Buồn như giáo viên trường tư không việc làm

17/02/2020 - 15:46

PNO - Câu chuyện tiền lương của giáo viên vốn âm ỉ từ khi học sinh kéo dài kỳ nghỉ tết do dịch Covid-19, giờ đây thêm ồn ào.

Trong đó, rất nhiều thở than từ phía giáo viên, nhất là giáo viên trường tư. Các thầy các cô chia sẻ rằng, nghề giáo không còn được xem là nghề “nghèo nhưng ổn định” nữa. Bằng chứng là trên các diễn đàn giáo viên, các hội nhóm nghề nghiệp hay tìm việc làm đang dày lên các nội dung tìm việc của giáo viên, kể từ khi các tỉnh thành quyết định cho học sinh nghỉ học tiếp hai tuần.

Mất thu nhập, nhiều giáo viên đành chọn việc bán hàng online, thậm chí đi giao hàng để kiếm sống
Mất thu nhập, nhiều giáo viên đành chọn việc bán hàng online, thậm chí đi giao hàng để kiếm sống (Ảnh minh hoạ)

Hãy nghe chia sẻ của cô B. - giáo viên mầm non tại Q.Tân Bình, TP.HCM: “Học phí không thu thì giáo viên không có lương “mềm”, chỉ có lương nhà nước 4-5 triệu đồng/tháng. Em mất luôn một nửa thu nhập, tiền đâu nuôi con”. Cô B. giải thích, kỳ nghỉ này không hề giống nghỉ hè. Hè là mùa nghỉ định kỳ, ai nấy đều có chuẩn bị. “Nghỉ corona” tiếp ngay sau kỳ nghỉ tết, là thời điểm ai cũng cạn kiệt tài chính vì chi tiêu tết, vì vét túi về quê hoặc biếu tiền cha mẹ. 

Tuy vậy, giáo viên trường công như cô B. không có nỗi lo mất việc nếu năm học chỉ lùi lại và các trường dùng cách tính thu nhập nghỉ dịch giống như nghỉ hè. Lời than thở cất lên nhiều nhất từ nhóm giáo viên các trường tư, các nhóm lớp, các trung tâm đào tạo nghề, trung tâm ngoại ngữ, dạy kỹ năng... Họ thật sự đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp nếu chủ trường không trụ nổi cơn khó khăn này.

Một giáo viên dạy hợp đồng môn tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ M. cho biết: “Lương của tôi trường trả theo giờ dạy, bây giờ dạy 0 giờ thì thu nhập là 0 đồng”. Tiền nhà trọ vẫn phải trả, cơm vẫn phải ăn, mà không có việc làm thì không thu nhập. Nhiều giáo viên không ngần ngại mời chào phụ huynh cho con em học thêm, học nhóm, dạy kèm tại nhà, dù hoạt động này ngành giáo dục đã ra văn bản cấm để đảm bảo việc phòng dịch.

Một trang web môi giới gia sư đăng thông báo tuyển gấp gia sư cho 100 lớp, nhiều giáo viên inbox liên hệ. Học sinh vừa nghỉ học, tình trạng mở nhóm học thêm bất chấp các văn bản cấm của ngành giáo dục khiến nhiều người cám cảnh.

Trên diễn đàn lớn nọ, một người 10 năm đầu tư vào giáo dục chuyên biệt cho biết, cô đã phải đau xót thông báo cắt giảm nhân viên do thiếu chi phí “nuôi quân”. Cô kể rằng, thông báo với nhân viên xong, nước mắt cô tuôn rơi. Cô đau xót khi biết giáo viên của mình phải đi làm thuê theo giờ, có người tìm việc lau dọn nhà... 

Quả là những ngày khó khăn khi giáo viên phải lao ra ngoài kiếm sống, bán hàng online, giao hàng, môi giới dịch vụ… Có ai đó động viên “đừng vội mất niềm tin”, ngành giáo dục chỉ đang chung bức tranh khó khăn với nhiều ngành nghề khác. Hãy cố gắng trụ vững tới khi dịch được kiểm soát, rồi trường lớp, bài vở lại như xưa.

“Bán hàng, giao hàng, chạy xe công nghệ... chẳng nghề nào là kém cao quý. Cứ có thu nhập và hợp pháp thì mình làm, đừng kêu gọi mở trường hay cố lập nhóm dạy thêm mà mang tiếng, thầy cô nhé”, sau lời dặn dò của một giáo viên luống tuổi, nhiều khóe mắt bỗng cay cay…

Khánh Linh

(Q.Tân Phú, TP.HCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI