Căm xe máy khiến bé gái lên bàn mổ nối gân

27/12/2018 - 10:52

PNO - Vừa tan học, bé B. được mẹ chở xe máy về nhà. Đi được một đoạn, bé thấy đau nhói gót chân phải nên la lớn, mẹ bé dừng lại kiểm tra thì chân B. đã đầy máu.

Khi phát hiện bé N.T.N.B. (7 tuổi, nhà ở Quận 10, TP.HCM) bị kẹp chân vào căm xe tay ga do mình chở, chị T.T.L. (mẹ của bé) liền nhờ người đi đường cùng đưa bé vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. 

Cam xe may khien be gai len ban mo noi gan
Gót chân bé B. dập nát, đứt gân

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng vết rách lớn, kéo dài ra hai mắt cá chân, gân gót chân đứt lộ ra ngoài. Sau khi cầm máu, vệ sinh tránh nhiễm trùng, bác sĩ cắt lọc phần mô dập, phẫu thuật nối gân… xử lý vết thương cho bé. Chờ sau khi vết thương lành lặn, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ cho bệnh nhi tập vật lý trị liệu.

Chị L. cho biết: “Tôi nghĩ chỉ có căm xe dạng thanh kim loại tròn mới nguy hiểm. Do đó lúc mua xe tay ga, tôi đi thay căm xe thành căm bẹ cho an toàn. Vậy mà tôi không hình dung được một ngày con tôi bị tai nạn này".

Bác sĩ Đinh Tấn Phương – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cảnh báo: "Nói căm bẹ an toàn là sai lầm, vì khi xe di chuyển với tốc độ cao, căm bẹ hay căm kim loại đều gây tai nạn nguy hiểm. Không chỉ căm xe, phỏng bô xe, tai nạn do miếng bảo vệ bô xe máy cũng rất thường gặp".

Gần đây, bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp bé P.H.V.T. (3 tuổi, ở quận Tân Phú) với vết thương dài hơn 10cm gây đứt gân, lộ xương cẳng chân trái. 

Cam xe may khien be gai len ban mo noi gan
Theo bác sĩ Phương, miếng chắn bô xe bằng kim loại gây nguy hiểm cho cả người lớn lẫn trẻ em

Ba của bé kể lại, gia đình đang đi xe máy sang nhà ông nội chơi, bé T. ngồi phía trước. Đến đoạn đường Tô Hiến Thành, nhiều phương tiện giao thông di chuyển khá đông nên các xe máy đi gần nhau. Trong khi anh cố tránh đám đông, bé T. bị chiếc xe máy phía sau đang vượt lên, miếng kim loại bảo vệ bô xe “cắt ngọt” vào chân trái của bé, máu tuôn xối xả. 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương tư vấn: “Khi bán xe ra thị trường, nhà sản xuất đã nghiên cứu rất kỹ về tính an toàn của từng bộ phận xe. Đơn cử như phần bô xe máy được bảo vệ bằng miếng nhựa cách nhiệt. Tuy nhiên, vì vấn đề thẩm mỹ, nhiều người Việt Nam thay miếng nhựa bằng kim loại. Chính miếng kim loại này trở thành máy chém gây ra rất nhiều tai nạn cho cả người lớn và trẻ nhỏ”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI