Cận cảnh ngư dân biến "lộc trời" thành đặc sản

23/05/2025 - 14:22

PNO - Cứ đến mùa, ngư dân vùng biển Nghệ An lại có thêm nguồn thu khi món ăn chế biến từ sứa ngày càng được nhiều người ưa thích.

Hè về, người dân ven biển miền Trung lại tấp nập với nghề đánh bắt sứa. Ông Nguyễn Văn Nam (trú xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cho biết, sứa thường xuất hiện nhiều gần bờ biển từ khoảng tháng 3-5 hàng năm. Năm nay mùa sứa đến muộn hơn khoảng nửa tháng, sản lượng ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân.

Sứa sau khi đánh bắt từ biển về được người dân tách riêng từng bộ phận để sơ chế
Sứa sau khi đánh bắt từ biển về được tách riêng từng bộ phận để sơ chế

Để đánh bắt sứa không cần tàu thuyền to mà chỉ cần bè mảng, lưới chuyên dụng. Mỗi ngày, ra khơi khoảng 5 tiếng, ông Nam bắt được 80-100 con sứa, bán cho các cơ sở chế biến giá 40.000 đồng/con.

“Mấy năm nay sứa rất được ưa chuộng nên bán được giá. Trung bình mỗi ngày một thuyền ra khơi vài tiếng có thể kiếm được vài triệu đồng. Tuy nhiên mùa sứa thường chỉ kéo dài vài tháng đầu mùa hè” - ông Nam nói.

Mùa vụ đến, các cơ sở thu mua, sơ chế sứa dọc bãi biển Nghệ An phải thuê thêm lao động thời vụ, tăng ca để kịp cung ứng thị trường.

Sứa là loại thủy sinh ruột khoang, thân mềm, thân hình nhiều tua, có màu trong suốt. Trước khi bắt đầu sơ chế, sứa được cắt đầu rồi tách riêng từng bộ phận từ thân, tay và chân.

Phần thân sứa được thái thành sợi
Phần thân sứa được cắt sợi
Sau khi cắt nhỏ, sứa được cho vào các bể xi măng ngâm với nước, muối
Sau khi cắt nhỏ, sứa được cho vào bể xi măng ngâm với nước, muối
Sau khoảng 1 tuần sứa chín và được vớt ra để bán ra thị trường
Sau khoảng 1 tuần sứa "chín" và được vớt ra để bán

Thân sứa được đưa vào máy cắt thành lát dài khoảng 15cm, phần tay và chân sứa được cắt thành miếng nhiều kích thước. Sau khi phân loại, sứa được chuyển đến bể quay trong vòng 8-10 giờ đồng hồ để loại bỏ bớt nhớt và nước trong thân.

Tiếp đó, sứa được cho vào các bể xi măng ngâm với nước, muối, phèn ở độ mặn thích hợp để đảm bảo thành phẩm sạch, dai và giòn. Quá trình này chỉ sử dụng nước sạch và muối biển. Sau khoảng 1 tuần ngâm, sứa trở nên trong vắt, lúc này sứa đã “chín”, được mang ra đóng thùng chuẩn bị xuất xưởng.

Bà Phạm Thị Minh (54 tuổi, trú xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cho biết, sứa dễ chế biến, lại có vị thanh mát, vị mặn mòi của nước biển… nên từ lâu đã được ngư dân trong vùng xem là món ăn giải nhiệt trong những ngày hè nóng bức. Hơn 10 năm trở lại đây, các món chế biến từ sứa trở nên thịnh hành, sứa vì thế cũng thành đặc sản ở các nhà hàng, trong bữa cơm gia đình.

Trong vô vàn món ăn từ sứa, nộm sứa là món ăn được ưa chuộng nhất vì dễ làm, thanh mát
Nộm (gỏi) sứa là món được ưa chuộng nhất vì dễ làm, thanh mát
Ngoài mua sứa tươi về tự chế biến, ngày nay người dân còn có thể mua sẵn các sét nộm sứa được làm sẵn
Ngoài mua sứa tươi về tự chế biến, người tiêu dùng còn có thể mua sẵn các set nộm sứa được làm sẵn
Chân sứa chấm mắm tôm hay sứa trộn cà pháo cũng là một trong những món ăn được nhiều người ưa thích những ngày hè nóng bức
Chân sứa chấm mắm tôm hay sứa trộn cà pháo cũng được nhiều người ưa thích

Tùy từng vùng miền mà người ta có thể chế biến thành các món ăn khác nhau theo sở thích. Song trong vô vàn món ăn từ sứa, nộm (gỏi) sứa là món đơn giản và được ưa chuộng nhất. Món ăn này hấp dẫn bởi những miếng sứa giòn sần sật, mùi thơm đặc trưng của rau gia vị cộng với mùi béo ngậy của đậu phộng, mè rang hòa trộn với các vị chua cay mặn ngọt. Chính vì thế mà món nộm sứa thường xuyên có mặt trong bữa cơm hàng ngày của ngư dân hay để tiếp đãi khách thập phương.

“Mùa này cứ vài ngày tôi lại làm nộm sứa để ăn. Có rất nhiều cách chế biến, có thể thay đổi để đỡ ngán như nộm sứa xoài xanh, nộm sứa bông chuối, hành tây, dưa chuột… hoặc có thể trộn chung tất cả các loại trên. Các con tôi giờ ra Hà Nội làm việc, mùa sứa năm nào cũng gọi về nói mẹ đóng thùng gửi ra để ăn dần” - bà Minh nói.

Sứa giờ đây cũng trở thành đặc sản “hạng sang” trong các nhà hàng. Chị Nguyễn Thị Hiền (55 tuổi, chủ nhà hàng hải sản ở biển Quỳnh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho biết, trung bình mỗi năm nhà hàng của chị tiêu thụ 5-6 tấn sứa. Ngoài nộm sứa, gần đây nhiều du khách còn rất ưa chuộng món chân sứa chấm mắm tôm, sứa trộn cà pháo…

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI