Hà Nội: Hạn chế xe máy xăng cần có lộ trình dài hơn và triển khai trên diện rộng

15/07/2025 - 13:21

PNO - Hà Nội đang có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân thay đổi phương tiện di chuyển trong nội thành theo Chỉ thị của Chính phủ.

Nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1.

Cụ thể, trên nền tảng các số liệu, thành phố thống kê chi tiết có khoảng 450.000 xe máy trong Vành đai 1. Thành phố sẽ thiết lập các cơ chế chính sách bổ trợ như thu đổi các xe sử dụng xăng, dầu chuyển sang xe điện; đăng ký đối với xe mới như lệ phí trước bạ, các vấn đề liên quan... gần như hỗ trợ 100%; Đồng thời đưa ra những mức chỉ tiêu cụ thể đối với từng đối tượng, chủng loại xe.

Việc thay đổi phương tiện tại Hà Nội cần có lộ trình dài hơn.
Việc thay đổi phương tiện tại Hà Nội cần có lộ trình dài hơn

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội - đồng tình với chính sách thay đổi xe máy chạy xăng tại Hà Nội, tuy nhiên, ông cho rằng việc thay đổi cần có lộ trình dài hơn bởi đây đang là thời điểm tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang có diễn biến phức tạp và khó khăn.

Liên quan đến thông tin Hà Nội nghiên cứu hỗ trợ thu đổi 450.000 xe máy tại khu vực Vành đai 1, ông Minh cho rằng Hà Nội đang có tới 6-7 triệu xe máy nhưng chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ là không hợp lý bởi những người còn lại sẽ sử dụng phương tiện gì để di chuyển? Theo ông Minh, trong điều kiện kinh tế khó khăn, xe của người dân vẫn sử dụng tốt, việc cấm sử dụng sẽ tạo ra cảm giác bất hợp lý. Việc lấy số liệu 450.000 xe trong Vành đai 1 cũng không không hợp lý, kéo theo một loạt những vấn đề phát sinh.

Chia sẻ thêm về bất cập về việc hạn chế xe máy xăng vào khu vực Vành đai 1, ông Minh đặt câu hỏi: “Những người nhà ở khu Vành đai 3 muốn đi lên khu vực Vành đai 1 thì họ phải đi gửi xe rồi đi bằng phương tiện nào vào? Chỗ gửi xe đó ở đâu?”.

Theo ông Minh, xung quanh Vành đai 1 là rất nhiều điểm trông giữ xe trong khi đó lại đang là “vùng lõi” của Thủ đô. Trong khi theo quy hoạch thì các điểm đậu xe phải di chuyển ra ngoại thành. “Việc quy hoạch các điểm trông giữ xe tại quanh Vành đai 1 sẽ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan đô thị” - ông Minh nói.

Góp ý thêm về phương án thay thế phương tiện tại Hà Nội, ông Minh cho biết: “Đã xác định là lộ trình thì tuyên truyền cho người dân 5-7 năm và khi thực hiện sẽ làm trên diện rộng của Hà Nội, áp dụng hết cho các vành đai của Thủ đô thì như vậy mới thành một bài toán tổng thể, dễ quản lý”.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, Hà Nội sẽ tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8-12 chỗ) để tạo ra mạng lưới hỗ trợ; nghiên cứu những mô hình vận tải điện 4 chỗ để trung chuyển trong khu vực Vành đai 1. Kể cả ngoài Vành đai 1, theo từng bước, thành phố sẽ chuyển đổi hệ thống này với sự gia tăng của phương tiện vận tải hành khách công cộng, hệ thống taxi, hệ thống trung chuyển đa phương thức theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI