẹp” nạn tranh giả

01/10/2021 - 07:03

PNO - Trong vòng nửa tháng (từ ngày 12 - 27/9), số vụ giao dịch tranh Việt giả (diễn ra tại nước ngoài) bị giới họa sĩ, giám tuyển lẫn người nhà của các họa sĩ Việt Nam phản ứng… khiến bất cứ ai quan tâm phải bàng hoàng. Các nhà chuyên môn cho rằng, đã đến lúc cần có Luật Mỹ thuật để quản lý lĩnh vực đang bị thả nổi này.

Nửa tháng có hàng loạt vụ tranh giả

Đầu tiên là việc giám tuyển Ace Lê (thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng và thực hành giám tuyển tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) thông báo về việc có các bản khác nhau của cùng một tác phẩm Trà đàm (1971) của danh họa Mai Trung Thứ. Trong đó có một bản có mặt trong phiên đấu giá vào cuối tháng Chín của nhà đấu giá Aguttes (Pháp). 

Họa sĩ Lê Huy Tiếp sửng sốt “không biết nói gì hơn với nhà đấu giá và bọn làm hàng giả” khi đưa lên Facebook cá nhân loạt tranh của các họa sĩ Việt Nam bị cho là giả trong phiên đấu giá vào ngày 16/10 sắp tới của Drouot. Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng chưng hửng khi thấy có một bức tranh treo tên mình ở đó. “Đến lúc sẽ không còn ai mua tranh Việt nữa”, họa sĩ Tô Chiêm nói.

Ngày 26/9, dịch giả Trịnh Lữ khẳng định trên trang cá nhân một bức tranh của cha mình - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - đang được Linda Trouvé (Pháp) rao bán là giả mạo. Chưa dừng ở đó, ngày 10/10 tới, Sotheby’s Hongkong mở phiên bày bán nhiều tác phẩm Đông Dương, trong đó có bức bình phong Nhà tranh gốc mít (1957) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Tuy nhiên, con gái cụ - họa sĩ Nguyễn Bình Minh - khẳng định bình phong không phải là của cha mình.

Họa sĩ Nguyễn Bình Minh khẳng định bình phong Nhà tranh gốc mít mà Sotheby’s Hongkong mở bán không phải của cha bà, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ - ẢNH: SOTHEBY’S HONGKONG
Họa sĩ Nguyễn Bình Minh khẳng định bình phong Nhà tranh gốc mít mà Sotheby’s Hongkong mở bán không phải của cha bà, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ - ẢNH: Sotheby’s Hongkong

Trong không khí lật tẩy các vụ tranh giả ở các nhà đấu giá tại Pháp, một người yêu nghệ thuật đang sống ở đây cho biết vào ngày 13/10 tới, bức Cô gái bên lồng chim của danh họa Mai Trung Thứ sẽ lên sàn Tajan và mong giới mỹ thuật trong nước xem xét.

Vẫn biết, tranh Việt bị làm giả suốt hàng chục năm qua; tuy nhiên, tần suất xuất hiện và bị phanh phui ngày càng cao, mức độ làm giả, thậm chí là mạo danh ngày càng trắng trợn và công khai - đặc biệt là tranh thời kỳ Đông Dương và thời kỳ kháng chiến - vẫn khiến không ít người yêu nghệ thuật cảm thấy cay đắng. Dù biết rõ những đường dây, lò tranh giả và những người đứng phía sau, lẫn sự thỏa hiệp, móc nối của những nhà chuyên môn người nước ngoài, nhưng nạn tranh giả vẫn cứ hoành hành. Điều đó gióng lên một hồi chuông cảnh báo: Đã đến lúc, nền mỹ thuật Việt Nam phải mạnh mẽ tự bảo vệ chính “di sản” cũng như uy tín của mình.

Cần thiết có Luật Mỹ thuật

“Có một điều kỳ lạ ở Việt Nam, người ta có thể phạt một cơ sở nào đó hay một ai đó tội làm giả một nhãn hiệu, và thu một mức tiền phạt không đáng kể; nhưng một vụ tranh giả hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, lại không ai quan tâm”, họa sĩ Lê Huy Tiếp bức xúc đặt vấn đề.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhớ lại thời kỳ vàng son của mỹ thuật trong những thập niên 1980, 1990. Không chỉ có tranh Đông Dương hay tranh thời kháng chiến, người nước ngoài cũng rất thích thú khi được sở hữu tranh Việt Nam đương đại thời điểm đó. Họ quan tâm tới những người rất trẻ của thế hệ mỹ thuật đổi mới, đặc biệt là 7X, kể cả các thế hệ 5X, 6X. Nhưng sau đó, “làn sóng” tranh Đông Dương, tranh kháng chiến giả làm nhiễu loạn thị trường mỹ thuật. Thiện cảm đó dành cho mỹ thuật Việt Nam cũng “bay biến”. Giờ đây, khi nhắc đến nền mỹ thuật Việt Nam, ấn tượng lớn của nhiều khán giả nước ngoài là nạn tranh giả. Đó là thiệt thòi lớn cho nghệ sĩ trong nước khi muốn “nhập cuộc” với thị trường mỹ thuật thế giới. 

Chưa kể, hàng loạt vấn đề tồn đọng khác đã làm nên một “bức tranh thị trường mỹ thuật” nội địa tù mù, thiếu minh bạch, thiếu chuyên nghiệp với nhiều nút thắt gỡ không xuể. Khi tranh ngày càng trở nên một loại tài sản đầu tư có thể sinh lãi lớn, một mặt hàng có giá trị cao thì đến nay, Nhà nước vẫn chưa thu được đồng thuế nào từ các giao dịch tranh giá trị lớn. Không loại trừ khả năng, nếu không kiểm soát chặt, Việt Nam rất dễ trở thành nơi “rửa tranh” của thế giới.

Theo lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện Việt Nam mới chỉ có một văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động của ngành mỹ thuật là Nghị định 113 (năm 2013). Từ đó đến nay, hoạt động mỹ thuật, thị trường tranh… liên tục biến đổi, nghị định xuất hiện các lỗ hổng so với thực tế là điều khó tránh khỏi. Nghị định, một văn bản dưới luật không đủ tạo ra hành lang pháp lý, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động mỹ thuật. Luật Sở hữu trí tuệ thì gần như “yếu ớt” trong lĩnh vực này. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chỉ phối hợp gián tiếp, dù bức xúc nhưng cũng “lực bất tòng tâm”. 

Họa sĩ Thành Chương từng bức xúc kiến nghị xử lý hình sự vụ tranh ông bị mạo danh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu
Họa sĩ Thành Chương từng bức xúc kiến nghị xử lý hình sự vụ tranh ông bị mạo danh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu

Hiện, trong lĩnh vực nghệ thuật, mới có ngành điện ảnh là có luật riêng. Với thực trạng của hoạt động mỹ thuật thời gian qua, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhìn nhận: “Có lẽ, cũng phải sớm cho ra đời Luật Mỹ thuật, kẻo phí một thời điểm (có nhiều tín hiệu chín) cho sự “chuyển mình mới” của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại”. Ông Lương Xuân Đoàn cung cấp thêm thông tin, Quốc hội cũng đã đồng ý ngành mỹ thuật xây dựng dự thảo Luật Mỹ thuật để trình Quốc hội trong thời gian tới. 

Nền tảng quan trọng

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - nếu nghị định đã tồn tại lâu, không còn phù hợp với thực tế, không đảm bảo tính thống nhất với những quy định mới ban hành thì rõ ràng cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Tuy nhiên, “việc ban hành luật phải thận trọng, phù hợp với thực trạng xã hội, phù hợp với đường lối, chính sách cũng như đảm bảo sự khả thi khi thi hành trên thực tế”, ông Cường nói. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Cũng phải tổng kết Nghị định 113 của Chính phủ, để xem tính khả thi của nghị định đến đâu trong việc quản lý mỹ thuật, rồi mới tới các bước sau đó”.

Đề cập đến sự cần thiết của Luật Mỹ thuật, họa sĩ Siu Quý - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - nói: “Nếu có luật thì hay quá. Nghệ sĩ, giới sưu tập, lẫn Nhà nước… được hưởng lợi ích. Tuy nhiên, cần tham khảo góp ý của chuyên gia các ngành nghề khác, không chỉ ngành mỹ thuật, để khi ra đời, đó là một bộ luật phù hợp, cập nhật xu thế, tránh luật bị tụt hậu”. 

“Nên có các cơ chế để khuyến khích đào tạo chuyên gia về giám định mỹ thuật. Có luật là một chuyện, phổ cập luật ấy cho cộng đồng thực hành nghệ thuật, và công chúng nói chung, lại là một việc khác cần làm. Cần xây dựng khung pháp chế để phạt tương xứng với những đối tượng sản xuất, phân phối, môi giới các tác phẩm giả mạo một cách nghiêm khắc. Các vụ việc gần đây của một số đối tượng đã làm ảnh hưởng đến thể diện và sự tự trọng của cả một nền văn hóa nghệ thuật quốc gia”.

Giám tuyển Ace Lê

Việt Nam ngày càng có nhiều họa sĩ mà tên tuổi được người yêu nghệ thuật chú ý, số lượng tác phẩm cũng nhiều hơn, giá trị tranh ngày một cao, nhu cầu giao dịch tranh nội địa cũng lớn. Sở dĩ như vậy là do bình quân thu nhập theo đầu người của Việt Nam ngày một tăng, và quan trọng nhất, số lượng người có thu nhập cao ngày một nhiều hơn. Vì thế, nhu cầu hưởng thụ về nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật, nhu cầu sở hữu các tác phẩm mỹ thuật ngày càng cao. Điều quan trọng nữa, nhiều người nhận ra, mỹ thuật là một kênh đầu tư tốt. Thậm chí, một số tập đoàn lớn cũng đã bắt đầu trở thành những nhà sưu tập, lập những trung tâm nghệ thuật, mời những giám tuyển tìm và mua tranh cho họ.  

Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp, nghệ thuật Việt Nam đang đi lên. Trước đây, do điều kiện xã hội đặc thù, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có phần thiên về quản lý tư tưởng. Bây giờ điều kiện xã hội đã thay đổi, để phù hợp với xu thế, cần tăng cường quản lý bằng các công cụ nữa, trong đó pháp luật là nền tảng quan trọng nhất.

Đậu Dung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI