16 năm luật hóa hoạt động liên kết xuất bản: Vạ lây vì những “đứa con” thích… ỷ lại

21/07/2020 - 07:22

PNO - Có lẽ, đã đến lúc Cục Xuất bản - In và Phát hành rà soát lại mạng lưới NXB hiện nay, làm một cuộc cách mạng mạnh mẽ hơn nữa.

Kể từ khi hoạt động liên kết xuất bản chính thức được luật hóa đến nay đã tròn 16 năm, mở ra cho ngành xuất bản trong nước những cơ hội đầy tích cực. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy những mặt trái, mà trường hợp Nhà xuất bản Thông tấn vừa bị xử phạt mới đây là một ví dụ. 

Cụ thể, Thanh tra Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã chỉ ra hàng loạt vi phạm tại Nhà xuất bản (NXB) Thông tấn; đồng thời xử phạt đơn vị này 48 triệu đồng. Đây là đơn vị được cơ quan chủ quản (Thông tấn xã Việt Nam) bảo đảm đầy đủ điều kiện hoạt động, đảm bảo lương cho lãnh đạo, biên tập viên, nhân viên.

Ngoài NXB Thông tấn, còn những NXB đang vận hành hoàn toàn vào “nguồn sữa mẹ”, không chịu thay đổi tư duy  về nghề Ảnh: Fanpage NXB Thông tấn
Ngoài NXB Thông tấn, không hiếm những NXB đang vận hành hoàn toàn vào “nguồn sữa mẹ”, không chịu thay đổi tư duy về nghề. Ảnh: Fanpage NXB Thông tấn

Trong bối cảnh nhiều NXB khác phải tự chủ, việc NXB Thông tấn được “mẹ nuôi” là một điều kiện thuận lợi để phát triển ngang bằng hoặc vượt trội so với các NXB khác. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Kết quả thanh tra cho thấy, tỷ lệ xuất bản phẩm tự xuất bản của NXB Thông tấn rất thấp (chiếm tỷ lệ 0,89% năm 2019; nếu tính số xuất bản phẩm được xuất bản lần đầu thì chỉ có 1/449 xuất bản phẩm, chiếm tỷ lệ 0,22%).

Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra Cục Xuất bản - In và Phát hành, NXB Thông tấn chưa chủ động khai thác, đầu tư kinh phí mua bản quyền để xuất bản các tác phẩm, tài liệu có giá trị cao trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Hoạt động xuất bản của NXB Thông tấn phụ thuộc nhiều vào việc đặt hàng của cơ quan chủ quản, việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước và phụ thuộc chủ yếu vào đối tác liên kết. Nhìn chung, hoàn toàn… bị động. 

Từ thực tế của ngành xuất bản cho thấy, hoạt động liên kết xuất bản một mặt giúp các NXB quảng bá thương hiệu của mình thông qua các hoạt động quảng bá từ các đối tác liên kết. Mặt khác, với sự năng động, sáng tạo và chịu chi của các đơn vị liên kết đã giúp thị trường xuất bản Việt Nam có những bước tiến đáng kể, bắt kịp thị trường xuất bản thế giới. Ngoài ra, đây cũng là cách giúp các NXB “tăng thu bù chi” từ chi phí quản lý giấy phép. Tuy nhiên, cũng có những NXB “nói không” với liên kết, hoặc nếu có thì cũng rất ít như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ. Hoặc đa phần vừa tự doanh vừa liên kết như NXB Phụ nữ, NXB Tổng hợp TP.HCM… 

Không thể phủ nhận mặt tích cực của hoạt động liên kết xuất bản, tuy nhiên, hoạt động này cũng đang bộc lộ những mặt trái mà nếu không kịp thời chấn chỉnh, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực suốt thời gian qua của ngành. 

Một người trong ngành cho biết, số lượng sách liên kết có thể tăng nhưng doanh thu từ liên kết xuất bản không tăng. Sở dĩ có thực trạng như vậy là vì các NXB không có định mức giá chung cho từng thể loại, đề tài. Điều này dẫn đến tình trạng các NXB đang cạnh tranh nhau về giá: vừa phải tự điều chỉnh giá phù hợp với thị trường, lại không dám lấy phí quản lý cao, bởi các đối tác liên kết sẽ chọn đơn vị khác có giá thấp hơn. 

Hiện trên thị trường sách, sách liên kết chiếm một số lượng lớn - Ảnh minh họa
Hiện trên thị trường sách, sách liên kết chiếm một số lượng lớn - Ảnh minh họa

Khi những NXB chỉ làm sách liên kết, ngoài “nguồn sữa” được rót từ trên xuống, họ có thêm nguồn thu từ quản lý giấy phép mà không quan tâm đến việc đầu tư bản quyền hay kinh doanh các đầu sách của họ - giống như trường hợp của NXB Thông tấn mà Thanh tra Cục Xuất bản - In và Phát hành đã chỉ ra. Hệ quả là sự cạnh tranh về giá (phí quản lý giấy phép) tiếp tục diễn ra. Bởi khi đó, chi phí quản lý giấy phép ở những NXB này thường thấp hơn các NXB khác. Câu chuyện lại rơi vào vòng luẩn quẩn, chưa có hồi kết. 

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tình trạng một số NXB cấp phép rất dễ về mặt nội dung; cho nên đối tác, đặc biệt là những người làm sách có kinh nghiệm lâu năm sẽ căn cứ theo nội dung của từng ấn phẩm để “chọn mặt gửi vàng” đến các NXB mà họ biết chắc rằng “đầu xuôi đuôi lọt”. Không được kiểm soát chặt chẽ, không được biên tập kỹ lưỡng mà cấp giấy phép một cách vô tội vạ, đây chính là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong thời gian qua của ngành xuất bản. 

Ngoài NXB Thông tấn, có không ít NXB đang vận hành hoàn toàn vào “nguồn sữa mẹ”, không chịu thay đổi tư duy về nghề, không làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình. Có lẽ, đã đến lúc Cục Xuất bản - In và Phát hành rà soát lại mạng lưới NXB hiện nay, làm một cuộc cách mạng mạnh mẽ hơn nữa. Tránh để một chủ trương thiết thực và hữu ích của Nhà nước như hoạt động liên kết xuất bản bị vạ lây bởi những “đứa con” lười nhác, vô dụng, ỷ lại! 

Gia Khang 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI