Bùi Tiến Phúc và hành trình tiên phong với thủy ấn họa

07/10/2021 - 14:41

PNO - Bùi Tiến Phúc, người đầu tiên đưa kỹ thuật thủy ấn họa và kỹ thuật tu bổ phục chế giấy tiên tiến ở nước ngoài về Việt Nam, giúp nhiều cuốn sách có tờ gác thủy ấn tuyệt đẹp, rất nhiều sách/tranh/tư liệu cổ được tu bổ, phục hồi...

Miệt mài với tư liệu cũ

Suốt thời gian dịch bệnh, ngày nào Bùi Tiến Phúc cùng bà xã Trần Bội Tuyền (người Đài Loan, tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Chicago, Mỹ) cũng miệt mài làm việc từ sáng đến tối bên trong văn phòng Công ty Hán Nôm Đường (thành lập vào cuối năm 2019) của vợ chồng anh. Phúc nói công việc rất nhiều, không chỉ làm tờ gác thủy ấn họa cho các ấn bản sách đặc biệt, mà Hán Nôm Đường của anh còn tu bổ phục chế hiện vật. 

Suốt hai năm qua, rất nhiều bản sách xưa, tư liệu cổ, tranh bị hư hỏng đã được Phúc tu bổ. Hán Nôm Đường đã phục hồi nguyên trạng không biết bao nhiêu bản sách quý, thư tịch cổ, gia phả dòng họ, sắc phong lẫn những bản rập văn khắc trên bia, trên mộc bản… 

Bùi Tiến Phúc miệt mài tu bổ phục chế hiện vật tại Hán Nôm Đường
Bùi Tiến Phúc miệt mài tu bổ phục chế hiện vật tại Hán Nôm Đường

Công việc này đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn và phải vô cùng khéo léo, công phu. “Khi xem lại thành quả, mới thấy việc mình đang làm thật ý nghĩa. Vì vậy phải kiên nhẫn, đem cả tâm huyết mà theo đuổi”, Bùi Tiến Phúc chia sẻ. Rất nhiều lần Hán Nôm Đường nhận về những tư liệu hư hỏng nặng như một bản sắc phong của dòng họ Nguyễn gửi vào từ Hà Nội, bị rách, dán keo chằng chịt; một bản Kinh Thánh cổ xưa giấy mục rơi thành từng mảng nhỏ; những cuốn sách quý hơn trăm năm tuổi... Tất cả đều tưởng chừng không có hy vọng phục hồi, vậy mà Phúc và các cộng sự đã nỗ lực “cứu” được. 

Thủy ấn họa là phương pháp thiết kế hoa văn trên bề mặt nước tạo ra các tác phẩm có họa tiết tương tự như đá cẩm thạch bằng các loại thuốc nhuộm, dung dịch lỏng hay màu nước với cọ vẽ sau đó được in lên giấy hoặc vải… Kỹ thuật thủy ấn có nguồn gốc từ Trung Quốc, thời nhà Đường thế kỷ IX đã có tài liệu ghi chép về kỹ thuật này. Sau đó, nghề nhuộm giấy độc đáo này được truyền sang Hàn Quốc, Nhật Bản rồi Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ…

Đến cuối thế kỷ XI, thủy ấn họa đã được biết đến và phát triển ở Tây Âu. Có thể nói, Việt Nam tiếp cận kỹ thuật làm sách đặc biệt này rất chậm so với thế giới. Trước Đông A, Thư viện Huệ Quang cũng có sử dụng thủy ấn họa trong in ấn các bản sách quý, nhưng chỉ trong phạm vi hẹp.

Đến thời điểm này, Bùi Tiến Phúc đã là một tên tuổi tin cậy với các nhà sưu tập, nhà làm sách. Nhưng Phúc nói, lúc đang theo học thạc sĩ chuyên ngành bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (tại Đại học Fo Guang, Đài Loan), anh đã rất hoang mang, thậm chí nhiều lần phải đấu tranh với bản thân để không bỏ cuộc giữa chừng. “Sinh viên Việt Nam sang Đài Loan du học rất nhiều, nhưng khi tôi rủ đi học về tu bổ hiện vật, bảo tồn di sản thì không ai chịu. Bạn bè hỏi tôi học cái này để làm gì? Rồi lúc chuẩn bị về nước lại càng lo lắng, không biết tình hình công việc trong nước rồi sẽ ra sao khi lĩnh vực mình theo học còn mới mẻ quá, chưa có ai làm trước đó” - Phúc tâm sự.

Gần sáu năm xoay xở ở xứ Đài, vừa học vừa làm phiên dịch kiếm tiền, cứ cuối tuần là Phúc đi khắp các bảo tàng, bệnh viện sách tìm hiểu. Để theo học tại Bệnh viện sách Đài Loan và Phòng Tu bổ hiện vật chất liệu giấy Duệ Nhã Hiên, Phúc phải cư trú tại đạo tràng của quý tăng ni Việt Nam thành lập, trên một căn gác nhỏ chỉ vừa đủ một người nằm, với “tài sản” quý nhất là một chiếc bàn học… Miệt mài và tâm huyết với di sản, cuối cùng chàng trai nghèo miền đất Tánh Linh (Bình Thuận) đã thành công. 

Mong muốn phổ biến kiến thức thuỷ ấn hoạ 

Ngoài việc nhận tu bổ sách/tranh/tư liệu cho các nhà sưu tập tư nhân, thời gian qua Phúc cũng giúp tư vấn kỹ thuật phục hồi di sản cho Phòng Bảo quản Viện nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm Bảo quản tu sửa tác phẩm mỹ thuật Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… Anh cũng được mời về giảng dạy ở Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Một môn học mới đã được khoa xây dựng và giao cho Phúc đứng lớp, dạy sinh viên kiến thức về đóng sách, tu bổ tư liệu, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Hán Nôm…

Một số mẫu hoa văn tờ gác sách được thực hiện bằng kỹ thuật thủy ấn họa
Một số mẫu hoa văn tờ gác sách được thực hiện bằng kỹ thuật thủy ấn họa

Riêng với thủy ấn họa, từ năm 2020, Hán Nôm Đường ký kết hợp tác độc quyền với công ty sách Đông A. Nhiều bản sách đặc biệt thuộc dòng sách S100 của Đông A có tờ gác thủy ấn tuyệt đẹp ra mắt bạn đọc thời gian qua chính là từ công phu của “bác sĩ giấy” Bùi Tiến Phúc. Những tác phẩm có giá trị như Cuốn theo chiều gió, Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ, Việt Nam sử lược... càng trở nên tuyệt tác nhờ kết hợp làm sách với nghệ thuật thủy ấn họa.

Phúc nói, có rất nhiều việc để làm với kỹ thuật thủy ấn họa, cũng như tu bổ, phục hồi tư liệu mà hai vợ chồng Phúc làm không xuể. Chỉ riêng việc thực hiện thủy ấn cho tờ gác sách đã chiếm rất nhiều thời gian. Có khi mất cả tuần để chế tác mẫu, thực hiện mấy chục tờ thủy ấn họa mới ra được một mẫu ưng ý. Và vì là kỹ thuật thủ công nên bao nhiêu ấn bản sách đặc biệt được in, là bấy nhiêu lần phải thực hiện lại các công đoạn: pha dung dịch, rắc màu, tạo hoa văn, nhúng giấy, phơi khô, ép phẳng… Một công việc không hề dễ dàng, nói vui theo Phúc là làm việc như một trạng thái thiền, chỉ cần mất tập trung một chút là “sinh chuyện”.  

Trước khi Bùi Tiến Phúc về nước (2019), thủy ấn họa là một kỹ thuật nhuộm giấy còn khá xa lạ với Việt Nam. “Ở Đài Loan, thủy ấn họa được dạy ở các trường tiểu học nhằm giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo. Tôi cũng rất muốn phổ biến kỹ thuật này ở Việt Nam, để ngày càng có nhiều người biết đến. Có thể nói, Hán Nôm Đường tiên phong đưa kỹ thuật tu bổ thư tịch và thủy ấn họa về Việt Nam, nhưng muốn phát triển vẫn cần có thêm sự tham gia của nhiều người. Tôi mong sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích và tìm đến công việc ý nghĩa này” - Bùi Tiến Phúc chia sẻ. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI