Cái phong bì nuôi dưỡng... sự bất công

20/11/2020 - 12:31

PNO - Việc giáo viên nhận quà, nhận tiền, đã phổ biến đến mức khi một nhà giáo nào đó từ chối quà tặng, cô ấy liền trở nên bất thường.

Cháu tôi, từ những năm mẫu giáo tới lớp 1, đã hồn nhiên mang phong bì tiền mà ba mẹ chuẩn bị đến lớp tặng cô giáo nhân ngày 20/11. 

Để rồi năm nay học lớp Hai, cháu ngạc nhiên hỏi "cô không nhận quà thật sao", khi nghe giáo viên chủ nhiệm thông báo không nhận bất kỳ món quà nào nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chỉ nhận lời chúc và những tấm thiệp tự làm.

Dù cô giáo đã giải thích, nhưng cháu rất lo lắng. Về nhà cháu chuyển sự lo lắng ấy sang mẹ. Mẹ cháu nghĩ rằng, khi cô không cần quà, thì cô "muốn làm gì thì làm", phụ huynh không trách được.

Đấy, bạn thấy không, việc giáo viên nhận quà, nhận tiền đã phổ biến đến mức trở thành "chuyện thường ngày ở huyện", và khi một nhà giáo từ chối quà tặng, cô ấy/ anh ấy liền trở nên bất thường, thậm chí dị thường, bị học sinh và phụ huynh thắc mắc, đồng nghiệp thì dị nghị "thích làm nổi", "chắc nhà giàu nên chảnh chọe"... 

Việc đưa bao thư có tiền bên trong đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện - Ảnh minh họa
Việc đưa bao thư có tiền bên trong đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" - Ảnh minh họa

Anh Duy bạn tôi có hai con, đứa lớn học lớp Một, đứa nhỏ mới vào mẫu giáo. Sáng nay, anh chuẩn bị hai phong bì tiền để tặng cô chủ nhiệm của các con. Anh quan niệm việc tặng phong bì có tiền không phải là "hối lộ", đó chỉ là quà tặng để cô chú ý, "quan tâm" hơn một chút tới con anh.

Anh muốn rằng, nếu cậu bé mẫu giáo phạm lỗi, cô sẽ không bắt phạt, không bắt úp mặt vào tường, dọa nạt ma quỷ; hoặc khi con đi vệ sinh, cô có thể theo dõi để con khỏi té ngã... Còn cậu lớn, anh hy vọng con sẽ được chỉ bảo đánh vần, viết chữ, làm toán tốt hơn... 

Cùng chung mong muốn được đối xử tốt hơn, nhiều bậc phụ huynh đã tặng tiền cho giáo viên từ bậc mầm non, từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, thậm chí với nhiều gia đình khá giả, con số này lên đến hàng triệu.

Có người tâm sự: "Nếu bỏ phong bì ít quá, cô giáo còn ác cảm hơn không bỏ". Việc phụ huynh "tặng" tiền hàng tháng cô giáo để cô trông nôm con mình tốt hơn đã thành một cái lệ ở các trường cấp mầm non, tiểu học, các khu vực thành thị. 

Phụ huynh nghĩ, trẻ nhỏ chưa biết kể chuyện trường lớp, chưa biết về nhà mách mẹ đói no hay đòn roi, nên chỉ còn cách đó để mong cô "nhẹ tay, nhẹ lời".

Đồng tiền phụ huynh bỏ ra so với thu nhập thường không nhỏ. Tiếc không? Có chứ! Nhưng tiếc vẫn phải đứt ruột mà đưa đi. Vậy, tại sao ai cũng chấp nhận cái "luật lệ" kỳ quặc ấy, dù ngành giáo dục đã ra nhiều quy định nhắc nhở?

Đáng nói, việc làm ấy khiến con trẻ khi vừa vào đời đã "thụ hưởng" môi trường giáo dục phổ biến chuyện đổi quà lấy thiện cảm, tức là chấp nhận bất công xã hội ngay từ nhỏ.

Hai học sinh trường tiểu học ở Quảng Ngãi đang vẻ cô giáo của mình
Hai học sinh một trường tiểu học ở Quảng Ngãi vẽ thiệp tặng giáo viên ngày 20/11

Một người bạn khác của tôi, anh Nguyễn Tấn Đạt ở huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) khẳng định: Phụ huynh tặng tiền giáo viên để con được ưu tiên hơn bạn khác, đấy chính là tạo ra bất công, nuôi dưỡng bất công.

Anh Đạt lấy ví dụ, giả sử cô giáo có khoảng thời gian chia đều cho các học sinh là 5 phút mỗi em, khi cô cắt mất 2 phút của con anh để ưu tiên cho học trò khác, con anh chỉ còn 3 phút được cô "ngó ngàng". Hoặc xảy ra tình trạng có bé bị phạt nặng, có bé không hề bị phạt khi chúng mắc cùng sai phạm, những điều ấy khiến con anh thua thiệt.

Anh Đạt còn hùng hồn tuyên bố không cho con học chung với con các phụ huynh có tâm lý mua chuộc giáo viên. Nhưng việc anh nói liệu có thể thực hiện?

Khi chiếc phong bì và những món quà đã trở nên phổ biến, sẽ rất khó kiếm một giáo viên biết lắc đầu trước sự chăm sóc nồng nhiệt của phụ huynh, và rồi chính anh bạn tôi cũng trở thành một phụ huynh lạc lõng. 

Thanh Vạn (Quảng Ngãi)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI