Cá và hơn thế nữa

01/07/2016 - 10:59

PNO - Sai phạm về đầu tư được bao che do được bôi trơn kỹ lưỡng bằng các khoản hối lộ đủ nặng túi. Có thành tích tăng trưởng, cán bộ lãnh đạo được biểu dương, rồi thăng tiến cao hơn...

Sau ba tháng khắc khoải, với rất nhiều dư luận phát sinh, rốt cuộc nguyên nhân cá chết cũng đã được công bố. Đó là hóa chất độc hại thải ra từ hoạt động của nhà máy thuộc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Chất độc theo các ống dẫn khổng lồ chôn ngầm đổ ra biển. Hành vi lén lút, phạm luật này đã tạo nên một thảm họa môi trường thuộc loại lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Chắc chắn sẽ có những động thái sửa sai từ phía doanh nghiệp vi phạm sau khi phải chịu phạt nặng nề. Họ còn phải chịu thiệt hại lớn, lâu dài về uy tín, với tư cách một nhà đầu tư có vết đen. Đồng thời, cũng sẽ có những xử lý nghiêm khắc được thực thi đối với các đơn vị, cá nhân đã tắc trách hoặc dung túng để Formosa gây hại. Nhưng liệu đó có phải là tất cả, đủ để dư luận dịu cơn bức xúc? Hẳn là không!

Ca va hon the nua
Nếu không bảo vệ được môi trường sống trong lành bằng luật pháp nghiêm minh, môi trường đầu tư tốt chỉ là những hứa hẹn trên giấy

Ở tầm hoạch định chính sách, hậu thảm họa Formosa phải là sự chuyển động theo hướng quyết liệt bảo vệ môi trường ở mức tốt nhất có thể. Môi trường đầu tư không thể tách rời môi trường sống. Thảm đỏ đầu tư không được phép giấu bên dưới những hiểm họa cho môi trường sinh thái. Luật và các quy định dưới luật về môi trường - tài nguyên phải đảm bảo ở cả hai khía cạnh: nội dung chặt chẽ và thực hiện đồng bộ.

Chất lượng xây dựng luật của chúng ta vốn chưa tạo được độ tin cậy cao, lâu nay vẫn là một sự phấp phỏng. Các nhà làm luật cần tầm nhìn xa, để luật mang tính tiên liệu. Đừng làm luật, công bố rồi lập tức phải hoãn thi hành vì sai sót hoặc vì thiển cận. Bên cạnh đó, sau ban hành luật, phải rất nhấn mạnh đến phần thực thi. Việc thực thi luật chểnh mảng là mối âu lo lớn.

Nếu không bảo vệ được môi trường sống trong lành bằng luật pháp nghiêm minh, môi trường đầu tư tốt chỉ là những hứa hẹn trên giấy. Mất mát môi trường sống sẽ tạo ra những nguy hại không thể khắc phục cho tương lai. Hãy luôn nhớ bài học Formosa để hoạch định chính sách đầu tư cho dân mình được sống bình yên. Đâu đó dọc bờ biển dài ba ngàn cây số, hoặc ven sông Hậu, sông Đồng Nai, hoặc bao nhiêu chỗ khác, vẫn có những tai họa kiểu Formosa rập rình.

Một vấn đề lớn nữa là cần chấm dứt tư duy chạy theo lợi ích kinh tế ngắn hạn bằng mọi giá. Đây thực chất là hệ quả tai hại của tư duy nhiệm kỳ. Tăng trưởng GDP để có thành tích báo cáo trong nhiệm kỳ đã tạo nên những khuyết tật khó sửa chữa ở nhiều địa phương. Thành tích thu hút đầu tư không thực chất nằm trong những dự án chủ yếu là vốn đăng ký ghi sổ chứ chưa bỏ tiền; hoặc theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó” mà các phương tiện truyền thông đã nhiều lần lên tiếng.

Sai phạm về đầu tư được bao che do được bôi trơn kỹ lưỡng bằng các khoản hối lộ đủ nặng túi. Có thành tích tăng trưởng, cán bộ lãnh đạo được biểu dương, rồi thăng tiến cao hơn, nhưng hậu quả cho nền kinh tế và môi trường sống là hết sức nặng nề và kéo dài không chỉ một vài nhiệm kỳ kế tiếp. Cần truy cứu, hồi tố những sai phạm của cán bộ không còn đương chức mới hy vọng hạn chế được vấn nạn làm sai, làm dối rồi hạ cánh an toàn, mặc đời sau lãnh đủ.

Năm 1986, khi chúng ta bắt đầu mở cửa, đã sớm có những cảnh báo về viễn cảnh Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ. Ba mươi năm sau, cảnh báo này càng có thêm sức nặng, bởi đã xuất hiện những trả giá thực tế về rác công nghệ với quy mô không nhỏ. Trên thế giới, từng có những băng nhóm đội lốt nhà đầu tư, thực chất chỉ là kẻ chuyên làm thuê kiếm bãi đổ rác thải nguy hại từ các nước phát triển. Đã có những đội tàu đầy rác công nghệ nguy hiểm (nhiễm phóng xạ, hóa chất cực độc…) chạy vòng vòng trên các đại dương rình cơ hội tìm được “dự án” hợp pháp để mang lên bờ đổ bỏ.

Câu chuyện cá chết do Formosa xả thải đã râm ran nhiều tháng. Từ góc bếp, các bà nội trợ cũng buộc phải âu lo về một chuyện mang tầm vĩ mô như là bảo vệ môi trường sinh thái. Bởi, cái vĩ mô ấy không hề xa xôi, mà gắn liền với từng bữa cơm, từng ngọn rau, con cá. Nói thế để thấy, khoảng cách giữa an và nguy là rất mong manh. Một thảm họa xảy ra ở cách xa ngàn cây số lập tức có thể trở thành sự đe dọa cho nhịp sống ở một nơi rất gần. Mà khi đã ý thức được có những chính sách thật ra cũng rất gần căn bếp, từng người dân bình thường sẽ biết lên tiếng mạnh mẽ hơn để bảo vệ cuộc sống của mình.

Vũ Bách

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI