Cải tiến chữ viết tiếng Việt: Cái mới nào cũng áp dụng thì xã hội loạn mất!

26/11/2017 - 12:49

PNO - "Tôi ủng hộ cái mới nhưng không có nghĩa cứ cái mới nào cũng áp dụng thì xã hội loạn mất. Quan trọng là cái mới nào hay, ý nghĩa mình mới tiếp thu" - Nhà giáo Trần Chút.

Mới đây, PGS.TS Bùi Hiền (nguyên hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) vừa đưa ra đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt".

Cai tien chu viet tieng Viet: Cai moi nao cung ap dung thi xa hoi loan mat!
PGS.TS Bùi Hiền

Đề xuất cải tiến này đã gây ra những ý kiến trái chiều từ các nhà chuyên môn.

Nhà giáo ưu tú Trần Chút, Phó Khoa Ngữ văn đầu tiên của ĐH Tổng hợp TP.HCM:

Nếu đổi, hệ lụy lớn lắm!

Không ngờ PGS.TS Bùi Hiền có bài viết như vậy. Tôi cho rằng đặt ra vấn đề cải cách chữ viết thời điểm này là không bình thường. Chữ viết hiện nay của tiếng Việt là tốt và ổn định rồi. Trên thế giới này, không có hệ chữ viết của quốc gia nào là không có vấn đề cả. Ngôn ngữ nhiều quốc gia sử dụng như Anh, Pháp… cũng có bao nhiêu thứ rắc rối nhưng người ta không thể thay đổi bởi ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ, còn là văn hoá của dân tộc.

Thử hình dung, nếu thay đổi ngôn ngữ lúc này, hệ luỵ sẽ kinh khủng, tất cả người Việt đang sử dụng tiếng Việt sẽ trở thành mù chữ, toàn bộ kho tàng văn bản VN trong hai thế kỷ nay bỗng trở nên lạc hậu và bắt buộc phải viết lại hết.

Chữ viết là vấn đề của văn hóa, của xã hội, chứ không phải chỉ liên quan đến lĩnh vực ngôn ngữ học.

Thêm nữa, phương án PGS Hiền đưa ra là thống nhất tất cả các chữ viết thành một, cũng là đề xuất không hợp lý. Việt Nam là quốc gia có nhiều phương ngữ, ví dụ người Hà Nội phát âm Tr và Ch là một nhưng các địa phương khác sẽ phát âm tách biệt.

Tôi cho rằng, nếu gộp lại là phủ định sự đa dạng ngôn ngữ, tập tục, văn hóa.

PGS Bùi Hiền thiên về tiếng Nga, không chuyên về chữ quốc ngữ nên những đề xuất này tôi cho rằng không hợp lý. Tôi ủng hộ cái mới nhưng không có nghĩa cứ cái mới nào cũng áp dụng thì xã hội loạn mất. Quan trọng là cái mới nào hay, ý nghĩa mình mới tiếp thu. Xã hội phải chọn lọc.

Việc cải tiến chữ viết đã được nhắc đến cả trăm năm nay. Những năm 1960, các nhà ngôn ngữ học một lần nữa ủng hộ chủ trương thay đổi chữ viết nhưng sau đó không thể làm được nữa. Vì thấy đổi sẽ dẫn đến thất bại, được cái nhỏ nhưng mất cái lớn quá, mất về nền văn hoá, lịch sử.

Cai tien chu viet tieng Viet: Cai moi nao cung ap dung thi xa hoi loan mat!
Luật Giáo dục qua cách viết cải tiến của PGS Bùi Hiền

Ông Trương Minh Đức, giáo viên ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn:

Xét ở góc độ giáo dục hay xã hội, tôi đều thấy không ổn!

Tôi thấy dự án nghiên cứu này không khả thi. Việc này khó vì ngôn ngữ hiện nay đã phổ biến rộng tạo thành thói quen trong giao tiếp rồi. Trong giáo dục, sự thay đổi này càng không hợp lý.

Bởi, trong hệ thống giáo dục của ta, ngôn ngữ đã hình thành qua cả một quá trình, đã có sự thay đổi và hoàn thiện đến ngày hôm nay đều có cơ sở, quy tắc để ổn định. Không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt trở thành như hiện nay, trong quá trình phát triển đã có những điều chỉnh, nhưng điều chỉnh ở một mức độ cho phép và dần dần người dung hình thành thói quen với những nguyên tắc đó.

Nếu thay đổi theo nguyên tắc mới, về mặt thẩm mỹ, tôi cho rằng không ổn. Khi đề xuất này được đưa ra, giới trẻ, cụ thể là các em học sinh cho rằng đây là sự nối tiếp của ngôn ngữ teen. Ngôn ngữ mà các em đang sử dụng trên mạng có những nguyên tắc tương tự như của PGS Hiền đề ra.

Khi mà ngôn ngữ teen xuất hiện, chính các nhà ngôn ngữ học và dư luận lên án, phê phán rất nhiều. Vậy liệu mình trở lại với ngôn ngữ kiểu mới thế này chẳng khác nào đánh đồng ngôn ngữ tuổi teen hay không?

Xét ở góc độ giáo dục, tôi thấy cũng không ổn. Nếu bắt buộc phải dạy theo kiểu mới tất nhiên sẽ được nhưng phải mất bao nhiêu năm để thầy và trò quen với điều này?

Thay đổi ngôn ngữ không hề dễ dàng, phải đào tạo lại toàn bộ giáo viên; tất cả văn bản trong nhà trường và văn bản trong xã hội, văn bản quy chế pháp luật đều phải thay đổi hết. Nếu ngôn ngữ trong nhà trường không thống nhất với ngôn ngữ ngoài xã hôi thì chỉ làm loạn xã hội thêm thôi.

Nếu thay đổi thì sẽ xử lý thế nào với các tác phẩm văn học mà tiền nhân đã viết ra? Chính họ dùng từ đó để diễn đạt, giờ mình thay đổi có hợp lý không? Về mặt ngữ, khi giảng dạy sẽ thấy rất thú vị. Ngôn ngữ, chữ viết ngoài mặt nội dung ngữ nghĩa còn có giá trị về biểu cảm. Ngữ âm và ngữ nghĩa là thứ rất hay trong tiếng Việt mà chúng ta không nên đánh mất.

Dùng đúng hay chưa phù hợp thì bản thân nó cũng đã mang tính quy ước và có tính ổn định, thống nhất. Việc Chữ quốc ngữ cải tiến dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội liệu có đảm bảo độ chính xác cao khi bản thân phương ngữ và cả ngữ âm Hà Nội không ai dám chắc là chính xác.

Vả lại, sự phát triển ngôn ngữ trong tiếng Việt nó còn do yếu tố từ yêu cầu của ngôn ngữ địa phương, vùng miền. Mặc dù điều này khó mang đến sự thống nhất nhưng nó lại làm phong phú vốn từ và thể hiện được bản sắc riêng từng địa phương.

Về phương án thay đổi âm vị của 11 chữ cái như PGS-TS Bùi Hiền đưa ra, là không cần thiết và không hợp lý, chỉ gây nên sự xáo trộn không cần thiết, làm ảnh hưởng đến nhiều hệ thống bảng biểu, luật định, văn bản... Và ngay cả tên gọi cá nhân trong các hồ sơ pháp lý.

Tôi tôn trọng công sức nghiên cứu, mục tiêu muốn đổi mới và hoàn thiện này nhưng sự đổi mới phải hợp lý, có sự chấp nhận của xã hội- là những người sử dụng ngôn ngữ vào hoạt động giao tiếp.

Nếu thay đổi mà gây ra những hệ luỵ không đáng có thì đổi làm gì, ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, một khi nó đã ổn định, thống nhất thì không cần phải thay đổi. Một âm tiết thay đổi thôi đã kéo theo nhiều thay đổi, huống chi thay đổi cả 11 âm vị sẽ là một sự xáo trộn lớn.

Cái cần làm trong ngôn ngữ hiện nay là danh từ riêng trong tiếng nước ngoài đang được phiên âm trên các phương tiện truyền thông đại chúng rất lạc hậu. Cách phiên âm hiện nay chỉ phù hợp ở thời điểm ngoại ngữ còn xa lạ với đại bộ phận người dân.

Hiện nay, chúng ta đưa ngoại ngữ vào giảng dạy rất lâu và phổ biến rồi. Phiên âm như vậy không chính xác, khó tìm kiếm thông tin, không tôn trọng tên riêng và gây khó khăn trong việc kết nối với thế giới. Điều này ảnh hưởng rất nhiều nhưng lại không cập nhật, cải tiến để phục vụ cho đời sống.

Đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền được nêu trong bài viết Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế được đăng trong cuốn Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1, do NXB Dân trí phát hành tháng 6/2017 nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9.

Ông Bùi Hiền cho rằng "Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…".

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI