Ngôi trường 4.0 trên đảo xa

19/10/2020 - 07:28

PNO - Những ngày này, Trường trung học phổ thông Ngô Quyền (huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) lại tiễn những học sinh của mình lên tàu rời đảo để bắt đầu hành trình vào đất liền học đại học.

Những bước chân tự tin trên đất liền hôm nay là kết quả của những nỗ lực thay đổi trong cách dạy và học ở trường này.

Hơn 50% học sinh muốn “giong buồm đi xa” 

Đây là lần đầu tiên, Trần Hoài Trinh - cô học sinh vừa trúng tuyển ngành thiết kế nội thất Trường đại học Kiến trúc TP.HCM - đi xa, và không phải chỉ đi một vài ngày rồi trở về như lần rời đảo vào đất liền để tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hai tháng trước. Trên con tàu cao tốc vượt sóng hướng về đất liền, khi tất cả những gì thân thuộc, yêu thương lùi lại phía sau, Trinh bật khóc: “Ở đảo không có nhiều cơ hội để thực hiện ước mơ, nên tôi quyết tâm phải thi đậu đại học”.

Một trong những hoạt động ngoại khóa của thư viện Trường trung học phổ thông Ngô Quyền
Một trong những hoạt động ngoại khóa của thư viện Trường trung học phổ thông Ngô Quyền

Trên một hòn đảo cách đất liền đến 56 hải lý, từ mười năm trước, những chuyến tàu nối đảo với đất liền luôn là nỗi ám ảnh người dân, bởi hành trình 6-7 giờ tròng trành trên sóng. Sóng gió bao trùm đảo khiến người dân nơi đây phải sống tự cung tự cấp trong khoảng thời gian rất dài. Sự khép kín ấy hình thành nét tâm lý rất đặc trưng của những người mẹ vùng đảo: mong muốn con cái sống quây quần. Vì vậy, lớp trẻ ở đây cũng không dám rời xa đảo để đến những miền đất lạ, an phận với cuộc sống yên lành nhưng khốn khó trên đảo.

Bản thân từng không ít lần bị nếp nghĩ ấy níu chân nên khi quay trở về quê hương công tác sau nhiều năm đi xa, thầy Lê Quang Trọng - Phó hiệu trưởng kiêm giáo viên dạy văn của Trường THPT Ngô Quyền - luôn nhắn nhủ học sinh rằng, tuổi trẻ cần tung hoành, cần đến những vùng đất mới, kể cả đi nước ngoài để biết thế giới rộng lớn, để có những trải nghiệm lý thú. Thầy nói với học sinh trường đảo bằng hình ảnh ví von: “Người ta tạo ra những con tàu không phải để neo đậu cũ mèm, rêu mốc nơi bến cảng”.

Bài học “giong buồm vượt đảo” ấy được dạy nhiều nhất trong ngôi trường THPT duy nhất của đảo. Hễ có cơ hội, thầy Nguyễn Hải Thọ - hiệu trưởng nhà trường - cũng “đuổi” học sinh của mình đi thật xa: “Thầy mong các con hãy đi thật nhiều, thật xa bởi những kinh nghiệm, kỹ năng, bài học cuộc đời ở đất liền phong phú hơn so với ở đây”.

Được dạy như vậy nên Trinh, cũng như hơn 50% học sinh cuối cấp tại đây đã chọn sẽ đi, bằng quyết tâm trong ngày tốt nghiệp THPT. 50% học sinh chọn bước tiếp con đường học hành sau khi tốt nghiệp là một sự thay đổi lớn ở đảo này. 

Học trực tuyến, họp phụ huynh cũng trực tuyến

Cũng như Trinh, Châu Tấn Pháp - thủ khoa của Trường THPT Ngô Quyền trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua - đang chuẩn bị hành trang để nhập học ở Học viện An ninh nhân dân. Đạt điểm thi xấp xỉ 27, Pháp tự tin cho biết: “Có thể nhiều người chưa tin, nhưng thực tế, cách mạng 4.0 đang hiện diện ở ngôi trường của tôi. Chính thầy cô đã tạo ra môi trường học tập cởi mở, hiện đại”.

Học sinh của ngôi trường trung học phổ thông duy nhất trên đảo Phú Quý tự tin, năng động với môi trường học tập cởi mở, hiện đại  (ảnh từ fanpage của Trường trung học phổ thông Ngô Quyền)
Học sinh của ngôi trường trung học phổ thông duy nhất trên đảo Phú Quý tự tin, năng động với môi trường học tập cởi mở, hiện đại (ảnh từ fanpage của Trường trung học phổ thông Ngô Quyền)

Trong ngôi trường với phòng ốc cũ kỹ này, những dự án học tập, lớp học STEM không còn xa lạ với học sinh. Năm học 2019-2020, đây là ngôi trường đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận được Microsoft cấp quyền tự tạo và quản trị hệ thống Office 365 Education cho nội bộ trường với 10.000 tài khoản.

Từ tháng 8/2019, toàn bộ học sinh của trường được hướng dẫn, tổ chức học tập trên nền tảng công nghệ hiện đại. Hệ thống phòng học toàn trường được gắn ti vi màn hình lớn kết nối internet. Học sinh được sử dụng điện thoại để học tập theo yêu cầu của giáo viên và được tài trợ gói dữ liệu 4G với dung lượng cao. Do đó, ngay trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, việc dạy và học tại đây không bị gián đoạn khi tất cả đều trực tuyến. Khó có nơi nào như ở huyện đảo xa xôi này, những cuộc họp trực tuyến qua màn hình điện thoại lại quá quen thuộc với phụ huynh học sinh - phần lớn là những ngư dân quanh năm bám biển.

Với những nỗ lực thay đổi phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại, năm học này, Trường THPT Ngô Quyền nằm trong danh sách các trường học trên toàn cầu có chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft. Trong danh sách này, trường góp tên hai giáo viên. Như Pháp nói, “diện mạo của trường thay đổi theo cách rất trẻ nhờ tư tưởng cởi mở, chịu khó thay đổi của các thầy cô”. 

Thầy Lê Quang Trọng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền - bộc bạch: “Những năm 2000, tôi rời xa đảo. Mỗi lần về thăm rồi xa quê, ngoảnh lại, tôi thấy mẹ vẫn đứng trên bến cảng nhìn theo cho đến khi tàu mất dạng. Điều đó khiến tâm trạng tôi rối bời. Cái nhìn đó là cả chiều sâu của tình thương vô bờ bến, nhưng cũng chính những cái nhìn như thế đã khiến con cái không dám đi xa”. 

Quy ước sử dụng điện thoại của Trường trung học phổ thông Ngô Quyền 

“Giờ giải lao, bạn chỉ có năm phút ngắn ngủi để thư giãn đầu óc, để cơ thể mình sảng khoái cho tiết học sau. Vì vậy, hãy bước ra khỏi phòng, hít thở bầu không khí trong lành, tận hưởng không gian tươi mát, thoáng đãng của ngôi trường chúng ta đang học. Hãy dừng ngay hành động cắm đầu vào điện thoại khi thầy cô vừa bước ra khỏi lớp”. Đó là một trong những khuyến cáo - cũng là quy ước - về việc sử dụng điện thoại trong lớp học mà Ban giám hiệu Trường THPT Ngô Quyền đặt ra cho học sinh, ngay khi các diễn đàn đang tranh luận sôi nổi về việc nên hay không nên cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học. 

Không đợi đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học thì trường mới ra quy ước này. Nhiều năm trước, Trường THPT Ngô Quyền đã phủ sóng wifi và cho phép tất cả giáo viên, học sinh dùng điện thoại thông minh để dạy, học. Thầy Nguyễn Hải Thọ nêu quan điểm: “Kỷ nguyên số rồi, học trò cần internet để phục vụ cho việc học, sao lại cấm học trò dùng điện thoại? Việc của thầy cô là làm sao để học trò dùng điện thoại đúng lúc, đúng chỗ và đúng mục đích”.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI