Bao giờ tuyển sinh trường chuyên thôi dựa vào điểm số?

17/08/2021 - 21:59

PNO - Hiện nay, một số phụ huynh đang tranh cãi về việc tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức xét tuyển sẽ dẫn đến thiếu công bằng hơn thi tuyển, nhất là lớp 10 chuyên. Tuy nhiên, dù thi tuyển hay xét tuyển thì với cách tính hiện nay, chúng ta quá lệ thuộc vào điểm số.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TPHCM không thể tổ chức cuộc thi tuyển sinh vào lớp 10 như mọi năm, thay vào đó là phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập. Ngay lập tức, cả giới quản lý chuyên môn lẫn người học nhận ra rằng phương án này, dù tính toán kỹ thế nào cũng sẽ không mang lại kết quả "tâm phục khẩu phục" cho tất cả. Bất kỳ giải pháp, nhất là giải pháp tình thế, dù kín kẽ đến cỡ nào cũng không thể phủ mọi đối tượng, chắc chắn sẽ dẫn đến những ý kiến trái chiều. Kể cả thi tuyển thì khi trượt cũng chưa hẳn vì điểm thấp, mà có thể do chọn nguyện vọng sai.

Kết quả không ngoài dự đoán, ngay khi điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên được công bố, khoảng 200 phụ huynh lớp 9 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (gọi tắt là Trường TĐN) phản ứng cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 chuyên tạo ra bất cập khiến con em họ dù là rất giỏi cũng trượt nguyện vọng chuyên, và khẳng định, nếu thi tuyển chưa chắc trượt. Phụ huynh nói thế không phải không có lý, bởi những học sinh ở ngôi trường này có những đặc điểm để phụ huynh tự hào: Tham gia khảo sát đầu vào; "lò luyện" học sinh chinh chiến ở các cuộc thi...

Cô Tô Thuỵ Diễm Quyên đang tập huấn cho các giáo viên THPT
Cô Tô Thuỵ Diễm Quyên đang tập huấn cho các giáo viên THPT

Thế nhưng, bấy nhiêu đó cũng không thể kết luận học sinh THCS của ngôi trường này sẽ giỏi hơn học sinh của các trường còn lại. Bởi, khái niệm giỏi ở đây được xác định trên điểm số của các kỳ kiểm tra, cuộc thi thố... Mỗi kỳ thi đều có những tiêu chí nhất định, luyện và đạt kết quả cao vì phù hợp với tiêu chí đó. Nói cách khác, cách đánh giá học sinh của ta hiện nay chủ yếu là đánh giá dựa vào kiến thức, nên khái niệm giỏi không thể hiện đầy đủ năng lực người học.

Khi tôi còn dạy ở Trường THCS Đức Trí - một trường được đánh giá "em út" so với các trường lừng lẫy trong quận 1. Nhưng, khi tham gia sân chơi sáng tạo khoa học kỹ thuật, học sinh của trường này đoạt giải nhất. Các nước phát triển đánh giá năng lực người học trong khi việc tuyển sinh đầu vào ở ta quá lệ thuộc vào các kỳ thi, xét tuyển dựa trên điểm số.

Theo thuyết đa thông minh của Howard Garner, con người có đến tám loại hình thông minh. Nhưng hầu như chúng ta chỉ  tuyển và đánh giá cao những em có trí thông minh về logic, toán học, ngôn ngữ. Ít khi thấy những học sinh chăm làm việc thiện nguyện, công tác xã hội, hoặc có khả năng thuyết trình hay... được ưu tiên xét tuyển vào trường chuyên. Điều này sẽ khiến chúng ta bỏ sót những em có khả năng nổi trội ở các lĩnh vực khác. Với quan niệm thi gì học nấy nên vô hình trung, chúng ta tạo nên một môi trường giáo dục phát triển lệch về phía kiến thức.

Các kỳ thi, đề thi cho dù được thiết kế tốt cỡ nào cũng thường chỉ đánh giá được 1, 2 trong số các loại hình thông minh của con người. Chúng ta thích tuyển người giỏi nhưng khái niệm giỏi chỉ gói gọn ở kiến thức. Vì thế mới có chuyện đổ xô đi học thêm, luyện thi. Trong khi mục tiêu của giáo dục thế kỷ 21 là lấy việc phát triển năng lực con người làm mục tiêu, chú trọng giáo dục ra con người biết tư duy, có kỹ năng hơn là thuộc làu kiến thức. Bởi ở thời đại này, kiến thức là thứ dễ trở nên lạc hậu nhất.

Sẽ không có kết quả mới với cách làm cũ, vì vậy các kỳ tuyển sinh, kể cả việc tuyển sinh vào lớp 10 chuyên cần có sự thay đổi. Trong đó, điểm số từ đánh giá kiến thức là 1 kênh tham khảo, nhưng cần phải kết hợp thêm phỏng vấn, bài thi tổng hợp đánh giá năng lực người học...

Việc tuyển sinh đầu vào ở nhiều trường chuyên chủ yếu dựa vào điểm số - Ảnh minh hoạ
Việc tuyển sinh đầu vào ở nhiều trường chuyên chủ yếu dựa vào điểm số - Ảnh minh hoạ

Trường THPT chuyên vốn được kỳ vọng đào tạo ra đội ngũ học sinh có năng khiếu để phát triển thành đội ngũ lao động ưu tú cho xã hội, vì thế cũng được đầu tư nhiều hơn. Vì vậy, việc tuyển sinh chuyên không chỉ cần kiến thức mà cần kết hợp nhiều hình thức khảo thí khác để đánh giá.

Tuỳ vào ứng viên và hoàn cảnh, nhà tuyển sinh có thể đặt câu hỏi đơn giản như: Em có ước mơ gì và muốn trở thành một người như thế nào? Vì sao em muốn vào trường chuyên? Vào trường chuyên em sẽ có kế hoạch học và trải nghiệm như thế nào?... Thông qua những hình thức khảo thí kết hợp, nhà trường còn có thể đánh giá được khả năng tư duy, kỹ năng thuyết trình, ăn nói, phong thái, thái độ chính trực, mục tiêu phát triển…của người học.

Đó là chưa kể, không chỉ cộng điểm khuyến khích cho học sinh đoạt giải ở các kỳ thi học thuật, mà những thí sinh có khả năng nổi trội ở các lĩnh vực khác như công tác xã hội, hùng biện… cũng cần được công nhận.

Muốn làm được điều đó thì trường chuyên cần được tự chủ trong tuyển sinh. Họ được quyền tuyển người theo nhu cầu và tiêu chí riêng để giáo dục theo phương pháp của họ. Và dĩ nhiên điều này đòi hỏi nhà trường phải có một hội đồng tuyển sinh đủ mạnh, làm việc khoa học và có những công cụ, tiêu chí đánh giá đa dạng.

Ví dụ như ở Mỹ, việc tuyển sinh đầu vào sẽ do nhà trường quyết định. Họ có thể đưa ra quyết định dành nhiều suất học bổng để tuyển học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong đơn giản chỉ vì họ đánh giá cao thái độ và năng lực học tập của những học sinh đi trước xuất thân từ ngôi trường này. Nghe có vẻ như đầy cảm tính nhưng thực ra tiêu chí này đã được thống kê và khảo sát cẩn thận...

Vì vậy, trong tương lai, việc tuyển sinh chuyên cần để các trường được quyền quyết định bởi hội đồng tuyển sinh của nhà trường. Hàng năm, trường phải có trách nhiệm đưa ra đề án tuyển sinh, Sở GD-ĐT là đơn vị thẩm duyệt và giám sát trường thực hiện.

Tô Thuỵ Diễm Quyên

Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI