Bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam có chủ tịch hội đồng quản lý

18/03/2020 - 17:44

PNO - Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị y tế công đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm tự chủ.

Ngày 18/3, Bộ Y tế công bố và trao các quyết định bổ nhiệm quyền chủ tịch hội đồng quản lý và giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Theo đó, GS.TS Ngô Quý Châu (sinh năm 1960) - Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Bạch Mai - làm Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, (sinh năm 1967) - bác sĩ chuyên ngành tim mạch, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tao quyết định và chúc mừng cùng GS Ngô Quý Châu và GS Nguyễn Quang Tuấn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (giữa) trao quyết định và chúc mừng GS Ngô Quý Châu (bìa phải) và GS Nguyễn Quang Tuấn (bìa trái)

Trước khi được bổ nhiệm Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý, GS.TS Ngô Quý Châu đã giữ chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 2/2007; Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai; Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội Tổng hợp, Trường Đại học Y Hà Nội. Từ tháng 11/2019, GS.TS Ngô Quý Châu là Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Bạch Mai thay cho PGS.TS Nguyễn Quốc Anh đến tuổi nghỉ hưu.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn nguyên là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội từ năm 2012 và là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Trước khi là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông công tác tại Viện Tim mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Ông hiện là Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á - Thái Bình Dương...

Với quyết định này, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam có người đứng đầu điều hành là Chủ tịch hội đồng quản lý. Bộ máy lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai gồm: Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc.

Bệnh viện Bạch Mai cũng được Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020-2021, tại Quyết định 268/QĐ-TTg, ngày 17/2/2020.

Với đề án này, tới đây Bệnh viện Bạch Mai sẽ được tự chủ cả về tổ chức bộ máy và nhân sự. Cụ thể, bệnh viện sẽ lập hội đồng quản lý bệnh viện gồm 11 thành viên. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên hội đồng quản lý, chủ tịch hội đồng quản lý. Hội đồng quản lý là cơ quan quản lý cao nhất của bệnh viện cho tới khi Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn thành viên hội đồng quản lý theo quy định.

Thực hiện đề án này, Bệnh viện Bạch Mai được tự chủ về đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tự chủ về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế. Bệnh viện được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị y tế công đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm tự chủ.
Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị y tế công đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm tự chủ

Bệnh viện phải quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản, không để thất thoát, lãng phí. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện việc chăm sóc toàn diện cho người dân, giải quyết được tình trạng quá tải.

Thực hiện quản lý bệnh viện minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình… Đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng các dịch vụ, thuốc, vật tư, xét nghiệm không cần thiết để tăng thu; giảm tỷ lệ giường bệnh điều trị theo yêu cầu; tiết kiệm chi từ bảo hiểm y tế và từ người bệnh.

Về tổ chức, Bệnh viện Bạch Mai sẽ hoạt động ở 2 cơ sở của bệnh viện tại Hà Nội và TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). 

Chia sẻ về mô hình mới này, Bộ Y tế nhấn mạnh, các bệnh viện tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính nhưng không được tự động tăng giá dịch vụ y tế. Bệnh viện không phải là doanh nghiệp nên nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và phải thực hiện mức giá theo Bộ Y tế quy định. Tự chủ để trao thực quyền hơn cho người đứng đầu trong điều hành hoạt động, liên quan đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI