Bộ trưởng Bộ Y tế không biết khi nào hết tiêu cực trong ngành y

02/04/2014 - 07:41

PNO - PN - Hôm qua 1/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội (ĐBQH).

Bo truong Bo Y te khong biet khi nao het tieu cuc trong nganh y

BV đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội), nơi xảy ra vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm. 

Dưa hấu ùn ứ do thông quan kém

Ngay đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã phải đối diện với nhiều câu hỏi nóng về trách nhiệm cá nhân quanh việc thương lái thu mua nông sản gây nhiễu loạn thị trường, xuất khẩu lậu khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, hạch toán chi phí xây biệt thự, bể bơi vào giá điện...

Khẳng định chuyện dưa hấu ứ đọng ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đang “rất được người dân và Bộ quan tâm”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện tượng này đã diễn ra nhiều năm chứ không phải đến năm 2014 mới có. Ông phân bua: “Vì điều kiện cửa khẩu chật hẹp, thời gian qua, dù được đầu tư nhiều nhưng cơ sở hạ tầng kho bãi chưa cải thiện được. Một ngày chỉ thông quan được 300 xe. Có lúc lên đến 1.800 xe thì không thể không ứ đọng kéo dài. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là do năm nay dưa hấu được mùa, giá tương đối tốt nên người dân muốn tiêu thụ nhanh sản phẩm, khiến dưa hấu tiêu thụ không kịp, gây ứ đọng ở biên giới”.

Trước câu hỏi của ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạch toán chi phí xây dựng bể bơi, sân tennis, biệt thự vào giá điện khiến dư luận bức xúc là đúng hay sai, Bộ trưởng trả lời, năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện và Thủ tướng cũng đã có kết luận về việc này. Theo kết luận thanh tra, chỉ có sáu công trình liên quan, trong đó chỉ có Phú Mỹ I (được xây dựng đã lâu) có hạch toán tiền xây dựng nhà cho chuyên gia nước ngoài vào giá thành với trị giá 3,5 tỷ đồng trên tổng trị giá công trình 6.000 tỷ đồng, còn tất cả những trường hợp khác chưa hạch toán.

Sai sót và tiêu cực trong ngành y không thể chấm dứt

Trước mối quan tâm đặc biệt của các ĐBQH về y đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận đây là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Trình bày hàng loạt giải pháp như xây dựng hệ thống quy định pháp luật, lập đường dây nóng 24/24, Bộ trưởng cho biết, đã cấp 1.200 điện thoại di động cho giám đốc các bệnh viện để nghe ý kiến người bệnh. Năm tháng qua, ngành đã nhận được 6.700 cuộc gọi phản ánh, trong đó, có khoảng 2.000 cuộc về y đức. 40% cuộc gọi phản ánh thái độ của nhân viên y tế; 20% phàn nàn về viện phí, thái độ đòi hỏi; nhiều ý kiến khác phản ánh nhân viên y tế làm sai quy trình hay tình trạng bệnh viện chật chội, chất lượng dịch vụ kém… “Một số cán bộ y tế đã bị kỷ luật, khi xác minh cho thấy phản ánh của người dân là đúng” - Bộ trưởng nói.

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn: “Hàng loạt vụ việc tiêu cực như nhân bản kết quả xét nghiệm, bác sĩ phi tang xác bệnh nhân khiến chính anh em trong ngành y phải hổ thẹn, bao giờ mới chấm dứt được những vụ việc nghiêm trọng như thế?”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, có hai loại vụ việc: tai biến và tiêu cực. Bộ trưởng nói: “Tai biến không thể tránh khỏi. Có khám chữa bệnh là có thể có biến chứng, thậm chí tử vong. Y học đôi khi cũng bất lực. Mấy trăm năm nữa vẫn chưa thể hết. Còn làm thì còn sai sót. Thứ hai, ở đây cũng có sai sót do vô ý hoặc vô trách nhiệm...”.

Nhắc tới loại tiêu cực như ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức hay vụ tiêm nhầm vắc xin ở Quảng Trị, Bộ trưởng nói: “Loại tiêu cực do các nguyên nhân như nhũng nhiễu, tắc trách… ĐB hỏi khi nào chấm dứt, chúng tôi không dám trả lời. Chỉ có cách hạn chế bớt. Cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra liên tục và xử lý nghiêm, tăng cường giáo dục và phối hợp chặt giữa người nhà bệnh nhân với bệnh viện. Chúng tôi kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ không đủ y đức” - Bộ trưởng khẳng định.

 Phương Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI