Xây "chung cư" nuôi heo, đại gia Trung Quốc sở hữu trại heo lớn nhất thế giới

07/12/2020 - 20:26

PNO - Đằng sau những bức tường khu công nghiệp đồ sộ ở ngoại ô thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam, nhà sản xuất các sản phẩm thịt heo hàng đầu Trung Quốc - Công ty thực phẩm Mục Nguyên (Muyuan Foods) – đã xây dựng một trại chăn nuôi heo lớn nhất thế giới, một khoản đầu tư mạo hiểm trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn đe dọa dai dẳng.

Trang trại chăn nuôi heo nhiều tầng của công ty Mục Nguyên ở ngoại ô thành phố Nam Dương, huyện Nội Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: Reuters/ Muyuan Foods
Trang trại chăn nuôi heo nhiều tầng của Công ty Mục Nguyên ở ngoại ô thành phố Nam Dương, huyện Nội Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: Reuters/ Muyuan Foods

Trang trại được khởi công xây dựng vào tháng 3 và tòa nhà đầu tiên trong tổng số 21 tòa nhà đưa vào hoạt động hồi tháng 9. Dự án này là hình ảnh thu nhỏ tốc độ chuyển biến chóng mặt của các cơ sở chăn nuôi heo quy mô công nghiệp đang thay thế các trang trại nhỏ, truyền thống, trong đó nhiều trang trại nhỏ đã bị xóa sổ trong dịch tả heo tồi tệ mới xảy ra.

Sự chuyển đối dù đã được tiến hành trong nhiều năm, nhưng mới đây tăng tốc mạnh mẽ do nguồn lợi nhuận khổng lồ từ các nhà sản xuất sau khi dịch tả heo châu Phi triệt phá đàn heo của nước này, khiến giá thịt heo tăng lên gấp đôi mức giá trước đó.

Dịch tả heo châu Phi cũng không buông tha các trang trại của Mục Nguyên, nhưng khi giá cả tăng vọt, họ nhanh chóng thu lại khoản lỗ của mình. Lợi nhuận của Mục Nguyên đã tăng 1.413% trong chín tháng đầu năm 2020 lên 21 tỷ nhân dân tệ (3,21 tỷ USD).

“Chúng tôi bước vào thời kỳ rất thuận lợi để phát triển, giá thịt heo rất cao, lợi nhuận tốt, dòng tiền dồi dào”, ông Qin Jun, phó tổng giám đốc Mục Nguyên nói với Reuters tại trụ sở chính của công ty ở thành phố Nam Dương.

Trong cuộc đua giành thị phần, các công ty như Mục Nguyên đã thiết kế các trang trại tự động mật độ cao, đảm bảo rằng họ có thể ngăn chặn dịch bệnh trong khi tăng hiệu quả để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo khổng lồ của cả nước.

Siêu trang trại mới của Mục Nguyên gần Nam Dương, được thiết kế để nuôi 84.000 con heo nái và heo con, cho đến nay là trang trại lớn nhất thế giới, gần gấp 10 lần quy mô của một cơ sở chăn nuôi điển hình ở Mỹ. Mục Nguyên đặt mục tiêu mỗi năm sản xuất khoảng 2,1 triệu con heo.

Càng lớn càng tốt?

Dư dả tiền mặt, Mục Nguyên và một số công ty khác đang xây dựng trang trại với quy mô lớn hơn và nhanh hơn, nhằm giành lấy thị phần trong khi ngành chăn nuôi bắt đầu tái thiết.

Ông Qin, phó tổng giám đốc Mục Nguyên cho biết công ty sẽ chi khoảng 40 tỷ nhân dân tệ trong năm nay để xây dựng các trang trại nuôi heo mới, gấp khoảng 8 lần số vốn mà công ty đã chi hai năm trước và gần gấp đôi số vốn mà nhà sản xuất ô tô Tesla dự kiến ​​sẽ chi.

Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ đang phải vật lộn để đứng dậy trong bối cảnh các yêu cầu phòng chống dịch bệnh mới rất tốn kém.

Đàn heo của Trung Quốc vốn lớn nhất thế giới, đã giảm khoảng một nửa vào năm 2019, gây ra sự thiếu hụt khoảng 11 triệu tấn thịt heo - vượt xa nguồn cung toàn cầu. Nhập khẩu tất cả các loại thịt từ đó đã tăng mạnh, khiến giá thịt các loại từ Brazil đến Đan Mạch đạt mức cao kỷ lục.

Ông Qin nói về trang trại 3 tỷ nhân dân tệ rằng “ở đây có yếu tố thử nghiệm”. Ông giới thiệu hệ thống cho ăn “thông minh ”, rô bốt dọn phân và camera hồng ngoại để phát hiện khi heo bị sốt và cho biết, công ty sẽ tuyển dụng ít người hơn và sử dụng nhiều công nghệ hơn.

Trang trại heo khổng lồ của Mục Nguyên - dù hứa hẹn giải quyết việc làm cho địa phương bằng cách xây dựng các lò giết mổ - nhưng gần đây bắt đầu gây tranh cãi vì quy hoạch 55 trang trại heo trên 1.000 ha đất trồng trọt của tỉnh Hà Nam.

Trang trại lớn có thể nuôi heo nhiều gấp 5 lần trang trại thông thường trên cùng một diện tích. Tuy nhiên, mật độ của trang trại mang lại có rủi ro rất lớn, với các dịch bệnh bao gồm cả virus dịch tả heo vẫn còn lưu hành dai dẳng ở Trung Quốc mà không có vắc xin hay thuốc đặc hiệu để điều trị.

Ông Gordon Spronk, Chủ tịch của Pipestone Holdings, nhà sản xuất heo và dịch vụ thú y có trụ sở tại Minnesota (Mỹ), cho biết: “Các dự án chăn nuôi lớn với mật độ động vật cao là mối quan tâm lâu dài vì một khi mầm bệnh xâm nhập vào, rất khó để kiểm soát hoặc loại bỏ”.

Đáp lại, Mục Nguyên cho biết, họ đã đại tu quy trình sản xuất kể từ khi dịch tả heo bùng phát. Thức ăn được khử trùng, chuồng trại được lọc không khí và các camera chụp ảnh nhiệt được thử nghiệm để kiểm tra thân nhiệt con heo. Tuy nhiên, rủi ro vẫn rất lớn vì nhiều người trong số 50.000 nhân viên mới của Mục Nguyên còn thiếu kinh nghiệm, và một đợt bùng phát dịch bệnh có thể biến công ty từ lãi thành lỗ.

Hoàng Diệu (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI