Bệnh nhi yếu, liệt tay: Thiệt thòi vì thiếu keo sinh học

28/09/2015 - 14:10

PNO - Mỗi năm cả nước có khoảng 500 trẻ sinh ra bị yếu, liệt tay, nhiều trường hợp phải mổ để nối lại các sợi thần kinh, nếu không trẻ sẽ bị liệt.

Benh nhi yeu, liet tay: Thiet thoi vi thieu keo sinh hoc
Bệnh nhi bị yếu tay đang tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Mỗi năm cả nước có khoảng 500 trẻ sinh ra bị yếu, liệt tay do chấn thương lúc mẹ “vượt cạn”, trong đó có nhiều trường hợp phải mổ để nối lại các sợi thần kinh ở cánh tay, nếu không trẻ sẽ bị liệt suốt đời.

Thế nhưng, suốt hai năm nay, các bệnh viện (BV) tại TP.HCM không còn keo sinh học để nối các sợi thần kinh, buộc bác sĩ (BS) phải chuyển sang khâu chỉ, khiến ca mổ kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

Ca mổ kéo dài thêm 5 giờ

Phản ánh đến báo Phụ Nữ, chị Lê Thị Hồng Thắm (27 tuổi, nhà ở Q.11) lo lắng: “Lúc chuyển dạ sinh, các BS cho biết con tôi nặng đến 4,1kg, nên tiên lượng ca sinh sẽ gặp nhiều khó khăn. Sau một ngày sinh, người nhà thấy tay trái bé không cựa quậy như tay phải. Dù đã được tập vật lý trị liệu suốt sáu tháng, tay trái bé vẫn không cải thiện, không thể đưa tay lên miệng, lên đầu.

Khi con được tám tháng tuổi, tôi đưa bé đến khoa Chỉnh hình nhi, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, các BS cho biết, phải mổ gấp để nối lại thần kinh cánh tay cho bé mới hy vọng hết liệt. Tuy nhiên, một y tá tiết lộ, gần hai năm nay BV đã hết keo sinh học, do đó khi phẫu thuật, các BS sẽ tiến hành khâu chỉ thông thường, thời gian kéo dài gấp hai-ba lần, rất nguy hiểm cho trẻ vì phải dùng nhiều thuốc gây mê liều cao”.

BS Phan Đức Minh Mẫn, Phó khoa Chỉnh hình nhi, BV Chấn thương chỉnh hình cho biết: “Mỗi năm, BV điều trị liệt cánh tay cho khoảng 20 trẻ. Trong quá trình vi phẫu, BS sẽ dùng keo sinh học thay cho chỉ khâu để nối các sợi thần kinh. Thời gian dùng keo sinh học giúp ca mổ rút ngắn tối đa, chỉ còn ba giờ thay vì sáu giờ như trước.

Chưa kể, kỹ thuật dùng keo sinh học còn giúp trẻ hạn chế nguy cơ bị xơ hóa thần kinh về sau. Keo dán sinh học đã được nhiều BV ứng dụng thành công, nhất là cho trẻ nhỏ từ ba-sáu tháng tuổi, không phải sử dụng liều thuốc mê cao trong khi mổ.

Chúng tôi đã ghi nhận, khi dùng keo sinh học, những trẻ bị tổn thương nhóm thần kinh ở vị trí cột sống cổ thứ 5, thứ 6 có khả năng phục hồi rất tốt, còn trẻ bị liệt nặng hơn do đứt thêm dây thần kinh ở vị trí cột sống cổ thứ 7 thì khả năng hồi phục đạt gần 65%.

Tóm lại, kỹ thuật này đã mở ra nhiều cơ hội phục hồi chức năng cánh tay cho trẻ so với trước đây, nhất là trẻ liệt nặng; đồng thời mở ra hướng đi mới cho ngành vi phẫu và chỉnh hình ở trẻ em. Thế nhưng, BV đã không còn keo sinh học từ hai năm nay".

Benh nhi yeu, liet tay: Thiet thoi vi thieu keo sinh hoc
Kỹ thuật nối thần kinh bằng keo sinh học mở ra cơ hội tốt để phục hồi chứng liệt tay cho trẻ sơ sinh

BV Nhi Đồng 1 là một trong số ít các cơ sở y tế ở phía Nam thực hiện được kỹ thuật ghép liệt đám rối thần kinh cánh tay (gọi tắt là liệt thần kinh cánh tay) cho trẻ sơ sinh, nhưng nơi đây cũng đã hết “hàng” gần hai năm nay.

BS Lê Hữu Khánh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhi Đồng 1 khẳng định, kỹ thuật nối thần kinh bằng keo sinh học mở ra cơ hội tốt để phục hồi chứng liệt tay cho trẻ sơ sinh.

Mỗi tháng BV mổ cho 5-10 bé bị liệt, yếu cánh tay không thể hồi phục. Nếu nối bằng chỉ thì thời gian mổ sẽ mất khoảng sáu giờ, còn dùng keo sinh học chỉ mất 60-90 phút.

Cho chúng tôi xem nhiều hình ảnh của các bé hồi phục hoàn toàn vận động cánh tay nhờ sử dụng keo sinh học trước đây, BS Khánh tiếc nuối: “Có keo sinh học, một buổi sáng BS có thể mổ được cho năm bệnh nhi, còn dùng chỉ khâu thủ công chỉ giúp được một trẻ; trong khi hiệu quả giữa hai phương pháp này là như nhau.

Chưa kể, khi dùng chỉ, kỹ thuật viên phải khâu tỉ mỉ từng sợi thần kinh, bao thần kinh; trong khi keo sinh học chỉ cần nối dán hai đầu sợi thần kinh là đủ để dây thần kinh phát triển trở lại.

Nhờ rút ngắn thời gian mổ, BS sẽ đỡ vất vả hơn, bệnh nhi được rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế liều thuốc mê, giảm nguy cơ hậu phẫu, viêm hô hấp, nhiễm trùng…".

Mỏi mòn chờ

Nếu BV Nhi Đồng 1 vì không có keo sinh học nên phải quay trở lại kỹ thuật vi phẫu, nối thần kinh bằng chỉ y khoa thông thường thì BV Chấn thương chỉnh hình lại thay thế bằng keo sinh học dùng trong việc dán màng cứng ở não.

Loại keo này cũng được chiết xuất từ máu nhưng “đặc hiệu” cho việc dán màng cứng, mau đông, mau cứng. Trong khi keo sinh học nối thần kinh vốn bền, mềm mại theo cấu tạo của sợi thần kinh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI