Cẩm nang y tế ngày xuân

5 điều cần nhớ để ăn tết an toàn

17/01/2020 - 06:48

PNO - Từ kinh nghiệm qua nhiều năm, các thầy thuốc ở TP.HCM đưa ra một số lời khuyên cho cộng đồng về các vấn đề liên quan đến sức khỏe trong suốt dịp nghỉ tết.

Góp vào Cẩm nang y tế ngày xuân của Báo Phụ Nữ TP.HCM gửi đến bạn đọc trong số báo tất niên, chuẩn bị bước sang năm mới Canh Tý, bác sĩ Võ Hòa Khánh - Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM - cho hay, tết là dịp mọi người gặp nhau, chúc nhau an vui, mạnh khỏe, nhưng chúng ta không cẩn thận thì việc vui xuân quá đà, quá chén sẽ mang đến những hậu quả khó lường.

Từ kinh nghiệm qua nhiều năm, các thầy thuốc ở TP.HCM đưa ra một số lời khuyên cho cộng đồng về các vấn đề liên quan đến sức khỏe trong suốt dịp nghỉ tết.

1. Phòng tai nạn ở trẻ

Lưu ý đề phòng tai nạn, đặc biệt khi trẻ nghỉ học ở nhà
Lưu ý đề phòng tai nạn, đặc biệt khi trẻ nghỉ học ở nhà

Hôm nay 17/1 (tức 23 tháng Chạp), học sinh chính thức nghỉ tết. Điều này cũng có nghĩa, cha mẹ phải để ý nhiều hơn đến trẻ trong mọi sinh hoạt. Trong khi cha mẹ vẫn còn bận rộn những ngày cuối năm, việc vui đùa thiếu nhận thức của trẻ là nguyên nhân gây gãy tay, gãy chân khá nhiều.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1), trong lúc cha mẹ dọn dẹp, lau chùi các đồ vật, nhiều trẻ táy máy cầm lên chơi, rồi “tiện tay” uống luôn nhiều dung dịch… “lạ”. “Có khi là những chai lọ đựng dầu hôi, chất lỏng… đã bị lãng quên, giờ dọn đồ đạc lấy ra để giữa nhà, hoặc cũng có khi trẻ lau chùi phụ người lớn rồi uống luôn những bình chứa chất tẩy rửa”. Một vấn đề cũng thường gặp nữa là trẻ bị hóc các dị vật từ đồ trang trí, kẹo bánh tết. 

Nồi nước sôi, nồi bánh chưng, bánh tét, mâm cỗ… trong ngày tết cũng là những nguyên nhân có thể gây phỏng cho trẻ nhỏ. Các tai nạn do điện giật khi gia đình nào cũng dọn dẹp nhà cửa và đặc biệt trang trí các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu trên cành đào, cành mai. Những ổ cắm điện lộ thiên rất nguy hiểm với trẻ nhỏ. Dây điện, ổ cắm dùng lâu, không còn tốt là nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn điện giật cho trẻ.

Trong những ngày này, người dân cần tư vấn và giải đáp về sức khỏe của trẻ, có thể gọi tổng đài của Bệnh viện Nhi Đồng 1: 19002249, sau đó bấm tiếp phím 1. Bệnh viện Nhi Đồng 2: 028 38 295 723 (quay tiếp số nội bộ: 562)

2. Tai nạn giao thông ngày tết đều “dính” rượu bia

Liên quan đến tai nạn, bác sĩ Võ Hòa Khánh (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM) cho hay, không ít ca cấp cứu xảy ra ngay sau khoảnh khắc mọi người vừa quây quần bên nhau, con cháu hối hả về quê thăm ông bà, cha mẹ hoặc vừa chúc nhau những lời chúc tốt đẹp sau một năm vất vả, xa cách. “Hằng năm, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tiếp nhận những trường hợp cấp cứu thương tâm mà thống kê cho thấy đa số đều do người điều khiển giao thông có uống rượu bia, không kiểm soát được tốc độ. Rất nhiều trường hợp gãy xương, chấn thương sọ não… đến trong tình trạng nguy kịch với nồng độ cồn cao và cả những trường hợp ngộ độc vì rượu”, bác sĩ Khánh nói.

Mặc dù đã nghiêm cấm sử dụng pháo từ lâu, nhưng bệnh viện vẫn tiếp nhận các trường hợp tai nạn cháy nổ do lén đốt pháo. Hầu như năm nào, bệnh viện cũng tiếp nhận một vài trường hợp giập nát bàn tay, phỏng… do pháo. Chưa kể trường hợp pháo nổ làm tổn thương giác mạc có thể gây mù mắt cũng không phải hiếm. 

Do năm nào số lượng bệnh nhân cũng đông hơn bình thường, bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã chuẩn bị đội ứng trực tết. Số điện thoại cấp cứu 24/24 của bệnh viện: 028 39 235 791, 28 39 235 821, 028 39 237 007.

3. Ăn uống an toàn

Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý việc không bảo đảm dinh dưỡng ngày tết ở cả trẻ em và người lớn. “Tết ăn linh tinh lang tang, ăn không đúng bữa, rất ảnh hưởng dinh dưỡng. Chơi quá đà không ngủ đủ giấc dẫn đến cơ thể mất đề kháng, người dân sẽ dễ mắc các bệnh sốt siêu vi, tiêu chảy… Nếu sốt thì khám gần nhà. Khi có dấu hiệu nguy hiểm như sốt cao không hạ, co giật, mệt lã phải đi bệnh viện”, ông nhắc nhở.

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM - khuyên người dân đừng lãng phí theo thói quen trữ thực phẩm để dành ba ngày tết. Mua quá nhiều thực phẩm, sau đó bảo quản không đúng cách là nguy cơ khiến thực phẩm mất an toàn. Chưa kể, qua tết đồ ăn ôi thiu nhưng nhiều người tiếc rẻ gom lại ăn lai rai, bánh kẹo để quá “đát“ mà vẫn ăn… rất nguy hại. “Tôi mong mọi người ủng hộ thực phẩm sạch, không mua hàng trôi nổi, kém chất lượng. Hạn chế tối đa tiêu thụ rượu bia trong dịp này. Dù rượu có an toàn, thì việc uống quá nhiều, lạm dụng cũng trở thành mất an toàn, gây độc hại lớn và các hệ lụy khác”, bà Lan nói.

“Người dân phản ánh về ngộ độc thực phẩm, hành vi gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không đảm bảo… xin gọi số 028 39 301 714”, bà Lan kêu gọi.

Đừng biến ngày xuân thành chuỗi ngày cấp cứu trong bệnh viện vì rượu bia
Đừng biến ngày xuân thành chuỗi ngày cấp cứu trong bệnh viện vì rượu bia

4. Ăn không thừa, không thiếu

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu (Bệnh viện Nhi Đồng 2) nêu những điều cần cho dinh dưỡng ngày tết. 
Không nên: Dùng quá nhiều chất bột đường trong một bữa với những món trùng lắp. Ví dụ ăn bánh chưng nhưng vẫn thêm cơm, bún, miến. Các bữa ăn như vậy quá dư tinh bột, dễ làm lên cân quá mức. Dư nhóm bột đường còn do bánh mứt, kẹo, nước ngọt. Ăn quá nhiều dầu mỡ từ các món chiên xào cùng lúc. Nạp quá nhiều đạm vì vừa có thịt heo, thịt bò, thịt gà, giò chả lại thêm hải sản. Quá nhiều muối do dưa muối, thực phẩm chế biến sẵn, không có lợi cho sức khỏe, nhất là người có bệnh tim mạch, cao huyết áp hay bệnh lý gan, thận, nhưng lại thiếu rau và trái cây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin, nước giúp cơ thể khỏe mạnh. Chất xơ cũng giúp giảm hấp thu chất béo, điều hòa đường huyết.

Nên: chọn số lượng món ăn vừa phải trong mỗi bữa. Xoay vòng để thưởng thức nhiều món, không dư năng lượng mà lại thấy ngon miệng. Hạn chế chiên xào và các thực phẩm chế biến sẵn. Nên tăng phần thủy hải sản thay cho thịt đơn thuần vì thủy hải sản ít béo hơn, ít gây tăng cholesterol máu. Mỡ cá dễ hấp thu và có lợi cho sức khỏe hơn. Ăn nhiều rau, chọn trái cây tươi ít ngọt hay nước lọc, nước chín thay cho nước ngọt, bia, rượu. Việc không bỏ bữa chính cũng hết sức quan trọng để tránh tình trạng ăn dồn quá nhiều trong một bữa ăn. Với người già và trẻ em, nếu bất đắc dĩ không thể ăn đúng bữa thì có thể uống sữa thay thế.

5. Duy trì thể dục thể thao

Một điều hết sức lưu ý mà năm nào bác sĩ Võ Tuấn Khoa, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân Dân 115, cũng nhắc đó là “nghỉ tết nhưng không nghỉ tập thể dục” hòng ngăn ngừa các bệnh lý đột quỵ trong những ngày xuân.

“Việc phòng ngừa tiên phát tai biến mạch máu não bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, rung nhĩ... Bên cạnh việc phải tuân thủ tốt chế độ điều trị đã có, cần ăn uống hợp lý, tránh hoặc hạn chế bia rượu, thuốc lá, ăn mặn, thức ăn có nhiều mỡ, ăn ngọt... Song song đó, đừng quên nghỉ tết chứ không nghỉ tập luyện mà vẫn phải duy trì việc tập thể dục thường xuyên”, bác sĩ Khoa lưu ý.

Cần phòng ngừa tai biến thứ phát khi tuân thủ chế độ điều trị tùy theo nguyên nhân, tập vật lý trị liệu, săn sóc toàn diện người bệnh ở các trường hợp có di chứng. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng gợi ý đến tai biến mạch máu não hoặc tái phát tai biến mạch máu não như nói ngọng hoặc không nói được, yếu hoặc tê nửa người, méo miệng, mờ mắt đột ngột… nên nhập viện sớm để có thể được điều trị tối ưu. 

Đừng quên số 115

Tổng đài 115 của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM luôn túc trực 24/24g. Số trạm vệ tinh hiện đã lên đến hơn 30 trạm phủ khắp địa bàn thành phố. Tùy theo vị trí người gọi, trung tâm sẽ điều phương tiện cấp cứu gần nhất hỗ trợ. Ngoài xe ô tô cứu thương, hiện đã triển khai thí điểm xe cấp cứu 2 bánh tại một số trạm cấp cứu vệ tinh 115, nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian tiếp cận người dân khi cần được cấp cứu.


Quốc Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI