Ai làm dâu tốt hơn?

18/07/2025 - 11:30

PNO - Không ít phụ nữ mang theo nỗi lo âm thầm: mình có đủ chu toàn trong vai trò làm dâu? Nhưng liệu có một thước đo chuẩn mực nào cho 2 chữ “chu toàn” ấy?

Hôm trước, bạn tôi ghé chơi. Vẫn là những câu chuyện vụn vặt bên ly trà, nhưng có một điều bạn kể khiến tôi im lặng suy nghĩ mãi: “Tui đi đâu cũng không quên sắm sửa cho ba mẹ chồng. Mỗi tháng tui đều gửi tiền về đều đặn cho ông bà. Lần nào về quê tui cũng sắm sửa đủ thứ: từ dầu ăn, nước rửa chén, tới thuốc bổ, khăn mặt mới. Biết ba chồng vào mỗi bữa cơm hay uống một lon bia, tui còn ra quán đầu hẻm gửi sẵn tiền. Mỗi lần ổng ra lấy, chủ quán cứ ghi sổ trừ dần”.

Bạn kể với vẻ tự nhiên, như một điều hiển nhiên của một người con dâu biết lo xa. Còn tôi thì thấy… xấu hổ.

Tôi chưa từng làm điều gì giống thế. Mỗi lần về quê chồng, tôi chỉ mang theo vài thức quà đơn giản. Ngược lại, mẹ chồng lại chuẩn bị rất nhiều quà quê cho chúng tôi mang vào thành phố.

Quà của mẹ là mớ rau vừa hái trong vườn, mấy quả đu đủ, rổ trứng gà, mấy lon đậu xanh, túi hành tăm, bọc đậu phộng rang thơm lừng, có cả gà vịt mẹ đã chu đáo cấp đông từ trước.

Thậm chí, có lần tôi từ quê lên với nguyên một nồi thịt kho mẹ chuẩn bị, kèm lời dặn: “Con đi làm về mệt, đừng nấu nướng nhiều”.

Nói ra thì ngại, nhưng thực lòng tôi không phải kiểu con dâu tháo vát như trong sách dạy làm vợ. Tôi cũng không giỏi lựa lời lễ nghĩa. Vậy mà mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu giữa chúng tôi vẫn yên ấm, thương mến nhau thật lòng.

Tôi biết, phần nhiều là nhờ mẹ chồng tôi là một người rộng lượng, ít so đo. Nhưng cũng có thể, tình cảm đôi khi không cần đo bằng số lần mình nấu ăn, số thứ mình mang về, mà bằng chính sự lắng nghe, sự chân thành không khoe khoang.

Mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ cần sự chân thành (ảnh minh họa)
Mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ cần sự chân thành (ảnh minh họa)

Nhiều khi tôi tự hỏi: Mình có đang thiếu sót gì không? Lẽ ra, mình cũng nên giống như bạn tôi, rằng phải để ý từng lon bia, từng lọ dầu ăn, từng món quà nhỏ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: Tình cảm không chỉ thể hiện bằng những lần sắm sửa. Mỗi gia đình, mẹ chồng và nàng dâu có một cách riêng để thương nhau.

Rất nhiều người phụ nữ, trong đó có tôi, mang trong lòng một cảm giác mơ hồ: mình chưa đủ tốt, chưa đủ “chu toàn” trong vai trò làm dâu. Đôi khi là do mình tự so sánh với người khác, đôi khi là do những tiêu chuẩn âm thầm mà xã hội đã dán nhãn từ trước: con dâu phải thế này, phải thế kia.

Chúng ta lớn lên giữa những câu chuyện về nàng dâu lý tưởng: luôn thức dậy sớm, nấu ăn chu đáo, xem nhà chồng như nhà mình và lo từ A đến Z, luôn nhường nhịn, biết điều, biết thân biết phận. Nhưng chuẩn mực ấy đâu phù hợp với tất cả mọi gia đình.

Tôi biết, có những mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu nảy sinh xung đột không phải vì thiếu yêu thương, mà vì lệch cách thể hiện. Người mẹ chồng thương con dâu bằng cách “làm giúp” mọi thứ, nhưng lại mong được “cảm ơn” đúng kiểu. Người con dâu muốn sống chân thật, không khéo léo, nhưng lại bị đánh giá là hời hợt, vô tâm.

Tình cảm trong gia đình, suy cho cùng, là thứ không thể ép khuôn. Có nhà hợp nhau từ tính cách đến ngôn ngữ, nên mọi chuyện đều êm ấm. Có nhà không hợp, thì càng cố “đúng bổn phận” càng xa cách.

Chu toàn, vì vậy, không thể chỉ nhìn từ số việc đã làm, mà cần xét trong ngữ cảnh cụ thể: mối quan hệ ấy có đủ chân thành, có đủ lắng nghe, có sự tôn trọng từ 2 phía?

Tôi không sắm sửa từng chai dầu gội, từng tuýp kem đánh răng mỗi lần về nhà mẹ chồng. Nhưng tôi vừa ngồi nhổ tóc bạc cho mẹ, vừa nghe mẹ say sưa kể chuyện ở quê nhà. Tôi không giỏi nấu ăn khi về quê, nhưng tôi chạy lăng xăng quanh mẹ phụ việc, tranh thủ nhờ mẹ truyền “bí kíp” về lối sống tiết kiệm.

Tôi nghĩ, bổn phận làm dâu không còn là chuyện “gánh vác” hay “trả nghĩa”, mà là cùng nhau xây đắp một mối quan hệ gia đình tốt đẹp. Người mẹ chồng lý tưởng cũng không còn đòi hỏi con dâu phải hy sinh, mà chỉ mong con sống vui, sống thật. Người con dâu tốt cũng không cần phải đảm đang toàn diện, mà cần giữ được sự tử tế, chủ động và biết ơn.

Chu toàn không phải là gánh nặng, cũng không phải là một cuộc thi để phân định ai “làm dâu tốt hơn”. Nếu có một điều gì đó xứng đáng để gìn giữ trong vai trò làm dâu, có lẽ đó là sự chân thành.

Vũ Hoài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI