“Dư luận có vẻ sững sờ vì nghĩ rằng, bạo lực học đường không xảy ra ở trường quốc tế”

30/05/2022 - 18:42

PNO - Dù dư luận có phần sững sờ song ĐBQH chỉ ra, bạo lực học đường có thể xảy ra ở bất cứ môi trường giáo dục nào, kể cả trường quốc tế.

Vụ việc bạo lực học đường tại TPHCM, theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, dư luận có vẻ sũng sờ vì không khi

Có rất nhiều ý kiến bình luận về vụ việc bạo lực học đường xảy ra tại trường quốc tế ở TPHCM

Trao đổi tại hành lang Quốc hội chiều 30/5, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chia sẻ, bạo lực học đường không phải vấn đề mới, dư luận đã phản ánh rất nhiều. "Tuy nhiên vụ việc ở TPHCM khiến cho dư luận có vẻ hơi sững sờ một chút vì xảy ra trong môi trường mà mọi người nghĩ là nó không xảy ra, đó là một trường quốc tế khá danh giá", ĐB nói.

Theo nữ ĐBQH, bạo lực học đường có thể diễn ra ở cả các trường từ vùng sâu vùng xa đến những trường quốc tế tại các thành phố lớn. Dù không mới, nhưng đây vẫn là trăn trở của xã hội bởi đã có thời gian dài, ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung nỗ lực để giảm vấn đề này. Đôi lúc, theo quan niệm của mọi người, bạo lực học đường không xảy ra ở môi trường mà việc giáo dục học sinh được rà soát kỹ lưỡng như thế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng có nguyên nhân từ chính tác động của đại dịch COVID-19. "Đại dịch ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người trong tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi, đối tượng. Học sinh là 1 trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khi các em có thời gian rất dài học trực tuyến, không được giao lưu với thầy cô, bạn bè nên kỹ năng sống cũng bị ảnh hưởng", Đại biểu lý giải.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra, phụ huynh càng o bế

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra, một số phụ huynh quan tâm quá mức để con hưởng những điều kiện tốt nhất lại vô tình tước đi của con em cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, dẫn tới lối ứng xử kém

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cũng thẳng thắn cho rằng, cần nhìn vào sự thật có một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục kỹ năng sống cho con em mình. Những kỹ năng sống không chỉ đơn thuần cho học sinh thực hành các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày mà cả việc ứng xử với thầy cô, bạn bè và những người xung quanh.

"Nhiều khi, càng là học sinh con của gia đình khá giả, càng được phụ huynh o bế, cha mẹ rất quan tâm đến việc làm sao để con có thể hưởng những điều kiện tốt nhất nhưng lại vô tình tước đi của con em nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, nên kỹ năng ứng xử của các em, mối quan hệ với cộng đồng hơi kém”, nữ ĐB phân tích.

Đặc biệt, trong bối cảnh điều kiện xã hội phát triển, việc học sinh sở hữu một chiếc điện thoại thông minh rất dễ dàng là một vấn đề đáng lưu ý. Ngay từ khi còn rất nhỏ, nhiều em đã thành tạo với việc tạo ra các tài khoản mạng xã hội cá nhân và đăng tải thông tin trên đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến xã hội có cảm giác ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường và những vấn đề tiêu cực khác. Điều này bao gồm cả mặt lợi và hại.

Điểm tích cực, theo ĐBQH là ngày càng có nhiều vụ việc bị phanh phui, có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, mặt khác, các video, hình ảnh bạo lực học đường xuất hiện tràn lan trên mạng cũng ảnh hưởng xấu đến xu hướng phát triển, tự tiêm nhiễm vào nhiều học sinh những cách ứng xử lệch lạc. Nhiều vụ bạo lực học đường được phát trực tiếp trên mạng, thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem, thu về những ý kiến trái chiều khác nhau. Điều này có thể khiến các nạn nhân trong các vụ việc càng bị tổn thương sâu sắc hơn, hoảng loạn về mặt tinh thần.

Từ thực trạng trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất, để hạn chế vấn đề bạo lực học đường, rất cần sự đẩy mạnh truyền thông, kiểm soát tốt hơn nữa các nội dung đăng tải trên mạng xã hội và đặc biệt là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục con em.

Trước đó, vụ việc phụ huynh tố con học ở trường quốc tế có mức học phí "khủng" tại TPHCM bị bạo lực học đường gây xôn xao mạng xã hội. Nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước giải quyết chậm trễ của nhà trường, một số cũng không đồng cảm với cách xử lý vấn đề có phần nóng vội của phụ huynh.

H.Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyen Nhung 31-05-2022 16:18:19

    Có tiền chưa hẳn có văn hóa. Ra đường khối người đi xe sang bấm còi inh ỏi dành đường với xe máy, người đi bộ không ít...Nhìn cách giải quyết vấn đề không thấy văn minh đâu cả. Buồn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI