Học phí đại học công lập: Tăng bao nhiêu hợp lý?

Bài cuối: Sinh viên nghèo không mất cơ hội vì học phí

23/04/2021 - 06:31

PNO - Vấn đề then chốt của câu chuyện học phí đại học không phải là cao hay thấp, mà là điều kiện và chất lượng giáo dục sinh viên được thụ hưởng có tương xứng với số tiền mà người học đã đầu tư. Đó mới là cơ sở giải trình thiết thực nhất của trường học đối với người học và xã hội.

Tiền tăng học phí dùng để làm gì? 

Đây là câu hỏi mà người học và xã hội cần đáp án nhất hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học (ĐH) Công nghiệp TP.HCM, cho biết: Sau khi thực hiện tự chủ, việc đầu tư công vẫn theo Luật Đầu tư công, chỉ khác là trước đây xin kinh phí ngân sách, thì nay sau khi được duyệt sẽ tự túc. Từ đó đến nay, trường có thêm nhiều công trình phục vụ người học như: Trung tâm mô phỏng kế toán doanh nghiệp, nhà hàng 5 sao, phòng công nghệ 4.0… Lương giảng viên tăng lên kèm theo yêu cầu cao hơn. Tự chủ rồi thì bắt buộc phải cạnh tranh chất lượng để thu hút người học. Trước đây, lớp học lý thuyết thường trên 100 sinh viên, nay tối đa chỉ 70, lớp thực hành càng ít hơn. 

Theo tiến sĩ Nhân, nguồn thu học phí được sử dụng vào các mục đích: dành 40-50% (có đơn vị lên đến 60%) chi cho hoạt động giảng dạy trực tiếp bao gồm lương giảng viên, cán bộ quản lý; tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; học bổng cho sinh viên; dành 5-10% cho quỹ dự phòng… Đó là trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu, nếu trường đã tự chủ mà tuyển không đủ bắt buộc phải cắt giảm lương giảng viên. 

Toàn bộ sinh viên hệ đại trà của Trường đại học Kinh tế TP.HCM được học chương trình tiên tiến quốc tế  Ảnh: Thanh Thanh
Toàn bộ sinh viên hệ đại trà của Trường đại học Kinh tế TP.HCM được học chương trình tiên tiến quốc tế

Từ năm 2015, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thực hiện thí điểm tự chủ, học phí mỗi sinh viên ở thời điểm đó khoảng 13 triệu đồng/năm, tăng gấp rưỡi so với trước khi thực hiện thí điểm tự chủ (khoảng 8-9 triệu đồng/năm). Mức thu hiện nay là 23-24 triệu đồng/năm. Nguồn tăng từ học phí cũng tái đầu tư cho người học. Một đại diện nhà trường cho biết: Khi chưa tự chủ, muốn xây dựng hay mua sắm đầu tư gì đều phải “xin”, qua đủ quy trình thủ tục xét duyệt và phải chờ đợi rất lâu. Khi không được duyệt thì trường cũng đành bó tay. Vấn đề khó khăn nhất vẫn là kinh phí. Nhưng từ khi tự chủ thì việc đầu tư nhanh chóng hơn, lập dự toán được hội đồng trường duyệt, cơ quan chủ quản cho phép là có thể làm, nguồn kinh phí có thể vay ưu đãi.

Từ năm 2018 đến nay, trường đã được xây dựng lại 5 khối nhà, thư viện và xây khối nhà ở trung tâm thí nghiệm chỉ trong vòng ba năm. Hiện nay, trường đã có nhà giữ xe 5 tầng miễn phí, thư viện được đánh giá 5 sao; trung tâm thí nghiệm thực hành của khối ngành kế toán, tài chính đầu tư khoảng 4 tỷ đồng… Trường chuẩn bị xây dựng ở khu đất khoảng trên 2ha và dự kiến năm 2022 sẽ hoàn tất cho các khoa điện tử, cơ khí, may và thời trang, trung tâm thể thao…

Ngoài việc hoàn thiện cơ sở vật chất, lớp học ít sinh viên nên hoạt động học tập nhiều hơn, hoạt động thể thao cũng cải thiện hơn trước. Quan trọng nhất là giảng viên dạy ít hơn, chỉ khoảng 280 tiết chuẩn và nếu vượt giờ thì tối đa là 420 tiết (tức không được vượt quá 50%) nên bắt buộc phải đầu tư hơn cho việc giảng dạy. Giảng viên được trả thu nhập cao hơn nên yêu cầu phải nghiên cứu nhiều hơn, phải đạt 600 tiết nghiên cứu/năm. Sau khi hoàn thiện các điều kiện cần thiết về con người và cơ sở vật chất thì tiến đến đổi mới chương trình đào tạo.

Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngoài các dịch vụ hỗ trợ người học tốt hơn, xây mới hai cơ sở tại Q.10 và H.Bình Chánh, thì từ năm 2016 đã xây dựng và áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế cho toàn bộ sinh viên chương trình đại trà… Những đầu tư này nếu với mức học phí và cơ chế tài chính trước đây thì rất khó làm được.

Khó khăn nhưng có năng lực không lo thiếu chỗ học

Nhiều người lo ngại khi học phí các trường công lập cũng theo lộ trình tăng dần như các trường tư thục thì cơ hội nào cho sinh viên nghèo theo học? Nhất là khi thu nhập của người dân tại nhiều khu vực nông thôn còn quá thấp, lo đời sống thường nhật còn bấp bênh huống hồ gì nuôi con học ĐH ở các thành phố lớn với chi phí đắt đỏ. 

Một cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trải lòng: “Nhà nông đi làm thuê được hơn 150.000 đồng/ngày nên cho con đi học là cầm chắc vay chồng vay, lãi chồng lãi. Cà phê trong vườn chưa đến mùa đã bị chủ nợ siết hết. Đi học ĐH là cả một vấn đề lớn, bao nhiêu khoản phải lo, học phí là nỗi sợ chứ không phải đùa, nhất là với những gia đình thu nhập dưới mức trung bình. Sinh viên tỉnh lẻ đi học phải làm thêm đủ thứ, và cũng có thời điểm phải tính tới việc bảo lưu chuyện học để gia đình đỡ vất vả”.  

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5, TP.HCM), cho rằng: “Nếu gia đình thực sự khó khăn thì phải tính toán con đường phù hợp với điều kiện. Chúng tôi thường tư vấn cho các em có học lực vừa phải, hoàn cảnh khó khăn chọn vào học trung cấp, cao đẳng được miễn học phí hoặc học phí thấp, thời gian học ngắn. Sau khi tốt nghiệp đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và đăng ký học ĐH nếu muốn. Như vậy có phải thỏa ước mơ, giảm gánh nặng cho cha mẹ, đảm bảo chất lượng cuộc sống gia đình tốt hơn sao…”. 

Theo các trường, sẽ không có chuyện để sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học vì học phí. Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: các sinh viên thực sự khó khăn thì nhà trường hỗ trợ giới thiệu học bổng, vay vốn chính sách, tạm ứng... Hiện nay, sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM có Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ vay vốn học tập lãi suất 0%. Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật còn có thêm Quỹ Đồng hành và Phát triển của cộng đồng sinh viên trường hỗ trợ. Trường còn trích lại tối thiểu 8% nguồn thu học phí vào quỹ học bổng cho sinh viên.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM trích 15% tổng thu học phí để hỗ trợ học phí cho sinh viên thực sự khó khăn ngay trong năm đầu tiên. Còn Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tăng học phí để bù học phí và cho vay học tập dành cho sinh viên khó khăn. Mỗi năm trường cấp khoảng 15 tỷ đồng học bổng, cấp bù học phí hơn 5 tỷ đồng… Tất cả các khoản chi cho sinh viên khoảng 25 tỷ đồng, tương đương 8% doanh thu.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, sinh viên khó khăn có thể vay vốn học tập của ngân hàng chính sách; miễn giảm học phí cho các trường hợp bị thiên tai; học bổng 40 tỷ đồng/năm dành cho sinh viên học khá giỏi, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, trường chưa ghi nhận trường hợp sinh viên bị đình chỉ học tập hay cảnh cáo học vụ do thiếu tiền. Thay vào đó là các nguyên nhân như học yếu, mê chơi, sa vào đa cấp, vi phạm học vụ… Còn tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), các trường hợp theo quyết định đình chỉ hoặc dừng tiến độ học tập đều là xử lý học vụ.

Có cách để tính mức học phí phù hợp 

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, tính toán cụ thể: học phí một kỳ của sinh viên nên bằng ba tháng lương, học phí một năm bằng sáu tháng lương. Tháng lương tính ở thời điểm 5 năm sau khi ra trường đi làm. Nói cách khác, thời gian “hoàn vốn” là hai năm cho chương trình ĐH bốn năm. Lương giáo sư một tháng bằng nửa năm học phí của sinh viên, tương đương thu nhập giáo sư bằng học phí của sáu sinh viên, tức khoảng 30% nguồn thu học phí với định mức 20 sinh viên/giảng viên. Lương hiệu trưởng ĐH bằng 5 lần lương giảng viên, tức bằng học phí lớp 30 sinh viên.

Ví dụ lương kỳ vọng 5 năm sau khi sinh viên tốt nghiệp là 8-10 triệu đồng/tháng. Khi đó, học phí chuẩn là 24-30 triệu đồng/kỳ, tức 48-60 triệu đồng/năm. Con số này có thể cộng trừ chút ít phụ thuộc vào ngành học và trường ĐH. Lương chuẩn của giảng viên là 24-30 triệu đồng/tháng, lương hiệu trưởng là 120-150 triệu đồng/tháng. Đây là con số định mức, còn số thực tế thay đổi theo ngành học và theo trường. 

Giáo dục Việt Nam đang theo mô hình “liệu cơm gắp mắm”, học phí thấp dạy theo kiểu học phí thấp, học phí cao dạy theo kiểu học phí cao, nói chung cũng tốt nghiệp hết. Định mức trên là công thức tính đơn giản, mang tính đối chứng, để có nền tảng tài chính đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu. Nó được đúc kết qua số liệu thống kê về học phí và lương của Mỹ, Anh, Úc - và vận dụng vào điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI