Xót xa hơn giọt nước mắt

01/11/2017 - 10:29

PNO - Chỉ có nguồn tri thức quý báu, những tinh hoa lĩnh hội từ bốn phương lại không hề được đánh thức, khơi dậy và phục vụ cho những giấc mơ có thật. Nó bị mài mòn và ngày qua ngày, cơm áo cứ ghì sát đất.

Năm 2003, chị gái tôi hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh tại Nhật, trở về nước. Tôi ra sân bay đón, chị vỏn vẹn 38 ký, tính luôn cả cái “ống điếu” - dùng để cuộn tấm bằng tiến sĩ - vắt vẻo sau ba lô. Tôi rớt nước mắt cho cái ngày vinh quy của chị. 

Có lời mời ở lại Nhật, có lời mời sang Mỹ, hình như chị chẳng lăn tăn, bởi trở về - không vì một lời cam kết nào - mà hơn thế, là về nhà - nơi ngôi trường mình đã học tập, đã nhận học bổng với tư cách là giảng viên. Trở về để làm việc, với tất cả say mê, tâm huyết và lòng biết ơn với những tấm lòng tận tụy. Thế thôi. 

Xot xa hon giot nuoc mat
 

Vậy mà, nhiều năm sau đó, khi quyết định rời trường để sang công tác ở một trường khác, tôi đoán đọc ở chị tôi một sự dằn vặt. Dù gì thì cũng không thể sống bằng… không khí, bạn vẫn cần cơm ăn và hít thở một bầu khí quyển trong lành, nếu muốn sống chứ không phải chỉ tồn tại! Nhưng hình như tôi đọc… nhầm, một ngày, “ống điếu” 38 ký ngày nào mừng mừng kể với tôi từ  chuyện các sinh viên trường Mở (tức Đại học Mở TP.HCM) tự tin, đĩnh đạc trình bày các lập luận khoa học bằng tiếng Anh giữa giảng đường đến những giảng viên trẻ đã xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học độc lập, đăng tải nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, kết nối và tổ chức các cuộc hội thảo khoa học - dù trong phạm vi khoa, trường - cùng các giáo sư, đồng nghiệp từ Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ…

Vẫn thế, tôi lại nhìn thấy niềm say mê, sự tự nguyện dấn thân một cách thầm lặng của những người đi tìm tri thức, truyền trao và tiếp tục khai phá sự hiểu biết cho mình, cho người. Họ mộc, họ nhiệt thành và dĩ nhiên họ… không thể giàu. Nhưng chỉ mỗi cái suy nghĩ gợn nghèo về họ, bạn cũng sẽ cảm thấy mình không phải. Họ có một thước đo cuộc sống của riêng họ, họ niêm yết chỉ số hạnh phúc theo cách của họ. Vậy đấy! 

Đã có nhiều địa phương, nhiều trường đại học, cao đẳng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ người có học hàm học vị nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Cái khung giá từ 50 triệu đồng đến cả 100 triệu đồng cho một suất giảng viên cơ hữu, kèm theo những cam kết sẽ phục vụ, gắn bó lâu dài, nếu rời bỏ trước thời hạn thì sẽ phải đền bù. Kết quả mang lại sau những lời kêu gọi này là không ít. Nhưng, cũng có nhiều cuộc dứt áo ra đi bởi cái quan trọng không phải chỉ là chính sách đãi ngộ mà là đảm bảo một môi trường giáo dục đúng nghĩa, một không gian ứng xử với tri thức thực thụ, để từ đó, thầy và trò cùng tạo nên hệ sinh thái giáo dục tự do, nhân văn, sáng tạo…

Tiếc rằng, có quá ít sự toàn tâm trong các hoạch định chiến lược giáo dục, triển khai thành các bước chiến thuật trong nghiên cứu khoa học, tính quy chuẩn của chương trình đào tạo, tính khoa học trong hệ thống giáo khoa - giáo trình; không nhiều sự an toàn cho những lộ trình triển khai trung và dài hạn, những nấc thang kiểm định và công tác hậu kiểm, dẫn tới nền giáo dục quốc gia - đã hơn 40 năm, rất khó đo lường và định dạng trên “bản đồ” giáo dục đại học toàn cầu; cứ ngụp lặn trong thí điểm, cải cách, đổi mới trong hệ thống giáo dục phổ thông. Giáo dục Việt Nam như  “bổ đề cơ bản” mãi vẫn không có phép giải. 

Phải chăng, trên cái nền… lung lay ấy, những câu chuyện như cô giáo mầm non lãnh 1,3 triệu lương hưu sau mấy chục năm công tác lại khiến người ta thương xót mà chẳng hề thắc mắc. Cũng như hàng trăm tiến sĩ “thật”, đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm chữ ở xứ người trở về, với vỏn vẹn 5-6 triệu đồng tiền thu nhập, cũng chả ai mấy ngạc nhiên. Chỉ có nguồn tri thức quý báu, những tinh hoa lĩnh hội từ bốn phương lại không hề được đánh thức, khơi dậy và phục vụ cho những giấc mơ có thật. Nó bị mài mòn và ngày qua ngày, cơm áo cứ ghì sát đất. 

Giáo sư - tiến sĩ vật lý Lê Văn Hoàng nói với tôi, sở dĩ ông chọn trở về và bám lấy ngành sư phạm là vì ông muốn góp phần đào tạo những người thầy giỏi cho học trò Việt Nam. Vợ chồng bạn tôi, cả hai là tiến sĩ toán - sinh tại Anh và Mỹ cũng thiết tha về lại quê nhà, ôm ước mơ mở trường dạy các kỹ năng học toán cho trẻ… Những khát khao ấy, những mộng mơ ấy, tôi nghe ra, có khi còn xót xa hơn cả giọt nước mắt của người giáo già tức tưởi trước cái sổ hưu còm cõi. 

Minh Triết

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI