Bác sĩ Sài Gòn “chế” phương pháp chưa từng có trong y học để cứu mắt cho bé trai

31/08/2020 - 12:16

PNO - Đạp xe đi đổi bình gas, bé P. tránh chiếc xe ngược chiều rồi tông vào một chiếc xe khác đang đậu ở lề đường. Cú va chạm mạnh khiến bé P. đập mặt vào ghi đông xe đạp, ngay vị trí mắt.

Bác sĩ Thái đang kiểm tra thị lực cho bé P.
Bác sĩ Thái kiểm tra thị lực cho bé P.

Sáng 31/8, bác sĩ Trần Châu Thái – Cố vấn chuyên môn Đơn vị Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bệnh viện đã cứu chữa cho bé T.M.P. (9 tuổi, ở Cà Mau) bị chấn thương lòi mắt trái, vỡ sàn sọ.

Theo đó, 1g30 sáng 25/8, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tiếp nhận bé P. trong tình trạng mắt trái lòi nhãn cầu, khô giác mạc, xuất huyết kết mạc, vỡ sàn sọ. Mắt của bệnh nhi tổn thương nghiêm trọng, thị lực yếu không thể nhìn rõ đồ vật xung quanh. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé P. bị lòi mắt thẳng trục, chấn thương vỡ sàn sọ, bờ ngoài ổ mắt. Thời điểm bệnh nhi được đưa đến bệnh viện quá trễ, nguy cơ không thể cứu được mắt cho bé.

“Chưa kể, chấn thương của bé P. quá hiếm gặp! 30 năm trong nghề, xử lý rất nhiều tai nạn về mắt cho trẻ em, nhưng tôi chưa gặp trường hợp nào như vậy. Nhãn cầu của bé bị đẩy gần như hoàn toàn ra phía ngoài nhưng vùng khoang sau nhãn cầu không tụ máu. Có thể do tai nạn xảy ra quá nhanh, áp lực quá lớn nên tác động mạnh lên “vòng dây chằng” của mắt khiến “vòng dây” này đẩy mạnh nhãn cầu ra ngoài rồi siết chặt lại “không cho” nó đi vô nữa. 

Tìm khắp trong các tư liệu y khoa, tôi chưa thấy một ca nào để có thể lên phương pháp xử lý cho bệnh nhi. Bé còn quá nhỏ, chúng tôi không nỡ xử lý loại bỏ mắt nên cố gắng bảo tồn để tìm phương án” - bác sĩ Thái nói.

Sau cùng, bác sĩ Thái phát hiện chấn thương của bé P. gần giống với tình huống… hẹp bao quy đầu ở bé trai nên lập tức hội chẩn toàn viện, tìm phương pháp tốt nhất cho bé P., bởi nếu không, bệnh nhi chắc chắn phải mổ bỏ mắt trái.

Bác sĩ Thái đã xin ý kiến gia đình để áp dụng một kỹ thuật… không giống ai do ông “chế ra”. Đó là phẫu thuật mở khoang sau nhãn cầu, cắt 1cm dây chằng mi ngoài mắt trái, sau đó khâu 4 sợi chỉ ở mí trên, mí dưới của mắt tổn thương rồi kéo từ từ 4 sợi chỉ này để đưa nhãn cầu về lại vị trí ban đầu. Cuối cùng, cố định sợi chỉ để giữ nhãn cầu “ở yên” tại vị trí đúng.

“Phương án này là cách duy nhất cứu mắt cho bé. Khó khăn lớn nhất là kỹ thuật viên phải tỉ mỉ, kiên trì đưa nhãn cầu vô từ từ tránh tác động các dây thần kinh liên quan, nhất là tuyệt đối không chạm đến sàn sọ, nếu không nơi tổn thương chảy dịch não thì sẽ thất bại” - bác sĩ Thái nói thêm.

Sau 30 phút kéo chỉnh mi mắt, cuối cùng ê-kíp bác sĩ thở phào nhẹ nhõm khi đưa được nhãn cầu trở về vị trí ban đầu. Mắt bé P. đã được cứu.

Hiện bé P. đã cải thiện sức khỏe, vết thương mi trên lành tốt, còn sẹo mờ giác mạc trung tâm, giảm phù kết mạc, mắt có thể vận động; bệnh nhi nhìn rõ được đồ vật, không lé, sàn sọ vỡ đã khô, đang cải thiện. Sau 2 tuần nữa, bác sĩ sẽ đo lại thị lực, kiểm tra vận động mắt cho bé đảm bảo không bị để lại di chứng.

Chị Lê Bé Riêng (37 tuổi, mẹ của bé P.) nhớ lại, 16g ngày 24/8, bé P. đạp xe đi đổi bình gas. Đang chạy xe, bé tránh chiếc xe đi ngược chiều nên bất ngờ tông vào một chiếc xe khác đang đậu bên lề đường. Cú tông quá mạnh khiến bé P. ngã, đập mặt vào ghi đông xe nên được hàng xóm đưa đi trạm xá cấp cứu.

“Tôi là nhân viên của trạm xá, đang làm việc thì thấy hàng xóm đưa một bé trai vào cấp cứu, chạy đến xử lý thì phát hiện bệnh nhi là con trai mình. Tôi vệ sinh vết thương rồi xin chuyển bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu. Vết thương quá nặng, bệnh viện chuyển bé lên Bệnh viện Mắt TPHCM. Ở đây, bác sĩ nghi ngoài lòi mắt, con tôi còn bị chấn thương sọ não nên tiếp tục chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cứu chữa” - chị Riêng nói.

Phạm An

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hai 31-08-2020 12:37:58

    "... Bé còn quá nhỏ, chúng tôi không nỡ xử lý loại bỏ mắt nên cố gắng bảo tồn để tìm phương án” ... thật nhân văn. Phương pháp cứu chữa đầy sáng tạo. Lương y như từ mẫu!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI