Maudie: Những khối màu ấm áp từ trái tim yêu thương

07/07/2020 - 13:13

PNO - Sau 35 năm sinh sống và sáng tạo nghệ thuật tại Copenhagen (Đan Mạch) và Leiden (Hà Lan), cuối năm 2019, họa sĩ Đặng Dương Bằng trở lại Việt Nam với triển lãm riêng đầu tiên mang tên Bến mơ gồm 39 tác phẩm. Năm 2020, ông ấp ủ một triển lãm khác tại Việt Nam nhưng đang tạm gác vì COVID-19.

Họa sĩ Đặng Dương Bằng: Cái đẹp hiện hữu trong cả những điều không hoàn hảo 

Nhắc điều này bởi Đặng Dương Bằng không chỉ như nhiều nghệ sĩ khác trên thế giới, chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh mà còn vì ông là một nhà khoa học, một giáo sư hiện đang công tác tại Đại học Bách khoa Copenhagen, Đan Mạch. Từ khi dịch bệnh lan rộng trên phạm vi toàn thế giới, nhóm nghiên cứu của ông tại trường được giao thực hiện hai dự án liên quan đến COVID-19. Đó là phát triển thiết bị xét nghiệm vi-rút tại chỗ CORONADX và phát triển que test nhanh vi-rút trong 10 phút, để có thể thực hiện 10.000 test trong một tuần. Ông hoàn toàn dồn tâm sức cho các nghiên cứu này, vậy nên việc chụp một vài bức chân dung ông tại phòng tranh thực sự rất khó. Đơn giản vì ông không có thời gian. Trong một email gửi cho tôi, Đặng Dương Bằng đã hỏi thông tin và dành một số tiền từ việc bán tranh để góp vào Quỹ chống COVID-19 của chính phủ Việt Nam.

Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu đến độc giả chân dung của một Đặng Dương Bằng họa sĩ, từng có hơn 30 triển lãm độc lập tại các trung tâm nghệ thuật lớn trên thế giới, từ Copenhagen, Paris, Amsterdam, Leiden, London, New York đến Tokyo, Seoul, Melbourne… Tranh của ông được yêu thích bởi sự hòa trộn tài tình giữa nét lãng mạn Á Đông cổ điển và bút pháp mạnh mẽ. Nhiều bức trong số đó được Bill Gates, Elton John sưu tầm. Một số bức khác được trưng bày tại các không gian công cộng nổi tiếng ở châu Âu như Gate Foundation New York, Đại học Copenhagen, Đại học Odense, Ngân hàng Den Dansk, Quỹ nghệ thuật BRK Lyngby Đan Mạch…

Ấy vậy mà trong lần triển lãm đầu tiên tại Việt Nam, Đặng Dương Bằng không giấu được sự xúc động. Ông tâm sự, niềm hạnh phúc của ông chỉ đơn giản là được nói tiếng mẹ đẻ trong buổi ra mắt triển lãm. “Dù tôi có thể trình bày bằng tiếng Anh, tiếng Hà Lan, tiếng Đan Mạch nhưng có lẽ chỉ khi dùng ngôn ngữ Việt tôi mới cảm thấy tâm hồn được đồng cảm sâu sắc, bởi chúng ta chung một quê hương, một nền văn hóa, một nguồn cảm xúc mà chỉ có người Việt mới đủ yêu và hiểu”.

Mang tư duy khoa học vào nghệ thuật 

Phóng viên: Những ngày ở trời Tây, ông nhớ gì khi nhắc đến hai chữ quê hương?

Họa sĩ Đặng Dương Bằng: Tôi xa Việt Nam đã 35 năm. Ban ngày tôi là nhà khoa học, còn đêm và cuối tuần, tôi trở về với con người nghệ sĩ trong mình. Hội họa không chỉ là cách để tôi cân bằng mà còn giúp tâm hồn tôi được trở về gần hơn với những thứ tôi yêu, những giấc mơ của tôi và phần lớn đó là giấc mơ về Hà Nội. Tôi nhớ một Hà Nội thập niên 70-80, một Hà Nội khi có Bùi Xuân Phái, người bạn vong niên, người nghệ sĩ tôi yêu mến và kính trọng. Tôi yêu những nếp nhà cổ xiêu vẹo trong những đêm trăng sáng. Tôi nhớ ngày Tết; những đóa hoa xuân như thủy tiên, hải đường, mẫu đơn; những tĩnh vật trên bàn thờ tổ tiên. Tôi nhớ hồ sen, nơi tuổi thơ tôi đã từng suýt mất mạng vì mải mê hái hoa ở nhà họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, người bác, người thầy đầu tiên của tôi trên con đường hội họa. Mỗi lúc nhớ nhà, tôi lại vẽ, chơi nhạc Trịnh và nấu những món Việt truyền thống. Có thể bạn ngạc nhiên nhưng khi ở trong nước, người ta có xu hướng hướng ngoại, còn khi ở nước ngoài, ta lại trở nên “thuần Việt” hơn bao giờ hết. 

Xuyên suốt các tác phẩm của họa sĩ Đặng Dương Bằng là mạch nguồn trong trẻo, niềm lạc quan
Xuyên suốt các tác phẩm của họa sĩ Đặng Dương Bằng là mạch nguồn trong trẻo, niềm lạc quan

* Vậy thì sao mãi đến năm 2019, ông mới có triển lãm đầu tiên tại Việt Nam? Mối duyên giữa ông và “House of Fritz Hansen Saigon” (không gian trưng bày các tác phẩm nội thất nghệ thuật kinh điển trên thế giới - NV) nảy nở trong hoàn cảnh nào?

- Dù ở nước ngoài nhưng tôi vẫn luôn theo dõi sát sao những biến chuyển của nghệ thuật Việt Nam. Tôi luôn nghĩ mình sẽ trở về Việt Nam và 2019 là năm tôi đủ duyên để về lại “bến mơ” của mình. Ở Đan Mạch, Fritz Hansen là biểu tượng của nội thất và nghệ thuật. Tôi rất vui khi đến Việt Nam, concept đó vẫn giữ nguyên và tôi may mắn được Fritz Hansen Việt Nam mời cộng tác cho triển lãm này. Tôi cho đó là mối lương duyên giữa Việt Nam và Đan Mạch, cũng là sự đồng điệu trong ngôn ngữ nghệ thuật.

* Những bức tranh của ông có sự kết hợp tài tình giữa phong cách của các danh họa châu Âu thời Phục hưng và nét hài hòa của mỹ thuật Đông Dương. Sự ảnh hưởng này đến từ bác của ông - danh họa Nguyễn Tiến Chung - và những nguồn nào khác?

- Khi bạn là học trò của ai thì ban đầu bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng của người đó. Hay khi bạn quá đam mê một nghệ sĩ nào đó, bạn sẽ có những thử nghiệm lấy cảm hứng từ họ. Nhưng điều quan trọng nhất một nghệ sĩ cần làm được, đó là làm sao để khi nhìn vào tranh, khán giả đọc ra được phong cách riêng của anh ta. Là họa sĩ sống và làm việc tại Đan Mạch, tư duy nghệ thuật, tính tối giản hay màu sắc trong tôi về mặt nào đó chịu ảnh hưởng của Bắc Âu.

Tôi nghĩ, mình đã tạo ra được thế giới nghệ thuật riêng. Ở đó, bạn có thể thấy một chút kế thừa của mỹ thuật Đông Dương, sự mạnh mẽ trong cách sử dụng màu sắc hay tạo hình của phương Tây, những chủ đề, bút pháp và những kỹ thuật thể hiện rất riêng của Đặng Dương Bằng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không ngừng tạo ra cho mình những thử thách mới trong sáng tạo nghệ thuật. Đó là cách tôi đem tư duy khoa học vào nghệ thuật. Cũng là chủ đề phố, là sen, là phụ nữ nhưng mỗi năm, mỗi giai đoạn tôi sẽ có cách thể hiện khác. 

Với nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, tôi không thờ phụng bất kỳ trường phái hoặc giai đoạn nào. Tôi yêu thích những tác phẩm chứa đầy rung cảm hoặc tính triết lý của nó có thể chạm tới lòng người. Tôi không đánh giá họa sĩ dựa vào tên tuổi mà dựa trên cảm xúc cá nhân. Ở Việt Nam, tôi yêu Bùi Xuân Phái. Tôi kính trọng ông vì tấm lòng nhân từ, một tâm hồn thật sáng và ngây thơ như trẻ nhỏ nhưng cũng thật sâu sắc và đầy tính triết lý. Trong hội họa thế giới, tôi yêu Henry Matisse và Amedeo Modigliani.

Tranh của họa sĩ Đặng Dương Bằng có sự kết hợp tài tình giữa phong cách của các danh họa châu Âu thời Phục hưng và nét hài hòa của mỹ thuật Đông Dương
Tranh của họa sĩ Đặng Dương Bằng có sự kết hợp tài tình giữa phong cách của các danh họa châu Âu thời Phục hưng và nét hài hòa của mỹ thuật Đông Dương

* Ông nghĩ gì về sự phát triển của môi trường nghệ thuật tại Việt Nam?

- Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy môi trường nghệ thuật của Việt Nam đã có những bước tiến rất dài so với thời tôi còn ở Việt Nam. Mặc dù thị trường này chưa được hình thành một cách chuyên nghiệp như các nước phát triển, nhưng sự xuất hiện của những nhà sưu tập tranh hay việc công chúng ngày càng yêu hội họa, nghệ thuật chính là điều kiện đầu tiên để phát triển.

“Bạn bè giúp tôi phát triển đam mê thành sự nghiệp" 

* Lật ngược thời gian một chút về giai đoạn ông mới bắt đầu cầm cọ. Ông thực hành vẽ tranh trong tâm thế ra sao? Bức tranh đầu tiên ông vẽ là gì? Đến bức thứ mấy thì ông tham dự triển lãm và bán được tranh?

- Tôi học vẽ từ năm 6-16 tuổi với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Giai đoạn 1972-1973, tôi học hai năm mỹ thuật với thầy Phạm Viết Song và Nguyễn Đức Nùng. Năm 1974 tôi học chuyên vẽ lụa với thầy Trần Đông Lương. Bức tranh đầu tiên tôi bán được là vào năm 1974 tại triển lãm Mùa xuân ở Tràng Tiền. Thực ra những năm 70-80 thế kỷ trước, hầu hết các họa sĩ vẽ tranh rồi mang làm quà tặng nhau hoặc nếu bán tại các triển lãm thì cũng rất rẻ, nên hầu hết việc vẽ và trưng bày tranh chủ yếu để giao lưu và vui chứ không tính đến việc bán chuyên nghiệp.

Giai đoạn 1980-1985, tôi đã bắt đầu có triển lãm ở nước ngoài do bạn bè, đồng nghiệp ở Paris, Melbourne, Copenhagen giúp đỡ tổ chức và bán được tranh. Từ năm 1990, tôi nhận được sự hỗ trợ của gallery Amber tại Leiden, Amsterdam (Hà Lan), sau đó là Gallery 68, Jasbor, Verkirken and Knud Grothe tại Đan Mạch. Sau nữa, các gallery tại Tokyo, Seoul, New York, London nhận bảo trợ tranh và tổ chức triển lãm cá nhân cho tôi.

Tác phẩm Vulan festival free the bird
Tác phẩm Vulan festival free the bird

Năm 1996, tôi được công chúng nghệ thuật biết đến nhiều hơn sau sự kiện hãng hàng không Hoàng gia Hà Lan KLM mua bức tranh mang tên Hope. Đó là bức tranh vẽ bông sen đã gãy trên nền giấy dó màu đỏ và đậu trên vết gãy đó là chú chuồn chuồn bằng bạc. Bức tranh được giới nghệ thuật đánh giá cao về những tư tưởng nhân văn và triết lý phương Đông đằng sau nó. Như một trào lưu hướng về phương Đông, các giá trị, nghệ thuật phương Đông ngày càng được phương Tây tìm đến như một cách tìm về sự cân bằng và bình yên. 

* Nếu được phân chia và xếp loại thì hành trình hội họa của ông tính đến thời điểm hiện tại, có thể chia thành những giai đoạn nào?

- Giai đoạn khi tôi còn ở Việt Nam (từ 1974-1990), giai đoạn tại Hà Lan (từ 1990-1998), giai đoạn tại Copenhagen (1999-2018) và giai đoạn trở lại Việt Nam từ sau năm 2019. Đây không chỉ là sự phân biệt về vị trí địa lý. Tôi tin môi trường sống, làm việc và cả tuổi tác, sự trải nghiệm theo thời gian sẽ có sự ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới hành trình, tư duy nghệ thuật của một cá nhân. Và tôi cũng không ngoại lệ. 

* Đã từng có sự xung đột hay cộng hưởng nào khi ông vừa là một họa sĩ vừa là một nhà khoa học?

- Tôi thực sự nghiêm túc với cả hai nghề và rất may mắn, tôi đã có những thành công nhất định. Khoa học, đặc biệt là kỹ thuật nano và micro, không chỉ có sự chính xác, mà còn cần cả cảm nhận và tưởng tượng, bởi đó là một thế giới cực nhỏ, không thể nhìn bằng mắt thường. Hội họa cũng không chỉ được tạo nên bởi cảm xúc mà đôi khi còn cần cả sự tính toán chuẩn xác tính triết lý và nhân văn. Khó khăn nhất của tôi là thiếu thời gian, nên khi bận rộn với công việc khoa học, tôi ít có thời gian để vẽ.

* Học trò, đồng nghiệp của ông có biết ông là một “tay cọ” có hạng không?

- Hầu hết những nhà sưu tập tranh của tôi là đồng nghiệp, những nhà khoa học, các giáo sư cùng giảng dạy và cả hiệu trưởng của trường tôi đang làm việc. Ông là người đã sưu tập tranh của tôi trước khi biết tôi chính là tác giả bức tranh ông đã mua ở gallery. Nhiều sinh viên trong trường làm mẫu cho tranh của tôi chỉ để xin lại bản phác thảo làm lưu niệm. Các nghiên cứu sinh, đồng nghiệp ở phòng thí nghiệm, ngoài thời gian nghiên cứu khoa học luôn sẵn lòng giúp tôi làm triển lãm và còn tổ chức cả những triển lãm mỹ thuật ngay tại trường. 

Khi tôi bắt đầu sinh sống, làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại châu Âu, hội họa đã đưa tôi tới gần hơn với bạn bè đồng nghiệp nước ngoài. Chính họ là những người giúp tôi phát triển đam mê thành sự nghiệp nghệ thuật như bây giờ. Một điều bạn có thể ngạc nhiên là ở châu Âu thì không nhất thiết phải làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật mới đam mê mỹ thuật hay hội họa. Nghệ thuật và tình yêu cái đẹp đối với họ là nhu cầu thiết yếu như hơi thở vậy.

“Chất Việt mang đến sự khác biệt" 

“Tôi chưa bao giờ mất hy vọng vào cuộc sống và cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc nó đã lên đỉnh hay chạm đáy. Cuộc sống của tôi là chuỗi ngày bận rộn, cố gắng và nhiều đam mê. Tôi cô đơn nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng vì tôi có tình yêu với nhiều thứ. Ngoài vẽ, tôi có thể nấu ăn như một đầu bếp 5 sao. Tôi thích đi xe đạp, chơi đàn piano, làm thơ, hát chèo, hát cải lương, nhảy múa, làm vườn, thiết kế đồ trang sức, đồ gốm, du lịch, sưu tầm nghệ thuật…”. 

Họa sĩ Đặng Dương Bằng

 Thuở bé, ông bộc lộ năng khiếu hội họa nhưng mẹ ông không ủng hộ. Làm thế nào để trong ngần ấy năm, ông vẫn giữ được tình yêu với hội họa?

- Thực ra, gia đình không ngăn cản tình yêu của tôi với hội họa. Đó chính là lý do, dù sống trong chiến tranh nhưng ba mẹ vẫn cho tôi học nghệ thuật rất đàng hoàng, không chỉ hội họa mà còn có đàn piano và ballet. Tuy nhiên, như một xu hướng và quan niệm chung của xã hội ngày đó, nghệ thuật sẽ không giúp bạn có một sự nghiệp ổn định và lâu dài, nên gia đình muốn tôi theo khoa học và nghệ thuật chỉ là sở thích mà thôi. Dẫu vậy, tôi chưa bao giờ ngừng vẽ. Có bao nhiêu tiền ăn, tôi đều nhịn để mua tranh bác Phái và các họa sĩ tôi hâm mộ ngày đó. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã nghiêm túc theo học mỹ thuật để được thực hiện đam mê của mình. 

* Tranh của ông có rất nhiều chủ đề: từ hoa sen, tĩnh vật cho đến phụ nữ… song tất thảy đều phảng phất ký ức về những vẻ đẹp xưa cũ mà ngày nay khó lòng bắt gặp. Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa ông với các họa sĩ khác?

- Tôi vẽ khá nhiều chủ đề, nhiều ký ức về những nơi mình đã đi qua trong cuộc đời, không chỉ riêng Hà Nội, mà còn cả những thành phố tôi rất yêu như Amsterdam, Kyoto, Copenhagen… Nhưng có lẽ điều làm tôi khác với những nghệ sĩ châu Âu chính là chất Việt trong con người tôi. Đó cũng là lý do, khi tìm đến tôi, người yêu thích nghệ thuật muốn tìm kiếm những chất liệu Á đông, những bình yên xưa cũ đang dần mất trong thế giới hiện đại nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong thế giới hội họa, người ta có xu hướng sắp xếp lại thế giới theo mong muốn của cá nhân. Đó có thể là lăng kính riêng của nghệ sĩ hoặc sự cảm nhận của người thưởng thức nghệ thuật. 

Một tác phẩm trong triển lãm Bến mơ tại Việt Nam 2019
Một tác phẩm trong triển lãm Bến mơ tại Việt Nam 2019

* Xuyên suốt tranh của ông là mạch nguồn trong trẻo, niềm lạc quan. Ông có nghĩ rằng người ta chỉ chuyển tải được cảm giác yên bình khi họ đã nếm trải nhiều giông bão?

- Tôi là người may mắn vì có được sự bình yên mà không cần trải qua giông bão. Tất nhiên, là nghệ sĩ, những rung cảm buồn vui thường mạnh mẽ hơn. Nhưng cuối cùng, tôi luôn nhìn nhận mọi thứ dưới góc nhìn của một người tích cực. Với tôi, ngay cả nỗi buồn hay sự cô đơn cũng đẹp đẽ và đáng giá. Cuộc sống vốn không hoàn hảo. Vui, buồn, hạnh phúc và mất mát luôn tồn tại song song. Chính sự không hoàn hảo đó tạo nên những cá tính của một cuộc đời hay một tác phẩm nghệ thuật.

Khi vẽ tranh, tôi hoàn toàn có thể xóa những chi tiết tôi muốn xóa. Nhưng tôi quyết định không xóa mà biến nó trở thành một phần chất liệu của bức tranh. Vẻ đẹp trong con mắt người tích cực là khi họ có thể nhìn ra cái đẹp trong sự không hoàn hảo. Với tôi, một tờ giấy vò nhàu, một tấm poster phim, trang tạp chí, tấm bìa hộp bánh pizza cũng có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật nếu ta biết trân trọng và nhìn ra nét đẹp của nó. 

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

 Bài: Hoàng Linh lan

Ảnh: Baxlindhardt 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI