100 năm cải lương - Chuyện những người thừa kế - Bài 5: Bạch Tuyết - Người đi ngược gió

19/09/2018 - 07:38

PNO - Nhìn cách diễn, lối ca của Bạch Tuyết trong 'Tuyệt tình ca', 'Tần nương thất', soạn giả Hoa Phượng thấy ngay cá tính sáng tạo 'ngược đời' mà sau đó, ông đã không ngần ngại gọi luôn cô Tần, Lê Thị Trường An… là 'cải lương chi bảo'.

Tính cách nổi loạn của nhân vật là một lẽ, nhưng sự chuyển hóa tâm trạng ở những giây khắc tinh tế - từ một cô gái bất cần sang đứa con gái ân cần (với người thân) trong trường đoạn Lê Thị Trường An gặp ông cò Hương (NSND Út Trà Ôn), lớp vỏ bọc bụi đời bóc sạch, để phơi bày một tâm hồn đẹp, một sự hy sinh cay đắng.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 5: Bach Tuyet - Nguoi di nguoc gio
NSND Bạch Tuyết

Hay ở cô Tần, say men theo những cuộc tình chóng vánh, chỉ khi gặp Đảnh (NSƯT Thanh Sang) - sự đánh thức không chỉ là tình yêu mà là tiếng nói chân thật trong khát khao tìm kiếm tình người. Sự phản tỉnh của diễn viên dành cho nhân vật - với Bạch Tuyết - luôn thường trực, nên gần như bà không để cuốn theo những ủ ê, ủy mị, sướt mướt. Thoát khỏi cái “thói quen” ấy trên sàn diễn cải lương, Bạch Tuyết mang đến một kiểu xử lý ca trong diễn, diễn trong ca thông minh và cực kỳ văn minh - đó là nhận xét của giáo sư Trần Văn Khê về bà.

Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) là một vở tuồng kinh điển, bởi nó cộng hưởng nhiều mảng miếng sân khấu kinh điển. Nhưng dấu ấn lạnh lùng nhất là màn dâng gậy, không bài ca, thoại cực ngắn, NSND Diệp Lang chẻ từng chữ một quăng quật vào bạn diễn. Phía bên kia, Bạch Tuyết diễn trong im lặng. Cây gậy đi cùng xử lý thân đoạn. “Mười chín hai mươi năm rồi, bà đợi chờ cái gì? Còn cái gì nữa mà bà chờ đợi? Xương cha nó cũng mục chớ đừng nói tới xương con”.

Cảnh diễn xuất thần của NSND Bạch Tuyết và Diệp Lang trong vở Đời cô Lựu

Hội đồng Thăng vừa dộng cây ba-toong xuống nền nhà cũng là lúc Lựu ngửa mặt và vỡ òa mọi uất ức, dồn nén. Đây cũng là cảnh có chỉ dẫn sân khấu ngắn nhất nhưng trường lực nội tâm và sức nặng biểu đạt lại có độ nén dài và mạnh nhất - đạt đến độ mẫu mực của nghệ thuật diễn xuất tâm lý điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

Có thể bạn thành công hoặc thất bại, có thể khán giả thích hay không thích nhưng gần 60 năm sống trong nghề, Bạch Tuyết là người dám làm một “tài năng độc đáo, coi khinh những lối mòn và mở ra cho mình khắp nơi những con đường mới” - như nhà mỹ học, nhà hoạt động sân khấu Pháp, Diderot tự đưa ra thách thức cho bản thân với thế giới ngay trước thềm Thế kỷ Ánh sáng.

Khoảng năm 1998-1999, trong đợt tập huấn cải lương khu vực phía Nam, bên hành lang, NSƯT Hữu Quốc nói với tôi, trong các nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng, Quốc kính trọng nhất là cô Bạch Tuyết, bởi cô dám bước ra khỏi lâu đài của những vai diễn thành danh, dám đặt chân đi trên những con đường mới.

Quốc vừa dứt lời, bên trong khán phòng lớp tập huấn, tiếng ngâm theo lối ca trù được Bạch Tuyết thị phạm cho các học viên. Vì sao chọn một âm điệu miền Bắc vào trong bài vọng cổ? Đơn giản, đó là bài Cổ tích đợi chờ (Lê Duy Hạnh), diễn tả tâm trạng khắc khoải, mong ngóng người phương xa mà tin rằng, có ngày gặp lại, bởi trong ký ức cứ vọng về tiếng còi tàu vô định, ánh trăng dẫn lối… Âm điệu u hoài, có chút gì đó liêu trai là một sự dẫn dắt tài tình cho bài vọng cổ. Tôi lẫn Quốc đều không nói gì thêm.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 5: Bach Tuyet - Nguoi di nguoc gio
Nghệ sĩ Bạch Tuyết - “diễn kịch một mình” từ năm 1992 trên sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần

Khán giả cải lương yêu chuộng những cặp đào kép, thậm chí họ luôn có “niềm tin” vào sự gắn kết trọn đời của những đôi nghệ sĩ, hồn nhiên trách giận những ai dám phá bỏ “khế ước” giả thật thật giả ấy. Bạch Tuyết đã đi qua cùng “sóng thần” Hùng Cường, ăn ý cùng Thành Được, Tấn Tài, Minh Phụng, diễn chung với Thanh Sang, Minh Vương, Thanh Tuấn… Để đến một ngày bà còn lại một mình trên sàn diễn, tình cờ hay là cuộc sắp đặt của Tổ nghiệp, bà trở thành một linh nhân của tác giả Lê Duy Hạnh qua cuộc độc diễn - từ năm 1992 đến nay với một loạt Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm

Đã là sân khấu thì phải có bạn diễn, phải quăng bắt mảng miếng, phải từ thoại đến ca. Vậy mà trong hơn 1 tiếng đồng hồ, lừng lững một hình một bóng, sàn diễn chỉ là bục gỗ tròn, bán kính không quá 2 mét.

NSND Bạch Tuyết trong Tần nương thất

Diễn kịch một mình thì dùng trình thức ca kịch để trình diễn kịch nói, một lúc đảm nhận 4 vai diễn: trung thần, nịnh thần, vua và người diễn viên. Ở Hoàng hậu của hai vua là một phiên bản 2.0 của thái hậu Dương Vân Nga, nhưng một mình đối thoại cùng Quốc công, Ngoại giáp, Tướng quân. Đến Độc thoại đêm, làm người-quan-sát để diễn trong diễn một Lý Chiêu Hoàng khóc cười giữa cuộc phế bỏ nhà Lý, tiến cử nhà Trần theo bàn cờ hoán đổi của thái sư Trần Thủ Độ.

Trong thế lưỡng phân tâm lý để biểu đạt tâm trạng cho từng nhân vật, Bạch Tuyết đã khai phá cho cải lương một hình thức biểu diễn mới mà xét cho cùng, đó là cuộc thể nghiệm từ kịch bản đến âm nhạc, thiết kế, dàn dựng. Chuyến đi ngược gió ấy lại là hành trình đi tới của sáng tạo, giải phóng con người để chiếm lĩnh sự tự do cao đẹp. Ấy là khi thiên chức người nghệ sĩ được bộc lộ và khai phóng.

***

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 5: Bach Tuyet - Nguoi di nguoc gio
Hai thầy trò NSND Phùng Há - NSND Bạch Tuyết

Một ngày hè tháng Bảy, năm 2009, khi đêm đã về sáng, cùng với NSƯT Nam Hùng và con cháu, Bạch Tuyết đón NSND Phùng Há trở về nhà. Bà thoa lại phấn son, vẽ lại chân mày cho thầy mình. Rồi ôm trọn khuôn mặt đã một đời gìn giữ cho Tổ nghiệp. Không đàn, không trống, không ánh sáng hào quang. Hai người đàn bà ca kỹ với trăm ngàn vai diễn cho tha nhân, họ đang tiễn đưa nhau trước chuyến lưu diễn sinh tử, mất còn… 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI