8 sự kiện giáo dục nổi cộm năm 2020

30/12/2020 - 15:46

PNO - Trường học tạm đóng cửa vì COVID-19, lùm xùm tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới, toán học Việt Nam lọt top 40... là những sự kiện nổi cộm của ngành giáo dục trong năm qua.

1. Trường học tạm đóng cửa vì COVID-19

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng loạt trường học phải tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch. Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành giáo dục thực hiện các giải pháp về dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến qua internet, truyền hình. 

Để bảo đảm chương trình giáo dục, hỗ trợ học sinh và giáo viên có đủ quỹ thời gian dạy và học, Bộ GD-ĐT đã 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.

Học sinh phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch
Học sinh phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch

Từ đây, phụ huynh và các trường quốc tế xảy ra tranh chấp vấn đề học phí liên quan đến việc học trực tuyến trong thời gian tạm đóng cửa trường vì dịch bệnh.

2. Luật Giáo dục có hiệu lực

Từ 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực mang đến nhiều thay đổi liên quan trực tiếp đến học sinh, sinh viên, giáo viên.

Có thể kể đến như học sinh trượt tốt nghiệp THPT có thể được xác nhận hoàn thành chương trình; sinh viên sư phạm sẽ phải hoàn trả lại học phí và chi phí sinh hoạt nếu sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định; không tuyển thêm giáo viên có bằng trung cấp sư phạm; giáo viên không còn phụ cấp thâm niên…

3. Đổi tên kỳ thi THPT quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020 trong hoàn cảnh học sinh cả nước phải nghỉ học kéo dài. Kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” được đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Kỳ thi được đổi tên và các điểm thi có thêm phòng cách ly vì dịch COVID-19
Kỳ thi được đổi tên và các điểm thi có thêm phòng cách ly vì dịch COVID-19

Kỳ thi năm nay chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, diễn ra vào tháng 8 thay vì tháng 6 như thông lệ.

4. Sai sót trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1

Tháng 9/2020, chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được giảng dạy cho học sinh lớp 1. Có 46 sách giáo khoa thuộc 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của 3 nhà xuất bản được đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021 trên cả nước.

Sau thời gian ngắn sử dụng, nhiều phụ huynh và giáo viên phản ánh sách giáo khoa Tiếng Việt ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu logic, ngữ liệu có vấn đề… Đặc biệt là sách tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều bị phản ứng gay gắt.

Vấn đề này được cho là xuất phát từ quá trình thực nghiệm, thẩm định thiếu chặt chẽ. Các đại biểu Quốc hội đang hoạt động trong ngành giáo dục lên tiếng. Kết quả, các nhà xuất bản buộc phải chỉnh sửa một số ngữ liệu trong sách giáo khoa lớp 1.

5. Vụ bằng giả ở ĐH Đông Đô

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định trường ĐH Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng trường này vẫn gửi thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh đến các cơ sở, cá nhân đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo. Sau đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho trường Đông Đô tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng. 

Trường ĐH Đông Đô
Trường ĐH Đông Đô

Theo Viện kiểm sát, danh sách thu tại trường ĐH Đông Đô có 626 người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.

Có chuyên gia đề xuất công bố danh tính những người sử dụng bằng giả để tăng tính răn đe.

6. Cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng

Sau 13 năm làm hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê Vinh Danh bị cơ quan chủ quản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cách chức vào giữa tháng 10. Ông Danh bị cho là vi phạm khoản 1, khoản 4 Điều 12 Nghị định 27/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

7. Lùm xùm ứng viên phong tặng giáo sư, phó giáo sư

Tháng 12/2020, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 39 ứng viên giáo sư và 300 ứng viên phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm. Thời gian công bố danh sách này bị muộn hơn nửa tháng so với kế hoạch do Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn tố cáo nhiều ứng viên "khai gian" bài báo quốc tế.

Trong quá trình rà soát, có không ít ứng viên xin rút hồ sơ. Lùm xùm khép lại nhưng đã tạo ra một cuộc tranh luận lớn xoay quanh giá trị của các bài báo quốc tế, tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư…

Giáo sư trẻ nhất năm nay chỉ 37 tuổi là tiến sĩ ĐH Harvard (Mỹ) và ứng viên được phong danh hiệu PGS trẻ nhất năm nay chỉ 33 tuổi.

8. Toán học Việt Nam lọt top 40 thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN

Thông tin này được đưa ra tại Lễ tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán ngày 23/12.

Viện nghiên cứu cao cấp về Toán
Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đạt được nhiều thành tựu

Với nỗ lực của cộng đồng Toán học, đến nay Việt Nam được xác định ở vị trí trong khoảng 35-40 trên thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN (xét tiêu chí số lượng công bố quốc tế). Đây là thành tích rất ấn tượng, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, và ngay ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã đầu tư rất mạnh cho khoa học cơ bản và hệ thống các cơ sở nghiên cứu - đào tạo với kinh phí rất lớn.

Số công bố quốc tế của Việt Nam đến năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2010.

Gia Tuệ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI