Thư Tổng biên tập

Bạn và tôi, ta cần công tâm và tử tế

20/05/2020 - 07:44

PNO - Báo Phụ Nữ TPHCM bước qua tuổi 45, luôn ghi nhớ, mang ơn và phụng sự bạn đọc, “phải là người tử tế, yêu đất nước và có lý tưởng sống làm người cao đẹp" như lời dì Phương Điền - Tổng biên tập đầu tiên của Báo đã căn dặn.

Rất nhiều lần, trước khi quyết định để anh chị em phóng viên bước vào một tuyến đề tài gai góc hay bắt đầu một phóng sự điều tra, tôi luôn tự hỏi: nếu không thực hiện những đề tài này, không theo đuổi tìm ra những sự thật này thì nghề báo sẽ tồn tại theo nghĩa nào? Nếu không còn làm báo, mình sẽ làm nghề gì? 

Và tôi biết chắc mình sẽ… thất nghiệp. 

Có lẽ, một phần tôi dở hơn nhiều đồng nghiệp, họ đa năng và tháo vát. Nhưng cái chính, hình như chỉ có nghề báo mới cho tôi và các cộng sự cái “đặc quyền” quan sát, soi chiếu, tìm tòi, phản tỉnh, bảo vệ những “khuôn mặt” của đời sống, của dòng thực tế vẫn tuôn chảy mỗi ngày, mỗi giờ. Cái nghề - mà soi qua nó, lặn vào nó những niềm vui bé mọn - trước một người tốt được minh oan, một sự việc cần được và đã kịp thời lên tiếng; hay sự phẫn nộ vì cái ác đến cùng cực, cái xấu được che đậy trong những bộ cánh thiên thần…

Tất cả đều ấp ủ trong trái tim nồng ấm, rực sáng trong lý tưởng sống muốn đấu tranh vì công bằng và hạnh phúc xã hội và tất nhiên, phải mày mò, rèn giũa, tích lũy sự hiểu biết mỗi ngày để trong mỗi sự quan sát, phép phân tích, nhận định được dẫn dắt một cách khách quan, chính xác nhất có thể. 

Tôi tin, ai ở bất cứ nghề nào cũng có ít hay nhiều những ấp ủ, lý tưởng ấy trong mình. Nhưng người chọn nghề báo, yêu và sống chết cùng nó thì cái lý tưởng ấy là ngọn lửa không bao giờ tắt. Một ngày, nếu để nó lụi tàn, tôi là kẻ thất nghiệp. 

Báo Phụ Nữ TPHCM vừa bước qua tuổi 45. Với gần nửa thế kỷ, ngọn lửa ấy đã được nhen nhóm từ ngày khai sinh 19/5/1975, từ chính Tổng biên tập đầu tiên - dì Phương Điền: “Tôi không học một trường lớp báo chí nào cả, tôi cũng chưa từng trải qua một khóa quản lý báo chí nhưng tôi biết chắc một điều, muốn làm báo thì phải là người tử tế, phải yêu đất nước, phải có lý tưởng sống và làm người cao đẹp. Vì nghề báo phải góp phần mang đến cho xã hội, cho con người những điều tử tế. Tôi sẽ truyền cho các em điều đó” - lời thuật lại là từ nhà báo Nguyễn Thế Thanh - Tổng biên tập thứ hai của Báo Phụ Nữ TPHCM. 

Trước di ảnh người đã khuất, các thế hệ làm báo Phụ Nữ đã nguyện khắc ghi lời khai thị 45 năm trước ấy, để trong mỗi bài báo, trang báo, số báo, dù chồng chất khó khăn, thách thức vẫn giữ gìn, tiếp nối và lan tỏa cái giá trị cao đẹp và tử tế ấy - mà chỉ có thể là nó, vì nó, nghề báo mới thật sự có ý nghĩa tồn tại. 

Vậy ai, thước đo nào để kiểm đếm, đánh giá, nhìn nhận cái gọi là tử tế ấy? Thưa rằng: bạn đọc. Bạn đọc đông, chung chung, lại chỉ… đọc thôi thì đánh giá thế nào? Thưa rằng: chỉ cần đọc thôi, đọc với tất cả sự công tâm, hiểu biết, tỉnh táo, bạn đọc nhận ra mọi thứ. Chính bạn đọc là nguồn tin, là chứng cứ, cho nên bạn đọc là người bảo vệ nhà báo. Và bạn đọc cũng là người nghi ngờ, điểm chỉ, vạch mặt nhà báo - nếu chúng ta đánh tráo, dối trá và lợi dụng bạn đọc. Chúng ta có thể thiếu sót, sai sót, nhưng chúng ta không ngụy tạo và chèo kéo diễn biến thực tế, chúng ta thành thật trước sự thật và cố gắng để có được “một phiên bản tốt nhất của sự thật”.

Ngay sau khi buổi sáng phát hành bài báo đầu tiên trong loạt phóng sự điều tra về đường dây “hút máu” người nuôi bệnh ở một bệnh viện tại TPHCM, năm 2017, tòa soạn chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn cảnh báo phóng viên phải tuyệt đối cảnh giác vì nhóm bảo kê đang cho người theo dõi, quyết truy tìm từng thành viên trong nhóm phóng viên đóng vai thâm nhập. 

Trong các tuyến bài điều tra, phản ánh về việc xâm hại tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, chính bạn đọc là người cung cấp cho chúng tôi những dữ liệu hình ảnh hiện trạng trước và sau khi khu tài nguyên, công trình di sản bị khai thác, xâm hại, các hồ sơ pháp lý và đường đi của thủ tục, nhất là tiếng nói của người trong cuộc… 

Và rất nhiều lần, ngay trong đêm, bạn đọc gọi vào đường dây khẩn, báo tin về một vụ bạo hành gia đình sát bên nhà; có khi là một tin nhắn chuyển lại lời kêu cứu của một nạn nhân, nhóm nạn nhân đang bị ngã giá bán qua biên giới. Phóng viên cứ thế lên đường, đi theo nguồn tin lẫn lòng tin của chính bạn đọc trao cho mình. Vậy thôi! 
45 năm, cái tuổi đủ để đằm thắm và tĩnh tại, cân bằng giữa khát vọng và hiện thực để không liều lĩnh mà mạnh mẽ, quyết định những bước đi tiếp đích. 

45 năm - một đời báo, bao thế hệ người làm báo, viết báo và đọc báo đã đi qua. Nhưng chừng nào còn theo đuổi cái sự nghiệp tử tế này với cách thức tử tế nhất thì tuổi tác chỉ rèn thêm cho mỗi người viết báo, làm báo mang tên Phụ Nữ TPHCM một bản lĩnh bút sắt - lòng son mà đời đời ghi nhớ, mang ơn và phụng sự bạn đọc, “yêu đất nước và có lý tưởng sống làm người cao đẹp”… 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI