Trồng rau, may mền tặng bà con
Bà tên là Nguyễn Thị Hoàng - Tổ trưởng tổ phụ nữ 26, khu phố 2, phường 1, quận Tân Bình, TPHCM. Ở tuổi 63, thay vì chọn cuộc sống an nhàn, bà Hoàng vẫn miệt mài lao động, góp phần lan tỏa tình yêu thương. Mỗi ngày, khi bình minh hé dạng, bà Hoàng lại bắt đầu công việc quen thuộc trên vườn rau sân thượng rộng 30m2 nhà mình.
Bà tưới nước, làm đất, lặt lá sâu cho những luống rau. Với mướp, bầu, xà lách, cải xanh được trồng theo phương pháp hữu cơ, khu vườn của bà mang đến những bó rau an toàn cho nhiều gia đình.
 |
Bà Nguyễn Thị Hoàng tận dụng khoảng sân thượng để trồng rau sạch tặng phụ nữ neo đơn và những hoàn cảnh khó khăn |
Bà Hoàng cho biết, ban đầu bà chỉ trồng vài chậu rau để ăn. Nhưng thấy rau lên đẹp, bà đã tận dụng tối đa diện tích sân thượng để trồng thêm. Rau sạch không lớn nhanh, dễ bị sâu bệnh, nên cả gia đình bà đều dành thời gian các buổi sáng, chiều để nhổ cỏ, bắt sâu, chăm chút kỹ lưỡng. Vất vả nhưng đổi lại là những sản phẩm tươi ngon, an toàn cho sức khỏe.
Bà cảm thấy vui, hạnh phúc khi mang rau tặng bà con lối xóm. “Được mang những bó rau mình tự trồng tặng những người khốn khó, tôi cảm thấy đời mình ý nghĩa hơn. Mong rằng những bó rau của mình sẽ bổ sung dinh dưỡng và là liều thuốc tinh thần giúp những người già neo đơn, nghèo khó” - bà Hoàng bộc bạch.
Sau công việc ở vườn rau, bà Hoàng lại bắt tay với công việc may, vá, tạo nên những chiếc mền ấm áp. Bà cho biết, từ những năm 1990 bà đã đi xin vải vụn để may thành những chiếc mền có hoa văn đẹp rồi mang tặng những người còn khó khăn. Hồi xưa, bà mua vải vụn với giá 5.000 đồng/kg từ các tiệm vải. Sau này, khi nghe nói các đầu mối ở Chợ Lớn có nhiều vải vụn bỏ đi, bà đã cùng người em họ đến xin về.
Cặm cụi thêu những họa tiết, bà Hoàng bảo: “Mỗi chiếc mền rộng 1,5m mất 1-2 tuần mới hoàn thành. Những chiếc có họa tiết bông hoa cần thêm vải nỉ thì tôi bỏ tiền túi mua thêm. Tôi chỉ mong những người vô gia cư, người khuyết tật có được chiếc mền ấm áp để chống chọi với cái lạnh về đêm. Nói chung, ai cần là tôi cho hết!”.
Bà Hoàng làm mọi khâu hoàn toàn thủ công, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ cắt vải thành hình lục giác, kết thành bông hoa hoặc chữ, rồi mới ghép lại thành những chiếc mền. Bà làm việc với tất cả tình yêu thương, quên cả cơn đau lưng, nhức mỏi của tuổi già. Có những đêm mải mê khâu vá, đến khi nhìn đồng hồ đã 11 - 12g khuya. Tính đến nay, bà đã tặng hơn 150 chiếc mền cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Hoàng hạnh phúc: “Tôi may mắn khi việc mình làm luôn được chồng và các con ủng hộ. Chồng tôi thì xỏ chỉ, con gái phụ cắt vải, xếp chữ… Cả gia đình cùng chung tay biến từng mảnh vải nhỏ thành những món quà yêu thương. Điều đó tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục công việc thiện nguyện này”.
Cùng hội phụ nữ giúp đời
Bà Nguyễn Thị Hoàng đã âm thầm tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện trong những năm qua. Bà kể, năm 1978, 16 tuổi, bà rời quê hương Tiền Giang lên TPHCM sinh sống, học tập và sau đó công tác tại văn phòng đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phía Nam. Xuất thân trong một gia đình làm nông, lại có nhiều năm gắn bó với hội nông dân, bà thấu hiểu những khó khăn của những người lao động nghèo.
Đến năm 2019, nghỉ hưu, bà dành trọn tâm huyết cho các hoạt động cộng đồng, sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn. Bà bảo rằng, bà luôn dành tình cảm đặc biệt cho các hoạt động của hội phụ nữ. Trước đây, gia đình bà từng trải qua giai đoạn khó khăn, chồng đi làm xa, một mình bà gánh vác gia đình.
 |
Hơn 150 chiếc mền được bà Nguyễn Thị Hoàng (bìa phải) tỉ mỉ may thêu với nhiều họa tiết độc đáo để trao tặng những người lao động nghèo, cơ nhỡ |
Khi ấy, hội phụ nữ đã giúp đỡ bà rất nhiều, đặc biệt là trong việc hỗ trợ học bổng cho các con. Con trai lớn nhận học bổng nhiều năm liền khi còn học cấp II. Đến khi vào đại học, hội lại tiếp tục trao học bổng khuyến học, khuyến tài. Sau này, con gái bà lại nhận được sự hỗ trợ quý giá ấy.
Giờ đây, khi 2 con đã ra trường và có công việc ổn định, bà Hoàng cảm thấy cần đáp lại những ân tình mà mình từng nhận được. Vậy nên, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm gia đình bà đóng góp 4 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai (1,5 triệu đồng/suất) cho hội, 4 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho học sinh hiếu học tại huyện Củ Chi (TPHCM) và tỉnh Long An. Suốt 8 năm qua, bà còn trợ cấp 200.000 đồng mỗi tháng cho 2 trẻ khiếm thị ở tỉnh Vĩnh Long, góp phần giúp các em có thêm điều kiện vươn lên. Bà bảo:
“Nhờ sự quan tâm, chăm lo của hội phụ nữ mà tôi và các con mới có được cuộc sống ổn định, hạnh phúc và phát triển như hiện tại. Vậy nên, dù gia đình không mấy dư dả, nhưng chúng tôi luôn dành dụm, đóng góp chút ít để cùng hội tiếp tục chăm lo cho những người yếu thế, như cách tôi từng được giúp đỡ trước đây”.
Bà Lê Thị Xuân Dung - 71 tuổi, một người từng trải qua những năm tháng khó khăn khi người thân lần lượt qua đời, bà phải lưu lạc khắp nơi - cho biết, từ khi về ngụ tại phường 1, bà nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Hội LHPN phường. Những phần quà nhỏ như rau sạch, quần áo… không chỉ giúp bà cải thiện cuộc sống mà còn sưởi ấm tinh thần của tuổi già đơn độc. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hoàng luôn là người đồng hành, động viên và sẻ chia, giúp những người khó khăn như bà Dung cảm thấy vững tâm hơn giữa cuộc đời nhiều thử thách.
Bà Bùi Thị Ngọc Châu - Chủ tịch Hội LHPN phường 1, quận Tân Bình - nhận xét: bà Hoàng là một cán bộ hội tận tâm, luôn nhiệt tình trong các hoạt động phong trào. Không chỉ gương mẫu, chuẩn mực, bà còn có một tấm lòng nhân hậu, luôn sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Châu, mỗi tuần, bà Hoàng đều đặn gửi tặng 10 - 15kg rau quả sạch do chính tay mình trồng để Hội LHPN phường hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với sự khéo léo, bà còn tận dụng vải vụn xin được để may 3-5 chiếc mền mỗi tháng, trao tặng người nghèo, cơ nhỡ. Ngoài ra, bà cũng thường gửi tặng nhu yếu phẩm cho những người có hoàn cảnh đặc biệt vào những dịp lễ, tết, đi đầu trong các hoạt động vệ sinh môi trường tại khu phố.
“Những việc làm của bà Hoàng không chỉ mang lại sự hỗ trợ thiết thực mà còn lan tỏa tinh thần nhân ái, góp phần xây dựng một cộng đồng gắn kết và yêu thương” - bà Bùi Thị Ngọc Châu chia sẻ.
Ngọc Trăm