Bí quyết vượt bão của trường tư mùa COVID-19

04/03/2020 - 08:06

PNO - Trước biến cố dịch bệnh cùng lịch nghỉ học kéo dài, mọi kinh nghiệm cạnh tranh, bí quyết thị trường và cả thế mạnh chuyên môn của các trường tư đều bị vô hiệu.

Khi không có học sinh, các trường tư (vốn chỉ có nguồn thu từ người học) tịnh tiến đến bờ vực phá sản. Nhiều trường đã tuyên bố đóng cửa, bán trường. Tưởng chừng, mọi sự sống còn lúc này chỉ phụ thuộc vào sức cầm cự của tài chính: trường nào mạnh vốn thì sống. Nhưng, thực tế vẫn đang có một cuộc đấu tranh sinh tồn ngay trong các trường tư, với muôn phương ngàn kế, để vượt bão COVID-19.

Dù trường nghỉ dạy, nhưng hai cô cấp dưỡng của trường Hải Âu Bay không ngớt việc vì “dự án” bán đồ ăn và cơm văn phòng của trường
Dù trường nghỉ dạy, nhưng hai cô cấp dưỡng của trường Hải Âu Bay không ngớt việc vì “dự án” bán đồ ăn và cơm văn phòng của trường

Làm gia sư, nấu cơm văn phòng để gỡ bài toán tài chính

Tài chính là bài toán đầu tiên phải giải khi trường tạm đóng cửa. Không dạy học, không thể thu học phí. Trường mầm non M. (quận 9, TPHCM) lập tức tổ chức đưa giáo viên đến nhà học sinh, dạy theo hình thức 1-1. Sau khi nhà trường phổ biến với phụ huynh về mức học phí và những quy định gia đình cần tuân thủ để hợp tác tốt với giáo viên, cô Cao Mỹ L. trở thành thành viên của đội ngũ “giáo viên lưu động” - đúng theo cách gọi vui của nhóm đồng nghiệp. 

Trước khi đưa mô hình “giáo viên đến tận nhà học sinh” này vào hoạt động, cô L. đã được nhà trường huấn luyện quy trình từ lúc bước chân vào nhà, cho đến khi rời khỏi nhà học sinh. Mọi hoạt động đều được quy định rõ, với trình tự cố định. Để soạn ra những quy định cho hình thức dạy học này, nhà trường đã phải phản ứng rất nhanh và làm việc tích cực. Mục đích là giúp giữ hình ảnh giáo viên và những nguyên tắc sư phạm cần thiết trong hoàn cảnh phải đưa hoạt động giáo dục ra khỏi không gian nhà trường.

Theo cô L., nguồn thu học phí từ một học sinh học tại nhà đã đủ chi trả mức lương cơ bản của một giáo viên. Vậy nên, tạm thời trường cô thoát khỏi gánh nặng tiền lương mùa dịch bệnh.

Chị Dung - đồng sáng lập Trường mầm non Hải Âu Bay (quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng thuộc nhóm quản lý chọn cách đưa giáo viên tới nhà học sinh dạy kỹ năng. Áp lực tài chính của trường cũng giảm phần nào khi có nhiều giáo viên tự xin nghỉ để về quê. Số giáo viên còn lại, ngoài thời gian đến nhà học sinh thì… tham gia nấu cơm văn phòng bán để kiếm thêm thu nhập. Trường ở ngay trung tâm quận Phú Nhuận, giữa nhiều cao ốc văn phòng, “dự án khởi nghiệp bất đắc dĩ” của các giáo viên, nhân viên cấp dưỡng được ủng hộ nhiệt tình.

Mấy ngày đầu, cả ê-kíp phải vật lộn làm quen với việc vô hộp, giao hàng. Có những đơn hàng phải tận 13g mới giao đến, vì những cập rập không dự tính hết của “quán cơm” mới vào nghề. Nhưng chỉ vài ngày sau, các cô giáo đã thành thạo, tạo thành một đội ngũ xử lý đơn hàng - nấu cơm - vô hộp - giao hàng chuyên nghiệp. Phần cơm văn phòng được nấu bởi các cô giáo càng làm khách hàng tin tưởng nên lượng đơn hàng khá ổn. Theo chị Dung, cuộc mưu sinh “thứ phát” này bù đắp tạm ổn vào phần tiền lương của các giáo viên, nhân viên.

Chống chọi với những gánh nặng ngoài tài chính

Có thể nói, kỳ nghỉ chẳng đặng đừng vì dịch COVID-19 đã đưa các trường tư vào một trạng thái chờ tốn kém chưa từng có. Lựa chọn phổ biến nhất là chấp nhận tạm đóng cửa, cắt hợp đồng hoặc ngưng trả lương, ngưng liên lạc với phụ huynh học sinh cho đến lúc có thông báo mở trường. Nhưng lựa chọn đó có thể đánh đổi cả cơ hội đứng dậy của họ sau dịch: mất nhân sự, học sinh bỏ đi, họ phải đối diện với khủng hoảng tuyển sinh và cả tuyển dụng.

Cô giáo Trần Thị Tuyết Ngân quay clip dạy kỹ năng cho bé ngay trong chuyến  về quê Bình Thuận do kỳ nghỉ dịch COVID-19
Cô giáo Trần Thị Tuyết Ngân quay clip dạy kỹ năng cho bé ngay trong chuyến về quê Bình Thuận do kỳ nghỉ dịch COVID-19

Thời điểm các công văn thông báo việc cho học sinh nghỉ học liên tiếp được công bố, chị Phạm Trần Kim Chi (sáng lập Trường mầm non Beeblue House - Montessori Inspired) đã rơi vào trạng thái “buồn như suy sụp”. Không tổ chức dạy, trường không thể thu học phí. Trường có hai cơ sở, với hàng chục nhân sự và khoản chi phí cứng cho mặt bằng, điện, nước. Mỗi tháng, trường phải chi khoản tiền lớn để vận hành. Mỗi tuần đóng cửa, chị Chi phải đối diện với hàng trăm triệu đồng chi phí bị mất trắng.

Thế nhưng, chị Chi xác định, thứ tự ưu tiên giải quyết lúc này chính là sự kết nối với phụ huynh và năng lực của nhân sự. Sau thời gian quan sát, chị quyết định xây dựng một chương trình đặc biệt theo ngày để gửi cho phụ huynh và mời họ đưa con đến lớp với cô giáo. Để đảm bảo phòng dịch, lớp chỉ gồm một giáo viên - một học sinh. Lớp học hoàn toàn miễn phí. Mục đích của lớp học là dạy kỹ năng, giữ kết nối với phụ huynh và thể hiện trách nhiệm của nhà trường với học sinh trong đợt nghỉ đột xuất.

Ngoài những “lớp học một - một” tại trường, chị Chi còn cho giáo viên làm các clip giáo dục, đăng lên fanpage của trường theo những khung giờ cố định để phụ huynh có nguồn tư liệu dạy con tại nhà. Vốn là trường có thương hiệu về phương pháp Montessori và giáo dục tích cực, những clip của giáo viên làm trong dịp này cũng thể hiện cho phụ huynh biết cụ thể về cách dạy trẻ theo phương pháp này.

Khi nhìn rộng ra khỏi vấn đề tài chính, thì mùa dịch lại tiềm ẩn những nguy cơ cho chính các trường tư. Lúc này, cuộc “vượt bão” được kỳ vọng nhiều nhất, là vừa bảo vệ nguồn lực (nhân sự, tài chính), vừa phát huy được cơ hội từ “bão”. Thực tế, sự xáo trộn của kỳ nghỉ cũng tiềm ẩn trong nó sự “tái cơ cấu” lại nguồn học sinh, tạo cho các trường có cơ hội đón một lượng học sinh mới sau dịch, nếu họ có chiến lược cho mục tiêu này. 

Là Trưởng phòng Đào tạo của hệ thống Trường mầm non ILO sắp ra mắt, chị Vũ Thị Thu Hằng phải đối diện với sự dời lui “không thời hạn” ngày tuyển sinh và ra mắt trường. Nhân sự đã tuyển đủ, đã hoàn tất cả khâu đào tạo. Đến ngày trường chuẩn bị tuyển sinh theo kế hoạch thì “đụng” phải quyết định cho học sinh nghỉ học của cơ quan chức năng. Trong lúc công ty vẫn đang tiêu tốn tiền tỷ mỗi tuần cho cả hệ thống bị ngưng đột ngột, chị quyết định nhân cơ hội này nâng cao chất lượng nhân sự và cả hình ảnh của ngôi trường sắp ra mắt.

Chị nhắn tin mời các chuyên gia giáo dục về dạy cho giáo viên. Giữa lúc mọi người đều… rảnh, chị Hằng đề xuất những buổi đào tạo chéo miễn phí giữa các cơ sở giáo dục. Sau những giờ học chất lượng mà không tốn phí, chị Hằng lại tổ chức cho giáo viên thực hiện các clip giáo dục. Dự kiến, các clip giáo dục của các cô giáo sẽ được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, vừa giúp ích cho cộng đồng, vừa như những sản phẩm marketing của trường.

Rất nhiều trường tư đã đóng cửa vì nguồn tài chính bị đứt quãng vô thời hạn với lịch nghỉ học của học sinh. Nhưng xem ra, với những trường chọn sống thì thách thức còn cao hơn cả vấn đề tài chính. Vượt qua “bão”, thì cả việc sống tiếp sau “bão” cũng đòi hỏi một chiến lược và bản lĩnh sinh tồn mạnh mẽ. Mà cụ thể, ngay trong giai đoạn này, mọi phản ứng của các trường sẽ quyết định hình ảnh của họ trong mắt phụ huynh, từ đó, cũng quyết định cả việc phụ huynh có lựa chọn tiếp tục quay lại trường hay không sau mùa dịch. 

Minh Trâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI