17.000 tỷ đồng cho công chức không làm được việc: Giải quyết thế nào?

14/10/2016 - 14:02

PNO - ''Tình trạng cán bộ là con ông cháu cha, người thân, người nhà quen biết đã làm cản trở hiệu quả của bộ máy nhà nước. Nếu chúng ta không xử lý nghiêm việc này, chắc chắn những vấn đề tiêu cực khác cũng sẽ nảy sinh''

Trong hội thảo "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương" diễn ra vừa qua, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, tình trạng công chức 'sáng cắp ô đi tối cắp về' khá nhiều trong khi bộ máy vẫn thiếu nhân tài và chảy máu chất xám.

Ông Lợi cho hay, theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức không làm được việc, tương đương 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm.

17.000 ty dong cho cong chuc khong lam duoc viec: Giai quyet the nao?
17.000 tỷ đồng cho công chức không làm được việc. Ảnh minh họa

Không ai chịu trách nhiệm

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho biết, con số trên không làm ông quá bất ngờ.

TS Tri cho biết, tại nhiều cuộc hội thảo trước đó, cũng có nhiều diễn giả, nhiều nhà nghiên cứu nói về hiệu quả làm việc thấp kém của một số cán bộ công chức, viên chức nhà nước.

“Lãng phí 17.000 tỷ đồng mỗi năm là một số tiền vô cùng lớn. Trong bối cảnh nợ công ngày càng một cao thì điều này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Tôi cho rằng đây là hậu quả nhiều năm nay để lại. Chắc chắn nợ công sẽ tiếp tục tăng và đi xuống nếu chúng ta không giải quyết triệt để vấn đề cơ chế”, ông Tri cảnh báo.

Ông cũng cho biết, theo nguyên tắc thì ở cơ quan, đơn vị nào để xảy ra tình trạng cán bộ không làm được việc, “ngồi chơi xơi nước” hay “cắp ô” thì những người đứng đầu, người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên với cơ chế chồng chéo, quyết định theo tập thể, theo số đông thì hiện nay chúng ta không thể truy đến cùng trách nhiệm những người liên quan.

“Cơ chế chồng chéo như hiện nay thì sẽ không có ai chịu trách nhiệm về những khoản tiền thất thoát cả và cuối cùng lại hòa cả làng, người dân phải gánh hết. Thực tế cách đây 5-7 năm chúng ta đã nhắc đến vai trò của người đứng đầu rồi nhưng vẫn không giải quyết được vì vướng mắc cơ chế.

Muốn người đứng đầu có trách nhiệm, tự chịu trách nhiệm thì cần giao quy định rõ chức năng, thẩm quyền của họ được phép làm. Ngoài ra cần để họ chủ đồng hoàn toàn về tài chính. 3 vấn đề này phải được đồng bộ với nhau, phải thật rõ ràng thì người đứng đầu họ mới dám đứng ra nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên việc này hiện nay chúng ta chưa làm được. Tất cả đều quyết định dựa theo số đông, theo cấp ủy nên người đứng đầu cũng chỉ là người tham gia. Cho nên muốn quy trách nhiệm cho ai đó cũng rất khó”, TS. Tri nhận định.

Tinh giản biên chế không dễ

Đề cập đến việc vừa qua Bộ Tài chính tiến hành khoán xe công cũng như cắt giảm lái xe, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, đây là trường hợp hiếm hoi trong gần 20 năm qua. Thế nhưng theo ông, để nhân rộng mô hình từ một Bộ ra các ngành, địa phương khác cũng không hề đơn giản và cần phải có một lộ trình lâu dài.

“Vấn đề khoán định mức xe công chúng ta đã đặt ra cách đây 20 năm rồi. Chúng ta đã thảo luận đã bàn bạc lần rồi tuy nhiên cuối cùng vẫn không làm được. Trường hợp của Bộ Tài chính hiện nay chỉ là thí điểm thôi. Việc có thể trở thành bài học về khoán xe công hay tinh giản bên chế hay không thì cũng rất khó.

Bộ Tài chính làm như vậy nhưng nếu không có cơ chế rõ ràng thì cũng sẽ bị quên đi, chỉ là phong trào nhất thời, theo tư tưởng nhiệm kỳ mà thôi. Vấn đề đặt ra là chính phủ phải đề xuất và quốc hội phải thành lập Luật rõ ràng gắn với Luật công chức buộc người ta phải thực hiện.

Và việc thanh tra phải làm rất rõ. Hơn nữa liệu rằng có thể thuyết phục được Bộ Nội vụ, thuyết phục các Bộ, Ban, Đảng ở Trung ương được không? Đó là một câu hỏi rất khó và tôi nghĩ để làm được cần phải có lộ trình”, ông Tri thẳng thắn.

Theo vị chuyên gia, khi tiến hành tinh giản biên chế, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xét đến định mức đầu tiên rồi sau đó mới tính đến định biên. Tuy nhiên với đội ngũ cán bộ, công chức đông như hiện nay, để tinh giản người này, người kia cũng không phải dễ dàng bởi lẽ đa phần công chức đều hoàn thành nhiệm vụ.

“Vậy khi dư thừa cán bộ, công chức thì các Bộ, ngành phải làm gì? Tôi cho rằng đầu tiên chúng ta cần phải có một khoản tài chính cực lớn để giải quyết việc chính sách, đưa cán bộ công chức một khoản tiền để họ nghỉ. Nếu không thì theo nguyên tắc thì không thể tinh giản được vì họ chưa đến mức kỷ luật, sa thải. Các nước khác trên thế giới đều làm vậy cả.

Thứ hai là tất cả các đơn vị sự nghiệp phải đẩy ra hết và chấp nhận việc để cho họ tự chủ, xã hội hóa theo quyết định của Trung ương. Bởi lẽ tiền kinh phí để những bộ máy này hoạt động cũng khá lớn rồi.

Khi đó những người đang làm việc trong các cơ quan hành chính ở các Bộ, ngành có thể chuyển qua đơn vị sự nghiệp làm. Như thế chúng ta mới thanh lọc và tinh chọn được các vị trí xứng đáng.

Thứ ba là chúng ta phải bỏ hoàn toàn bao cấp, lựa chọn cán bộ theo cơ chế thị trường cung - cầu. Để chọn được những người có năng lực thì cần phải thiết lập cơ chế cạnh tranh công bằng.

Tôi nghĩ việc thi tuyển, lựa chọn nên chuyển qua một tổ chức chuyên nghiệp phi chính phủ có uy tín làm. Tổ chức này sẽ làm đúng yêu cầu đã được ký kết với địa phương, với Trung ương để tuyển chọn người có năng lực nhằm tạo ra tính khách quan. Chứ nếu chỉ nội bộ đánh giá với nhau rồi tự quyết định thì không thể giải quyết được”, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nêu quan điểm.

Ngoài ra, TS. Tri cũng đề cập đến những phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong cuộc trò chuyện với một Bộ trưởng nghỉ hưu về tình trạng làm việc của cán bộ công chức nhà nước.

Cụ thể, con số 1/3 cán bộ công chức “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 công chức còn lại là “ngồi chơi xơi nước” đáng để các cơ quan quản lý nhà nước suy ngẫm, đưa ra các quyết định cứng rắn.

“Việc này đã tồn tại nhiều năm qua. Cũng nhiều người nhắc đến việc này, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có cách nào giải quyết triệt để được. Tình trạng cán bộ là con ông cháu cha, người thân, người nhà quen biết đã làm cản trở hiệu quả của bộ máy nhà nước. Nếu chúng ta không xử lý nghiêm việc này, chắc chắn những vấn đề tiêu cực khác cũng sẽ nảy sinh và để lại những hậu quả to lớn”, vị chuyên gia cảnh báo

Nghịch lý

Nhìn vào thực tế Việt Nam hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, ở nước ta đang tồn tại một nghịch lý khi những người đứng đầu khẳng định “vào công chức để làm giàu là rất sai lầm” nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu để chạy được một vị trí cán bộ.

“Điều này cũng không mấy khó hiểu, bởi lẽ bộ máy nhà nước bao giờ cũng được sử dụng quyền lực nhà nước. Từ thời xa xưa, trước phong kiến, trước công nguyên thời nào cũng có những hiện tượng trên và biến dạng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chắc chắn với những vị trí nào không thể vụ lợi được thì chả ai tìm cách vào cả. Vào công chức chỉ là yếu tố ban đầu để người ta đạt được các mục đích cá nhân thôi. Khi đã có một cái thế nào đó thì đương nhiên các doanh nghiệp, tổ chức, người dân muốn được việc thì phải đặt chuyện này hoặc chuyện kia.

Nếu không có những chuyện như vậy thì tại sao với lương cơ bản thấp mà nhiều quan chức lại sở hữu nhà cửa, tài sản rất lớn?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, ông Tri khẳng định, nếu chúng ta tiếp tục nhìn nhận vấn đề theo hướng này thì chắc chắn sẽ không có cách nào có thể tinh giản biên chế được và bộ máy hành chính sẽ tiếp phình ra.

“Vấn đề quy trách nhiệm cá nhân phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, phải có sự phân cấp rõ ràng. Bởi lẽ chúng ta thừa hiểu, đã đưa cán bộ công chức vào rồi mà đưa ra thì rất khó. Không ai có trách nhiệm với chuyện đó cả. Vì thế vừa phải thay đổi luật, cơ chế vừa phải thay đổi suy nghĩ của những người đứng đầu”, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri thẳng thắn nói.

Trang Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI