À lôi - sức hút của văn hóa nghệ thuật truyền thống

21/07/2023 - 18:33

PNO - Những ngày qua, cụm từ “à lôi” xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội, và trở thành trào lưu mới cho giới trẻ trên TikTok. Có hàng trăm ngàn video sử dụng đoạn nhạc nền này.

Cụm từ lạ tai gây chú ý

Cụm từ “à lôi” xuất hiện trong bài rap cùng tên của Double2T kết hợp với NSX âm nhạc Masew. À lôi (hay à lôi nỏ) có nghĩa là “hả”, “trời ơi!”, bày tỏ sự bất ngờ trong ngôn ngữ của người Tày.

Trước đó, cụm từ này xuất hiện trong một video trên mạng xã hội. Khi được đưa vào bài rap, cụm từ lạ lùng này lập tức gây chú ý vì chưa từng xuất hiện trong các sản phẩm âm nhạc trước đây. "À lôi" còn xuất hiện ngay câu rap đầu tiên, nên càng gây tò mò. 

Thế nhưng, đây không phải là yếu tố duy nhất tạo nên sự thành công cho sản phẩm này. Sau 7 ngày ra mắt, À lôi hiện có gần 7 triệu lượt xem/nghe trên YouTube, xếp vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng thịnh hành ở mục âm nhạc của nền tảng này. 

Cụm từ à lôi cùng những giai điệu trong bài hát cùng tên đang gây sốt trên mạng xã hội những ngày qua
Cụm từ "à lôi" cùng những giai điệu trong bài hát cùng tên đang gây sốt trên mạng xã hội những ngày qua

*À lôi - Double2T, Masew: 

 

Điểm sáng thứ hai của bài rap là cách sử dụng từ ngữ, gieo vần điệu ăn ý, nghe thuận tai, dễ nhớ, chẳng hạn: “Tại vì thích em nhiều quá nhưng em lại nói là "à lôi"/ Cũng định solo hiphop cùng với trai bản nhưng mà thôi/ Anh gửi vào trong câu rap cho em dính cả thính cả mồi/ Nhà em có mấy quả đồi ừ thì anh cũng tính cả rồi”, “Gặp em ở thung lũng ném quả còn lên không trung/ Anh bận đi tìm cảm hứng trong chuỗi ngày bị mông lung/ Anh cầm trên tay cây nỏ, ngắm vào tâm nhưng không trúng/ Nhưng mà lỡ bị em gây thương nhớ, bắn vào tim mà không súng”, “Ừ thì noọng ơi, à lôi/ Hai chúng mình thì cùng đẹp nết, đẹp cả đôi/ Hội trai bản để anh dẹp hết, chấp cả hội/ Trồng cây kín cả quả đồi, xong dắt em đi về nhà thôi”…

Đây cũng là “công thức” được nhiều ê-kíp sản xuất lựa chọn, nhằm tăng tính ghi nhớ, độ nhận diện trong khán giả. Không riêng rap mà nhiều bài hát pop, mang âm hưởng dân gian đương đại cũng sử dụng như: “Giời ơi đừng điêu, người ta có mong đâu nuông chiều/ Bốn bát bánh đúc, thầy u nói "ừ" là yêu”, “Người ta đến nhanh rồi đi, Hợp tan cũng nhanh tan hợp nì” (Đẩy xe bò, Phương Mỹ Chi), “Nhìn như thế chắc có nhiều người rất muốn nuôi/ Nhạt như anh chắc phải ăn thêm muối/ Vì không biết nói những câu gì để em vui/ Chẳng tiến cũng chẳng thể lùi”, “Rồi em sẽ thích thích thích cách anh xoa đầu/ Rồi em sẽ muốn muốn muốn muốn muốn ta bên nhau/ Mặc kệ lo âu/ Nằm nghe Đen Vâu/ Nhìn đêm thâu lung linh lung linh sắc màu” (Xoa đầu, Erik)… 

À lôi mang năng lượng tươi trẻ, kể câu chuyện tình yêu đẹp. Bài hát xuất hiện trong bối cảnh nhạc Việt chủ yếu là nhạc ballad, nói về sự đau khổ, đổ vỡ trong tình yêu: Vì em chưa bao giờ khóc, Sự mập mờ, Chỉ vì quá hy vọng… hay cơn sốt vừa hạ nhiệt: Mưa tháng sáu, Cô ấy của anh ấy, được xem là nhân tố đặc biệt. Ngoài ra, chất liệu đến từ văn hóa vùng cao Bắc bộ trước nay vẫn chưa xuất hiện nhiều trong các sản phẩm âm nhạc của người trẻ.

Trên TikTok có hàng trăm ngàn video sử dụng nhạc nền từ bài À lôi
Trên TikTok có hàng trăm ngàn video sử dụng nhạc nền từ bài À lôi

Bản phối và chất liệu văn hóa truyền thống

Không chỉ ca khúc, chỉ riêng bản phối giai điệu của À lôi hiện cũng đang được chú ý trên mạng xã hội, các nền tảng nghe nhạc. Điều này cũng cho thấy rõ xu hướng phát triển của nhạc Việt - bản phối và vai trò của NSX âm nhạc ngày càng quan trọng.

Thực tế, có nhiều sản phẩm thời gian qua được chú ý, nhưng phần lời, nội dung chỉ ở mức khá, còn giai điệu, bản phối là yếu tố được đánh giá quan trọng trong sự thành công. Thậm chí, có những tác phẩm ban đầu không gây chú ý, nhưng khi được phối lại, remix lập tức gây chú ý, và được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Nhiều khán giả bình luận khi nghe bản phối trong À lôi: “Khi nghe bản phối, tôi có thể hình dung ra ngay khung cảnh miền núi thơ mộng, lãng mạn. Giá như bài này có MV nữa sẽ rất tuyệt”, “Âm thanh thực sự quá lôi cuốn, quyến rũ”, “Phải công nhận Masew làm nhạc nghe rất đã tai”…

Trong bản phối này, có thể nghe NSX Masew kết hợp thêm tiếng khèn, sáo mèo hòa quyện với giai điệu ở từng phần của tác phẩm, lúc du dương, kéo dài, lúc réo rắt, nhiều tiết tấu. 

À lôi là sự kết hợp giữa Double2T và Masew
À lôi là sự kết hợp giữa Double2T và Masew

Tạo ra những đoạn nhạc nhỏ để phổ biến trên mạng xã hội là điều mà nhiều ê-kíp chú trọng thời gian qua. Chúng phải gây ấn tượng lập tức chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Đây là xu hướng để duy trì tuổi thọ của ca khúc trong bối cảnh sóng sau xô sóng trước liên tục trong nhạc Việt. Điều này NSX của À lôi đã làm được.

Đây không phải là bài toán quá khó giải với Masew, bởi trước đây anh đã có rất nhiều sự kết hợp với chất liệu văn hóa, nghệ thuật truyền thống và được khán giả đón nhận, như: Mời trầu, Ái nộ, Ép duyên… Đặc biệt, bản phối của anh kết hợp với rapper Pháo trong 2 phút hơn đã được công chúng nhiều nước trên thế giới đón nhận.

Anh cũng là NSX âm nhạc cho nhiều ca khúc hot như: Tuý âm, Truyền thái y, Buồn không em… Mỗi sản phẩm của Masew đều thu hút từ vài triệu đến gần 200 triệu lượt xem trên YouTube. Cũng có những bản phối không lời của anh thu hút hàng triệu lượt xem/nghe trên YouTube. 

Sự thành công của À lôi một lần nữa cho thấy sức hút của chất liệu văn hóa nghệ thuật truyền thống. Nhiều khán giả cho rằng không cần đao to búa lớn, chỉ cần nghệ sĩ, ca sĩ sản xuất được sản phẩm chạm đến trái tim khán giả, là đã thành công trong việc quảng bá, giữ gìn văn hóa nghệ thuật truyền thống. Trong phần bình luận, nhiều khán giả cho biết những giai điệu của ca khúc khiến họ muốn tìm hiểu hơn về các dân tộc, văn hóa miền núi, và thấy yêu hơn quê hương Việt Nam.

Masew có nhiều dự án âm nhạc được đón nhận thời gian qua, trong đó có Mời trầu kết hợp với Tuấn Cry
Masew có nhiều dự án âm nhạc được đón nhận thời gian qua, trong đó có Mời trầu kết hợp với Tuấn Cry

Trước đó, nhạc Việt cũng chứng kiến sự thành công của hàng loạt ca khúc tương tự như: Gieo quẻ, Để Mị nói cho mà nghe, See tình (Hoàng Thùy Linh), Chân ái (Orange, Châu Đăng Khoa), Người ơi người ở đừng về (Đức Phúc), Thị Mầu (Hòa Minzy), Nam quốc sơn hà (Erik, Phương Mỹ Chi)…

Kho tàng văn hoá, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vẫn còn đủ rộng và đủ lớn để các NSX âm nhạc “vùng vẫy”. Điều quan trọng nhất vẫn là cách khai thác, sử dụng khéo léo để tạo ra những sản phẩm đủ thu hút. Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc sử dụng chất liệu truyền thống không phải là tấm vé bảo chứng cho thành công. Bởi có nhiều tác phẩm đã xuất hiện, và nhanh chóng đi vào quên lãng. Chinh phục công chúng, chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI