Bị chồng theo dõi, vợ lạnh lùng suốt nửa năm

08/05/2023 - 14:53

PNO - Em có thể tiếp cận vợ lần nữa với một cái nhìn chân thành và nghiêm túc về việc này, chứ không chỉ năn nỉ, dỗ dành vợ.

Chào chị Hạnh Dung,

Em và vợ cùng 40 tuổi, có 1 bé gái 10 tuổi. Tháng 12/2022, vì ghen tuông, em đã quét tin nhắn và cài định vị theo dõi vợ. Vì chuyện này mà vợ em giận, rồi sau đó lạnh nhạt hoàn toàn với em, coi em như không tồn tại dù sống chung nhà.

Em rất thương vợ, nhưng hiện thái độ của vợ làm em rất buồn. Dù em năn nỉ nhiều lần và rất thành tâm, cô ấy vẫn không lay chuyển, không khí gia đình không còn như xưa. Cứ vậy đã gần nửa năm, em e là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của con.

Còn em, từ khi biết mình sai, em chỉ một lòng chuộc lỗi, cố gắng làm việc để bù đắp cho vợ con. Nhưng em không biết làm sao để bù đắp lại những tổn thương tâm lý cho vợ, cũng như hàn gắn tình cảm vợ chồng.

Phan Hưng (TP Thủ Đức, TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Phan Hưng mến,

Hạnh Dung mừng vì em đã thật tâm nhận ra lỗi của mình và nghiêm túc đối diện, sửa sai, bù đắp cho vợ con. Có lẽ sự tổn thương thực sự liên quan đến niềm tin, sự gắn bó tinh thần giữa vợ chồng và cả tự trọng của vợ em. Việc em hạ mình xin lỗi hay những bù đắp về vật chất dường như vẫn chưa chạm đến được.

Vậy nhưng nỗi lo của em là đúng. Vợ chồng sống chung một nhà nhưng xem nhau như không tồn tại là vấn đề rất đáng lo ngại.

Ở đây có 2 chuyện. Một là sự yêu/giận cùng mối gắn bó riêng tư giữa vợ chồng. Hai là trách nhiệm của nhau trong việc nuôi nấng một tổ ấm. Sự yêu/giận riêng tư thì có thể có lúc này lúc kia, nhưng trách nhiệm với gia đình thì cần tỉnh táo duy trì.

Một khi còn sống chung nhà, ở chung trong một cuộc hôn nhân và có cả con cái, các em vẫn có trách nhiệm trong việc tạo nên một không khí gia đình lành mạnh. Cả em và vợ đều cần ý thức về 2 chuyện này để tránh gây ra những tổn hại cho gia đình mà mình không ngờ đến.

Thường các cặp vợ chồng không phân định rõ ranh giới giữa cảm xúc/tình cảm và trách nhiệm hôn nhân. Khi giận bạn đời, họ có thể bỏ bê tất cả, mặc kệ những khoảng trống trong gia đình hay sự hoang mang của con cái. Việc này có thể chấp nhận nếu là cơn giận 1, 2 ngày; nhưng nếu để lâu, nó sẽ gây ra những tổn thương không đáng có cho gia đình.

Em có thể tiếp cận vợ lần nữa với một cái nhìn chân thành và nghiêm túc về việc này, chứ không chỉ năn nỉ, dỗ dành vợ. Hãy thể hiện sự nghiêm túc và bản lĩnh của mình với gia đình, với vợ, với hôn nhân.

Đầu tiên, em hãy chia sẻ một lần nữa về mối gắn bó vợ chồng: rằng em biết mình đã sai, đã làm tổn thương kết nối vợ chồng và vẫn đang cố gắng bù đắp cho vợ; em sẵn sàng chờ vợ “bình phục” dần.

Đó là vấn đề riêng tư giữa vợ chồng. Thế nhưng, về vai trò làm cha, làm mẹ trong gia đình thì cả hai cần phải nghiêm túc đối diện. Cả chồng và vợ đều cần giải quyết những rào cản cảm xúc, tình cảm của mình để đáp ứng cơ bản một giao tiếp trong gia đình, để tránh làm tổ ấm tổn thương thêm.

Có thể cô ấy chưa thể đáp ứng giao tiếp cơ bản ngay lập tức, nhưng khi nhận thức nó như một trách nhiệm và lường hết những hậu quả với con cái, cô ấy sẽ có hướng điều chỉnh. Thay đổi một cảm xúc, lấp đầy một sự tổn thương là khó; nhưng thay đổi một thái độ để đáp ứng cơ bản trong một mối quan hệ đời thường thì không khó, nó chỉ cần cố gắng một chút thôi.

Có một điều thú vị là, khi duy trì được những giao tiếp cơ bản trong gia đình, vợ em sẽ có thêm nhiều cơ hội để bắt nhịp trở lại với chồng, với hôn nhân. Qua những giao tiếp cơ bản như giờ ăn cơm, giờ đưa đón con, thăm nom nội ngoại… sự nghiêm túc, trách nhiệm và thành thật của em sẽ là chất xúc tác cho sự chữa lành của cô ấy.

Chúc các em sớm kết nối như xưa.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI