Bán nhà, bán đất, bị con cháu tống ra đường vì bệnh thận

23/06/2017 - 07:00

PNO - 'Suốt 10 năm chạy thận, tôi sống nhờ vào tình thương của bác sĩ và người qua đường. Đêm nào trước khi ngủ, tôi cũng cầu mong đừng thức dậy nữa', bà Trần Thị Đức 80 tuổi bật khóc khi nói về con cháu.

Hơn 400 con người với vô số nguyên nhân dẫn đến suy thận, phải tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Trong đó, một nửa rơi vào khánh kiệt vì chi phí chạy thận nhân tạo quá tốn kém. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi bị chính con cháu mình tống ra đường. 

Đời chạy thận: Tìm tình thương trong nghiệt ngã

Bài 1: Người trẻ chôn vùi tuổi xuân vì bệnh thận

Bài 2: Mẹ già suy thận nặng bán vé số nuôi con tâm thần

"Cha mẹ chết con cũng không nhận xác"

Bà Trần Thị Đức (hơn 80 tuổi, có nhà ngay trung tâm TP.HCM), vậy mà khi hỏi về con cháu, bà chỉ ngậm ngùi, rồi bật khóc. Bà có đến 6 người con nhưng từ khi bà bị suy thận, con cái liền đẩy bà ra đường, rồi bán nhà chia chác cho nhau. 

Ban nha, ban dat, bi con chau tong ra duong vi benh than
Nhà bà Đức bây giờ là trại 25 ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Bạn thân, cũng là nơi nương tựa cuối đời, theo lời bà, "là cây gậy này".

Bà Đức ra đường, chút tiền để dành bà dùng để chạy thận và làm vốn bán vé số để kiếm cơm qua bữa. Bán được hai năm, sức khỏe suy yếu, bà không đi nổi nữa.  

Những ngày không chạy thận, buổi sáng bà ngồi góc đường, sống bằng lòng thương xót của người đời. Tối đến, bà nằm ngủ ở vỉa hè hay bên trong những con hẻm tăm tối.

Ban nha, ban dat, bi con chau tong ra duong vi benh than
Tuổi xế chiều vẫn phải cơ cực, sống bám vào lòng thương xót của người đời.

Biết hoàn cảnh của bà, các bác sĩ ở khoa Thận Nhân tạo xin cho bà vào trại 25 (nơi Bệnh viện Chợ Rẫy dựng lên để giúp người nhà bệnh nhân có chỗ ở).

“Suốt 10 năm chạy thận, tôi sống nhờ vào tình thương của bác sĩ và người qua đường. Đêm nào trước khi ngủ tôi cũng cầu mong cho ngày mai đừng thức dậy. Tôi chết sẽ hiến xác luôn cho y học chứ không con cháu nào nhận tôi về".

Nói đoạn, bà Đức lai nhớ ra: "À, cũng có, có thằng con nghiện ngập, đêm nào cũng đến đây làm phiền, vòi được vài chục ngàn vì thiếu thuốc".

Ban nha, ban dat, bi con chau tong ra duong vi benh than
Căn bệnh dai dẳng không chỉ bào mòn sức khỏe, tình cảm gia đình, đến khi già yếu, tài sản của các cụ ông, cụ bà chỉ gói gọn vài bộ bồ và những thứ người ta dành tặng khi ghé qua.

"Kể từ ngày chồng chết, tôi nhịn khát nhịn thèm, nuôi con không dám để chúng đói một ngày. Đến khi bệnh tật, một buổi chúng cũng chẳng vào thăm. Đừng nói chúng không biết suy nghĩ, chúng đều có ăn học, có địa vị cả. Chắc là do phần phước của tôi… Thôi, tôi không nhắc đến chúng nó nữa”, bà Đức nghẹn ngào.

Nghe bà Đức kể, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mủi lòng. Ông lắc đầu cho biết, không riêng bà Đức, đa số người lớn tuổi ở đây đều bị con cháu bỏ rơi vì suy thận mạn tính. 

Ban nha, ban dat, bi con chau tong ra duong vi benh than
Gắn bó với khoa Thận Nhân tạo 23 năm, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tuấn đã chứng kiến nhiều mảnh đời đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần nên bác sĩ Tuấn và các bác sĩ trong khoa luôn xem bệnh nhân là người thân trong gia đình

Việc làm đám tang cho bệnh nhân cũng không có gì lạ, như trường hợp hai vợ chồng cụ ông ở Vĩnh Long, trên 70 tuổi, đều bị suy thận giai đoạn cuối. Suốt 5 năm cuối đời, họ bị con cháu bỏ mặc ở bệnh viện.

"Đến khi họ chết, bệnh viện thông báo với gia đình cũng không ai đến nhận. Các bác sĩ phải làm đám tang cho vợ chồng bệnh nhân tại bệnh viện, rồi gửi tro cốt về nhà cho con cháu”, bác sĩ Tuấn nhớ lại.

"Bị suy thận không khác gì nghiện xì ke"

Bà Nguyễn Thị Giàu (56 tuổi, quê ở Bình Dương) chia sẻ: “Bị bệnh thận cũng như một thằng nghiện xì ke. Xì ke thì chôm đồ đi bán để thỏa cơn nghiện, còn mấy bà già như tụi tui thì lôi đồ nhà đi bán để sống qua ngày".

Ban nha, ban dat, bi con chau tong ra duong vi benh than
Ai cũng đổ cho số phận để được nhẹ lòng nhưng trong họ luôn khao khát một lần được về nhà thăm con, cháu.

Tài sản quý giá của gia đình dần đi theo máy lọc. Rồi đến nhà cửa, đất đai, vườn tược cũng phải bán đi để duy trì sự sống. Với những người suy thận giai đoạn cuối, có bảo hiểm y tế một tháng cũng tốn khoảng 4 triệu tiền chạy thận và thuốc uống.

Suốt 8 năm nay, bán riết giờ bà Giàu phải ôm đồ vô bệnh viện, sống nhờ trong nhà trại, xin cơm từ thiện, xin nước người qua đường để ăn uống qua ngày.

Ban nha, ban dat, bi con chau tong ra duong vi benh than
Vòng tròn luẩn quẩn của tiền bạc, bệnh tật khiến đa số cho người bệnh không còn tình thân, không còn gia đình.

Không chỉ bà Giàu, mà bà Bùi Thị Lượm (68 tuổi, quê ở Cần Thơ), ông Trương Minh Tùng Anh (75 tuổi, quê Cà Mau),... cũng đến nương nhờ khu trại 25 của Bệnh viện Chợ Rẫy vì đã cầm cố, bán hết tài sản sau hơn 10 năm "làm bạn" với máy lọc thận.

Bà Giàu nói, tuy bà bán nhà, bán đất nhưng cũng hơn nhiều ông, bà cụ “hàng xóm “ của mình. Bà chỉ đau nỗi đau tán gia bại sản, còn những bà cụ khác còn ôm thêm niềm khổ sở, nhục nhã vì bị con cháu tống ra đường. 

Ban nha, ban dat, bi con chau tong ra duong vi benh than
Ở khoa Thận Nhân tạo của BV Chợ Rẫy TP.HCM có hơn 200 bệnh nhân điều trị trên 10 năm, thậm chí có bệnh nhân đến lọc máu 23 năm.

"Bọn con cháu bây giờ sợ dung dưỡng cha mẹ thì phải bán hết tài sản. Tụi nó cũng sợ ra đường ở", bà Giàu ngao ngán.

Chính vì con cháu đối xử tệ bạc, họ - những người cha, người mẹ phải âm thầm kiếm tiền, âm thầm hoảng sợ khi một ngày vắng bóng “hàng xóm” giường kế bên. Bao nhiêu nước mắt chảy ngược vào trong.

Với người trẻ mắc bệnh thận, con đường trước mắt chỉ trở nên lầy lội hơn. Nhưng với người lớn tuổi, nỗi đau về bệnh tật chỉ là một cái gai nhỏ trong vô số những thử thách của hơn nửa đời người. Bị con cháu ruồng bỏ mới là tận cùng của nước mắt và cô đơn.

Ban nha, ban dat, bi con chau tong ra duong vi benh than
Người lớn tuổi mắc bệnh suy thận mạn tính đều vận động khó khăn.

Theo bác sĩ Tuấn, bệnh thận là căn bệnh dai dẳng và tốn kém. Để bám đuổi cuộc sống, người bệnh phải bán hết nhà, hết đất trở thành những con người nghèo khó, khốn khổ. Mặc dù bệnh viện đã hỗ trợ bệnh nhân làm bảo hiểm y tế, nhưng họ mất đi sức lao động nên cũng không thể tự lo chi phí cho việc điều trị. 

Ban nha, ban dat, bi con chau tong ra duong vi benh than
Bệnh thận không giống như những căn bệnh khác, một khi bệnh nhân bị suy thận mãn, nếu không được ghép thận có nghĩa là phải "ôm" máy lọc suốt đời.

Hầu hết người bệnh thận chỉ xoay quanh những công việc như nhặt ve chai, bán vé số, mua cơm dùm người bệnh khác,… Thậm chí có người sau khi chạy thận xong, ai cũng nghĩ họ đã đi về nhà thì họ lại ra góc đường để xin tiền cho kỳ lọc máu sau. Họ sống lay lất, vật vờ chỉ để chờ… ngày chết.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI