Bức xúc cách tính học phí online, phụ huynh “cầu cứu” ai?

20/04/2020 - 08:13

PNO - Giữa lúc khó khăn chung của xã hội trong mùa dịch, phụ huynh nhiều trường quốc tế thấy ấm ức vì dù học sinh đang học… ở nhà nhưng trường vẫn muốn tính đủ học phí như bình thường.

Bị “phạt” vì đóng học phí chậm

Chị H., phụ huynh có hai con đang học tại Trường Quốc tế Mỹ (H.Nhà Bè, TP.HCM), cho biết: “Trường ngưng hoạt động, tránh dịch từ đầu tháng Hai. Sau đó, trường có tổ chức dạy học online. Nhưng tôi thất vọng khi nhận được thông báo đóng học phí quý IV cho hai con là hơn 248 triệu đồng, cộng thêm phí nộp chậm 44 ngày (từ ngày 1/3-14/4) gần 5,5 triệu đồng.

Trẻ học online không hiệu quả bằng đến lớp,  phụ huynh cho rằng đóng đủ học phí là không hợp lý - Ảnh: N. Phương
Trẻ học online không hiệu quả bằng đến lớp, phụ huynh cho rằng đóng đủ học phí là không hợp lý - Ảnh: N. Phương

Trong thư, trường đề nghị phụ huynh nộp học phí và phí chậm nộp trước ngày 20/4”. Cũng như chị H., không ít phụ huynh trường này choáng, không hiểu nổi vì sao trường tính nguyên học phí trong thời gian học sinh phải học ở nhà, còn cả phí chậm trả.

Một số phụ huynh của Trường Quốc tế Úc (Q.2) cho hay, không thể đồng cảm với chính sách “chia sẻ” của trường này. Theo phụ huynh, “họ đưa ra chính sách học phí năm học mới 2020-2021 có vẻ nhân văn khi giảm 3% cho phụ huynh cũ để tri ân sau khi đã tăng học phí lên 3% do trượt giá và thay đổi tỷ giá ngoại tệ…”. 

Còn tại Trường Vstar School (Q.7), chị Tr. cho biết: “Đầu tháng Tư, phụ huynh nhận được email của nhà trường về chính sách học phí năm học 2020-2021. Thấy không thỏa đáng, ngày 9/4, hơn 200 phụ huynh (người đại diện là anh H.) gửi email kiến nghị cho trường.

Chờ một tuần, không thấy trường phản hồi, ngày 13/4, phụ huynh này lại đem bản kiến nghị bao gồm chữ ký của phụ huynh trực tiếp nộp cho văn phòng trường, có xác nhận đã nhận hồ sơ. Chờ tiếp đến ngày 16/4, phụ huynh lại gửi tiếp email nhắc nhở nhà trường và mong nhận phản hồi trước ngày 20/4. Đến chiều 19/4, chúng tôi vẫn chưa nhận bất cứ phản hồi nào từ nhà trường”.

Chị T.D., phụ huynh Trường Vstar School bức xúc: “Tôi không hiểu vì sao phụ huynh có ý kiến cần trao đổi với nhà trường mà gian nan đến vậy. Vì hiểu tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi người, mọi tổ chức nên chúng tôi không hề đả động hay đòi nhà trường phải tính toán trả lại tiền học phí, tiền ăn cũng như tiền xe buýt học kỳ II đã đóng mà học sinh chưa sử dụng”. Theo chị T.D., về chương trình học, trường cũng chưa thực hiện việc dạy online có tương tác. Các tuần đầu, cô giáo gửi bài ôn tập qua email phụ huynh, còn hiện nay học sinh học qua Google classroom, không có tương tác với giáo viên, chỉ mang tính ôn tập.

“Nhà trường không có chương trình, kế hoạch, cũng như đưa ra các kịch bản hay giải pháp cho học kỳ II một cách thỏa đáng, nhưng lại nhanh chóng đưa ra mức học phí cho năm học tiếp theo”, chị T.D. cho hay.

Những ngày gần đây, phụ huynh nhiều trường đang loay hoay không biết kiến nghị những bức xúc này đến đâu để được giải quyết, để tìm sự bảo vệ quyền lợi cho mình. 

Sở Giáo dục và Đào tạo chưa nghe phản ánh

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: hiện chưa thấy phụ huynh phản ánh đến sở. Khi có đề nghị, sở sẽ kiểm tra, tìm hiểu, xem xét nhà trường có làm đúng thỏa thuận với phụ huynh hay không. Với những trường ngoài công lập, sở không can thiệp về học phí, đó là sự thỏa thuận giữa nhà trường và người học. Tuy nhiên, học phí phải được công khai và được tất cả phụ huynh đồng ý.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, sở cũng đã có văn bản hướng dẫn các trường ngoài công lập, trong đó có các trường có yếu tố nước ngoài thu học phí phải có sự thỏa thuận với phụ huynh và có sự thống nhất, đồng thuận giữa hai bên. 

Đành rằng rất khó can thiệp vào chuyện học phí của các trường tư, nhất là trường quốc tế. Bởi, họ hoạt động như doanh nghiệp, cơ quan quản lý giáo dục chủ yếu quản lý chuyên môn, còn học phí là thỏa thuận và tự nguyện của người học thể hiện qua những “hợp đồng” giữa nhà trường và phụ huynh trước khi nhập học.

Rồi bỗng phía đơn vị cung cấp thay đổi dịch vụ bất ngờ bởi dịch bệnh mà vẫn muốn thu đủ phí thì đúng là phụ huynh không biết kêu ai. Nhưng không thể vì không có địa chỉ cầu cứu mà nhà trường đẩy cho “khách hàng” gánh thêm thiệt thòi. Cách hành xử thấu tình đạt lý nhất lúc này là sự chia sẻ từ những nhà làm giáo dục. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI