Biến đổi khí hậu đã đến từng nhà

06/10/2022 - 06:02

PNO - Hơn bao giờ hết, cần phải trang bị cho người dân kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Sau chuyến về quê ở H.Châu Phú, tỉnh An Giang, khi trở lại TP.HCM, anh Hưng rầu rĩ: “Có lẽ gia đình tôi phải bỏ quê thôi, bởi ruộng vườn, nhà cửa đang bị hà bá nuốt dần”. 

Sạt lở giờ không còn là chuyện lạ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và nguyên nhân được nói nhiều là do biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết dị thường, như đang hạn nặng bỗng mưa nhiều gây ngập.

Hình ảnh minh họa về biến đối khí hậu và thời tiết cực đoan - Ảnh: Nasa.
Hình ảnh minh họa về biến đối khí hậu và thời tiết cực đoan - Ảnh: Nasa.

Tuy nhiên, không chỉ ở vùng ĐBSCL, biến đổi khí hậu còn hiển hiện khắp nước. Tại hội thảo về tác động của biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, do Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 7/2022, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và thiên tai. 

Gần đây nhất, đầu tháng 7/2022, nông dân nhiều tỉnh phía Bắc phải ra đồng gieo cấy từ 4g sáng để tránh cái nóng 40oC vào ban ngày. Khi nắng nóng ở miền Bắc đi qua chưa lâu thì vào cuối tháng Chín, miền Trung lại đối mặt với cơn bão Noru kèm mưa, lụt. Nhờ chính quyền và người dân chủ động ứng phó nên bão Noru không để lại hậu quả đáng tiếc như những cơn bão trước đó. 

Biến đổi khí hậu đang tác động nặng nề lên nước ta. Từ năm 2016-2020, Việt Nam đã hứng chịu nhiều đợt thiên tai với thiệt hại trung bình hằng năm ước tính hơn 32.000 tỷ đồng, tương đương 0,5% GDP, chưa kể hàng trăm người chết và mất tích. Theo báo cáo hồi cuối tháng 7/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) về phát triển và khí hậu (CCDR), Việt Nam thiệt hại 10 tỷ USD trong năm 2020, tương đương 3,2% GDP do những tác động của biến đổi khí hậu. 

Tháng 8/2022, công trình nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đến bất bình đẳng đa chiều tại Việt Nam, do Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) và Oxfam tại Việt Nam thực hiện đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ rệt đến những mặt thiết thực của con người, gồm đời sống, sức khỏe, giáo dục, học tập, việc làm, an toàn tài chính, điều kiện sống. Cũng theo nghiên cứu này, nhóm dân cư nghèo và dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng nề hơn dưới tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; khả năng phục hồi sau thiệt hại của họ cũng thấp hơn các nhóm dân cư khác.

Cụ thể, nếu tăng thêm một ngày thời tiết lạnh cực đoan trong năm thì hơn 4.000 trẻ em ở các hộ nghèo và gần 25.000 trẻ em ở các hộ mà chủ hộ có trình độ học vấn từ THCS trở xuống sẽ tăng khả năng bị ốm. Tương tự, khi tăng thêm một ngày lạnh cực đoan trong năm thì khả năng đi học của 1.175 trẻ em thuộc hộ nghèo và 14.620 trẻ em nông thôn giảm đi, trong khi tác động này đến nhóm không nghèo và sống ở thành thị lại không rõ rệt.

Nhìn vào kết quả của các nghiên cứu, có thể một số người nhầm tưởng rằng, biến đổi khí hậu sẽ miễn nhiễm với mình, với một số địa phương hay bộ phận dân cư nào đó. Tuy nhiên, suy nghĩ này không đúng. 

Lấy ví dụ, ĐBSCL hiện trung bình cao hơn mực nước biển 80cm, nhưng theo dự báo quốc tế, vào cuối thế kỷ này, mực nước biển sẽ cao thêm từ 24cm đến 84cm tùy theo kịch bản biến đổi khí hậu. Có nghĩa là, phần lớn ĐBSCL sẽ bị ngập nặng vào cuối thế kỷ XXI hoặc sớm hơn. Trong khi đó, vùng này là nơi cung cấp hơn một nửa số lúa gạo cho cả nước, và như vậy là an ninh lương thực quốc gia bị đe dọa.

Có thể nói, tăng sức chống chọi và giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách và lâu dài ở nước ta. Các quyết sách của Nhà nước mang tính dẫn đầu, nhưng quyết sách dù đúng đắn đến đâu cũng sẽ thất bại nếu những thành phần trong xã hội và người dân đứng ngoài cuộc.

Vì thế, hơn bao giờ hết, cần phải phổ cập về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trang bị cho người dân kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất, cụ thể nhất để góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến khí hậu toàn cầu.

Châu Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI