Bão lũ tiếp diễn, học ngành gì có ích?

21/10/2020 - 07:49

PNO - Chỉ trong những ngày đầu tháng Mười, các tỉnh miền Trung đã hứng chịu liên tiếp các đợt bão lũ. Vậy những ngành học nào sẽ giúp con người hiểu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu?

Bộ Tài nguyên và Môi trường dự đoán đến cuối thế kỷ XXI, nếu nước biển dâng 100cm, khoảng 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu long sẽ bị ngập; tương tự, ngập 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng; ngập 17,8% diện tích TP.HCM... 

quảng trị
Nhiều ngôi nhà ở xã Cam Tuyền huyện Cam Lộ tỉnh Quảng trị bị ngập sâu do nước lũ

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, hạn hán và bão lụt... xuất hiện ngày càng nhiều với cường độ lớn hơn.

Bên cạnh các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và thiên tai, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và rác thải của nước ta đang trở nên báo động trong những năm gần đây. Chỉ trong những ngày đầu tháng Mười, các tỉnh miền Trung đã hứng chịu liên tiếp các đợt bão lũ. 

Vậy những ngành học nào sẽ giúp con người hiểu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu?

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, cho rằng học sinh nên quan tâm nhiều hơn đến các ngành lâm nghiệp, môi trường, địa chất... Đây là những ngành nghề thiết thực giúp chúng ta bảo vệ tài nguyên rừng, hiểu về đất và phòng, chống biến đổi khí hậu.

Còn thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), khuyến cáo: các ngành hải dương học, địa chất học, khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường… sẽ là những ngành học có ích trong việc chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Thạc sĩ Phùng Quán giải thích: ngành hải dương học còn học cả về khí tượng, thủy văn sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quát và chuyên sâu về các quy trình vật lý trong đại dương, khí quyển và lục địa. 

Ngành địa chất học nghiên cứu tất cả các lĩnh vực của khoa học và tài nguyên địa chất, môi trường, phòng tránh và giảm thiểu tác động của tai biến tự nhiên, giảm nhẹ tác động tai biến địa chất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là động đất, núi lửa, sóng thần, trượt lở, sụt lún đất...

Ngoài ra, sinh viên ngành học này có thể nghiên cứu phân tích các cấu trúc địa chất và quá trình địa chất phục vụ tìm kiếm khai thác dầu khí, khoáng sản, tài nguyên nước, xây dựng các cầu cảng, công trình thủy điện, đường giao thông; khai thác các nguồn năng lượng bền vững như địa nhiệt, khí đá phiến, khí hóa than… 

“Nếu chúng ta có những chuyên gia giỏi về lĩnh vực này có thể sẽ có cách phòng, hạn chế những sự cố tốt hơn, ít rủi ro hơn. Tất nhiên, những ngành này luôn có nhu cầu về nhân lực”, thạc sĩ Phùng Quán thông tin. 

Thanh Thanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI