Ca sĩ Hồng Nhung: Ru lòng trong phố

25/12/2017 - 19:46

PNO - Gần sáu năm, Hồng Nhung mới lại ra một album, và cũng tròn 20 năm kể từ 'Đoản khúc thu Hà Nội', chị mới có album thứ hai về Hà Nội - thành phố đã trở thành dấu yêu với muôn vàn ký ức.

Chẳng thế mà chị đã đặt cho album lần này một cái tên rất tha thiết, tự tình:

Album gồm 11 ca khúc, có thể xem là tập hợp những mảnh ghép ấu thơ của Nhung về một Hà Nội 40 năm trước - nơi gia đình Nhung quây quần trong một căn nhà tập thể cùng nhiều gia đình văn nghệ sĩ khác. 

Ca si Hong Nhung: Ru long trong pho
 
Dường như, đến một độ tuổi nào đó, khi tâm hồn bình lặng, người ta thường dành thời gian để nhớ về những điều đã qua. Ký ức lâu bền nhất, lạ lùng thay, lại là những tháng năm thơ trẻ.

Hà Nội trong Nhung là vòng tay ấm áp của bà thay mẹ, là nhà ai đốt rơm nướng khoai, là mùa đông rét căm mỗi đêm ngồi xuýt xoa bên bếp hồng, là tuổi thơ trôi qua cùng lũ trẻ hàng xóm nghịch ngợm dưới tán cây bàng cha trồng, là mối tình đầu với cơn mưa mùa thu… Ký ức giản dị như sợi dây mỏng manh cứ thế lật mở hết lớp này đến lớp khác, dịu dàng gợi nhớ.

“Tôi nhớ những đêm rét đến nỗi bao nhiêu chăn bông cũng không đủ ấm, bèn trở dậy mặc hết quần áo đi học vào rồi chui vào chăn với suy nghĩ nếu đi học mặc thế ấm thì ở nhà cũng vậy. Tôi nhớ tiếng gió rít qua khe cửa mỏng. Ban đầu nó khiến tôi sợ, nhưng dần quen, tôi ví đó là tiếng sáo. Tuổi thơ tôi không chỉ là sự vuốt ve, sung sướng với những sắc màu đẹp đẽ mà còn có những khó khăn chỉ có thể nuốt vào. Tôi biết ơn tất cả, bởi nếu không có chúng, tôi đã không thể mở rộng tâm hồn để trân quý những điều mình đang có” - ca sĩ Hồng Nhung chia sẻ.

Thế nhưng, thay vì đắm chìm trong vẻ đẹp của quá khứ, Nhung chọn cách nâng niu, đồng thời chấp nhận những đổi thay tất yếu của một Hà Nội trên đường hiện đại hóa với nhà cao tầng, khói bụi, với phố chật cứng người… Nhung chấp nhận sự giao thoa giữa cũ và mới, giữa xưa và nay một cách triệt để khi chọn các ca khúc của nhiều nhạc sĩ "hot" như Vũ Cát Tường, Thanh Bùi, Dương Khắc Linh… bên cạnh các tác phẩm của những tác giả Hà Nội như Lưu Hà An, Vũ Minh Tâm, Nguyễn Vĩnh Tiến…

Ca si Hong Nhung: Ru long trong pho
 

Ca từ của các bài hát không trau chuốt, hoa mỹ kiểu văn chương mà giản dị, đời thường và trực tiếp hơn. Phần trình bày của Nhung và hòa âm của nhạc sĩ Hoài Sa mang đến không khí trẻ trung, tự do từ giai điệu đến tiết tấu như thể Nhung cũng chứng tỏ sự chuyển dịch của cô đến gần hơn với nhiều người, để được “là người của hôm nay chứ không phải là kẻ nhắc tuồng quá khứ” mà vẫn giữ được cốt cách của một giọng ca nội lực, uyển chuyển, sâu lắng.

* Xin được bắt đầu câu chuyện bằng lời đề từ rất thơ trên album: “Nơi đây có người con gái mang tên một nhành hoa…”.

- Đây là lời kết trong bài hát chính của album, được Lưu Hà An - một nghệ sĩ rất đặc trưng của Hà Nội, nho nhã theo kiểu sĩ phu Bắc Hà ngày xưa - viết về tuổi thơ tôi, giản dị nhưng chất chứa biết bao suy tư, tình cảm.

Phố à, phố ơi… là câu chuyện riêng của Hồng Nhung, là căn gác xép nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, là tình yêu đầu tiên với những gì đáng nhớ nhất. Nó trở thành ký ức mà trước khi nhắm mắt qua đời, người ta sẽ có vài phút hoặc bao nhiêu giây đấy để quay lại.

Sẽ không có cái tên nào ý nghĩa và tình cảm hơn Phố à, phố ơi… cho những câu chuyện Nhung dành cho Hà Nội. Nhành hoa này mọc lên từ mảnh đất quê hương, tuy mong manh nhưng cũng mạnh mẽ. Dù có đi đâu, thành công đến thế nào, con người vẫn phải ôm trong lòng nét văn hóa, niềm tự hào về mảnh đất quê hương thì mới lớn lên được.

* Sáu năm mới ra một album, chị khó tính quá chăng?

- Hát với tôi thì dễ quá, vì ngoài hát, tôi chẳng biết làm gì. Nhưng tôi không muốn mình trở thành một người thợ hát - đều đều 1, 2 năm lại ra một CD mà không có cảm xúc. Tôi muốn mỗi album mới phải mới từ thông điệp, phong cách âm nhạc, kể cả cách hát. Hơn nữa, tôi muốn các bài hát, khi đứng bên nhau, sẽ tạo thành một câu chuyện xuyên suốt, thay vì góp nhặt rời rạc. 

* là bài hát đặc biệt vì chị viết nhạc và lời cũng là món quà chị dành tặng bà, phải không?

- Thuở nhỏ, tôi ở với bố, nhưng bố thường đi công tác nên bà nội cũng chính là mẹ. Tôi giống bà ở vóc dáng gầy gò, ốm yếu. Bà bị hen suyễn nhưng giọng nói sang sảng. Tôi ước, nếu thời gian quay trở lại, tôi sẽ ngoan hơn, nghe lời bà hơn. Cho đến bây giờ, tuổi đã ngoài 40, tôi vẫn mơ về bà và thức dậy trong nước mắt. Tôi nhớ cái gối trên chiếc giường gỗ, bên cạnh là ô cửa sổ, bà đang ốm còn tôi khóc ngất: “Bà ơi, bà đừng chết”. Ký ức đó in vào trí óc tôi không bao giờ phai nhạt.

Hoàng Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI