Ba tháng cuối năm TPHCM cần hơn 50.000 lao động: Tìm đâu ra?

10/10/2021 - 17:10

PNO - Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, từ nay đến cuối năm TPHCM cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc, trong khi vừa qua người lao động đổ về quê khá lớn.

Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Thanh Vân – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TPHCM liên quan vấn đề này. 

TS
TS. Đỗ Thanh Vân - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TPHCM

* Phóng viên: Theo ông, nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động từ nay đến cuối năm của các doanh nghiệp ra sao? 

- TS. Đỗ Thanh Vân: - Trong những ngày đầu tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động nhập cư về quê trong thời gian qua đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong việc sắp xếp lại nhân sự chuẩn bị cho kế hoạch tái hoạt động sau thời gian dài giãn cách.

Việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự và tuyển dụng lao động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu mua sắm trong những tháng cuối năm, ngoài nhu cầu tuyển dụng lao động toàn thời gian, thì doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán. 

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn nhu cầu nguồn nhân lực được quan tâm nhiều nhất vào thời điểm cuối năm? 

- Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn cần rất nhiều lao động trong các khâu sản xuất trực tiếp. Mặt khác, trong những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng khoảng thời gian còn lại để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song song đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới. Do đó, nhu cầu nhân lực Quý IV/2021 tại TPHCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài Thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Dự kiến nhu cầu nhân lực Quý IV/2021 cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí – tự động hoá; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch – nhà hàng – khách sạn; kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp –  điện tử; công nghệ lương thực – thực phẩm; kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng… 

* Nhu cầu nguồn lao động của TPHCM đang rất lớn, nhưng vừa qua một lượng lớn lao động nhập cư đã về quê, vậy TPHCM cần làm gì để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động trong thời gian tới? 

- Bên cạnh việc phủ đầy vắc xin ngừa COVID-19, theo tôi Thành phố cần xác định và khoanh rõ khu vực xanh, vùng sản xuất xanh… Việc áp dụng “thẻ xanh”, đi kèm với hướng dẫn cụ thể cũng là giải pháp tạo cơ hội cho người lao động trở lại Thành phố. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động, các địa phương, tỉnh, Thành phố cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để có những trao đổi, chia sẻ về lao động, việc làm. Đồng thời, tăng cường tổ chức các sàn giao dịch, ngày hội việc làm tạo điều kiện để người lao động tiếp cận được thông tin tuyển dụng và nhu cầu của doanh nghiệp một cách nhanh nhất trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

* Ngoài vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp cần thiết? 
- Đối với doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện đúng các qui định trong phòng chống dịch, đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe để người lao động yên tâm và có động lực quay lại làm việc. 

Bên cạnh đảm bảo các chế độ lương, thưởng và ưu đãi phù hợp, cần chủ động liên hệ các “khu nhà trọ 0 đồng”, cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ tiêm ngừa vắc xin, phối hợp với các doanh nghiệp vận tải tổ chức đón người lao động quay trở lại Thành phố làm việc. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, an toàn lao động ở nơi làm việc, đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo bổ sung, đặc biệt là đào tạo các kỹ năng nghề, kỹ năng ứng dụng công nghệ; đẩy mạnh số hóa để người lao động nâng cao tay nghề và thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững, giúp gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp.

Bên cạnh vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp và khó khăn chồng chất, doanh nghiệp đã phải gồng mình để duy trì hoạt động và chi trả một phần lương cho người lao động, nay người lao động cũng nên đồng hành với doanh nghiệp. 

Đối với lao động đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin cần chủ động liên hệ đến doanh nghiệp để tham gia vào tái hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời phải nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Ngoài ra, thực trạng hiện nay dẫn đến thị trường lao động sẽ có nhiều cạnh tranh khốc liệt hơn, để thích ứng với sự thay đổi này trong thời kỳ đại dịch, ngoài kiến thức chuyên môn, người lao động cần phải tự trang bị cho mình những kỹ năng nghề cần thiết như: kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thích ứng nghề nghiệp, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn lao động, kỹ năng rèn luyện sức khỏe và đạo đức nghề nghiệp; bên cạnh đó cần phải có tư duy sáng tạo, nhận thức linh hoạt và khả năng hội nhập tốt…

TS. Đỗ Thanh Vân – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TPHCM 

Bích Trần (ghi) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI