Xóa mờ ký ức 'lăn tay'

30/04/2015 - 08:52

PNO - PN - Thay vì ký tên, hầu hết những cư dân lênh đênh trên sông Hương chỉ có thể “lăn tay” (điểm chỉ) mỗi khi cần xác nhận trên các loại giấy tờ. Gần đây, với quyết tâm không để mù chữ mãi, các chị, các cô đã rủ nhau đến...

edf40wrjww2tblPage:Content

Học để hết... tự ái

Sau bữa cơm tối, cả khu tái định cư thủy điện phường Hương Hồ rộn ràng tiếng í ới gọi nhau đi học chữ. Họ là những “học sinh” hết sức đặc biệt, phần lớn đã có chồng, thậm chí nhiều người đã có cháu nội, cháu ngoại, vậy mà đang bắt đầu từ “a bờ cờ”. Hôm tôi đến, gặp lúc đầu giờ, trời mưa tầm tã nhưng lớp học không vắng chị nào. Nói là lớp học cho "oách" chứ thật ra đây là phòng khách của nhà chị Nguyễn Thị Tho, Chi hội trưởng phụ nữ tổ 2. Bàn ghế được trưng dụng của gia đình và của quán bánh canh gần đó. Chiếc bảng di động bé tí teo nên thầy Trai phải viết chữ bé lại mới đủ chỗ. “Chừng này tuổi rồi còn đi học làm gì?”, tranh thủ giờ giải lao tôi hỏi chị Nguyễn Thị Hạnh. “Học để... hát karaoke với bạn bè”, chị trả lời.

44 tuổi, chị Nguyễn Thị Hạnh đã có thâm niên hơn 30 năm làm nghề chài lưới. Chị tâm sự: “Ngày xưa, tui thèm được đi học lắm nhưng cái nghiệp cá tôm ai cũng rõ rồi, cá ở mô thì đò phải xuôi theo đó. Cả nhà chạy lo cái ăn, cái mặc xanh mặt, xanh mày, mần chi có điều kiện chữ với nghĩa được”.

Chị kể, bao năm nay, do một chữ bẻ đôi cũng không biết nên cuộc sống của chị gặp rất nhiều phiền toái: “Trong nhà cần viết tờ đơn xin xỏ này nọ gửi cho thôn, xã cũng phải nhờ hàng xóm. Làm giấy khai sinh cho con thì không biết đánh vần tên con, rồi ngay cả việc ký vào tờ giấy vay vốn phụ nữ thôi mà cũng không làm được. Có lần cán bộ thôn gọi tui đến, nói ký vô tờ danh sách nhận tiền hỗ trợ bão lụt. Tui cầm cây viết mà tay cứ lóng ngóng, ngó nghiêng không biết mần răng cả. Cán bộ hỏi chê tiền ít hay răng mà không chịu ký? Sau khi nghe tui trình bày hoàn cảnh, cán bộ phát tiền lấy cây bút bi vừa quẹt mực lên ngón tay tui, rồi cầm ngón tay tui ịn vô tờ giấy”.

Cũng như chị Hạnh, chị Võ Thị Thảo (39 tuổi) rụt rè kể: Không biết chữ tự ái tột độ, sau những lần bị bắt “lăn tay”, “điểm chỉ”. Có lần đem chuyện “lăn tay” về nhà kể cho chồng, bốn đứa con nghe được, gợi ý mẹ mua vở về để chúng dạy cho mẹ biết viết tên họ đầy đủ và biết ký tên. Nghe “đề xuất”, chị Thảo... giận tím tái mặt mày: “Không biết chữ đúng là quá khổ nhưng ai đời con lại làm thầy dạy chữ cho mạ (mẹ) học mô. Trên đời ni làm chi có chuyện ngược ngạo rứa? Hồi đầu đến lớp tui ngại lắm, vì con học cao đẳng mà mẹ không biết chữ, nhưng mọi người động viên nhau học. Không chỉ viết được tên mình để khỏi phải nhờ người ghi giùm, đọc giúp khi có việc cần mà sắp tới tui còn có thể tham gia các lớp đào tạo nghề khi Hội tổ chức”.

Xoa mo ky uc 'lan tay'

Lớp học xóa mù chữ cho các chị em phụ nữ ở khu tái định cư thủy điện phường Hương Hồ

Ngày mưu sinh, tối tìm chữ

Suốt cả buổi tối, thầy Trai viết chữ “ca” thật to lên bảng, rồi đánh vần “a, cờ a ca” cho cả lớp nghe và yêu cầu mọi người lặp lại. “Đọc lại lần nữa, chưa đều”, thầy Trai nhắc. Cứ thế, thầy trò vật lộn đến toát mồ hôi với những điều tưởng không gì đơn giản: “a cờ a ca, bê, bờ ê bê...”.

Sau phần đọc tới đọc lui để học sinh ôn bài, nhớ lâu mặt chữ, thầy Trai gọi từng người đứng dậy trả bài. Khi tất cả "học sinh" đã đọc thông, thầy Trai đi đến từng người, cầm tay hướng dẫn viết những chữ vừa học... Thầy kể: “Để viết được một chữ cái đôi lúc phải mất hai đến ba buổi học. May mà các chị, các mệ trong lớp ai cũng có chí cầu tiến, không có ai nản chí”.

Về quá trình mở lớp, chị Nguyễn Thị Tho cho biết: “Trước đây, số lượng hội viên CLB Bình đẳng giới luôn là nam nhiều hơn nữ do nhiều chị em không biết chữ. Mặt khác, qua những buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ tổ, biết nhiều chị muốn tham gia Hội nhưng ngại cũng vì lý do trên nên chúng tôi đã mở lớp học này”. Chị Tho đã cùng với Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hương Hồ - Nguyễn Thị Kim Lan đi vận động chị em trong tổ tham gia. Đầu tháng 9/2014, lớp học được thành lập. Buổi học đầu tiên, chỉ có 10 học viên, nay lớp đã có trên 20 người.

Nhiệt tình, tâm huyết với công việc nên ngoài thời gian giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà, suốt 12 năm nay, năm nào thầy Trai cũng đảm nhận một lớp xóa mù chữ tại địa phương. Khi được hỏi về mình, thầy Trai chỉ nói đơn giản: “ Mình có điều kiện hơn thì giúp đỡ các chị thôi. Mang đến cái chữ cho những người chưa biết chữ là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi”.

“Thầy giáo tâm huyết với lớp như vậy, chúng tôi sao vắng mặt được. Phải học chăm chỉ để không phụ công thầy”, lớp trưởng Huỳnh Thị Luyện nói.

THUẬN HÓA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI