Vừa mở bán trực tuyến, nhiều siêu thị, cửa hàng tại TPHCM bị mạo danh lừa tiền người mua

24/08/2021 - 20:22

PNO - Kẻ gian giả danh nhân viên các siêu thị, cửa hàng... nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng trực tuyến rồi lừa khách mua hàng chuyển tiền để chiếm đoạt.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM - đưa ra cảnh báo trên vào chiều 24/8 và lưu ý người dân nên liên hệ Tổ trưởng Tổ dân phố, Hội Phụ nữ, đoàn thể phường để đăng ký mua hàng.

Cùng thời điểm, đại diện một số cửa hàng tiện lợi cũng phát đi cảnh báo tương tự. Cửa hàng trưởng cửa hàng Bách Hóa Xanh (Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp) thông tin đến hơn 1.000 khách hàng trong nhóm Zalo do đơn vị này tạo là hiện nay có đối tượng mạo danh nhân viên cửa hàng nhắn tin riêng chốt đơn và yêu cầu khách hàng chuyển khoản để lừa tiền.

Cửa hàng này cung cấp cho khách hàng thông tin một tài khoản ngân hàng duy nhất và lưu ý khách hàng để ý nhân viên trao đổi chuyển khoản trong nhóm Zalo là thành viên có khóa vàng hoặc khóa bạc trên hình nền đại diện. Khách hàng chỉ chuyển khoản khi nhận được hình hóa đơn hoặc hình màn hình máy tính có chi tiết số tiền thanh toán và sản phẩm mua.

Bà Đỗ Thị Dậu, Giám đốc Satramart Siêu thị Sài Gòn, lưu ý hiện nay việc bán hàng của đơn vị này được triển khai thông qua phường, do đó người dân không nên đặt hàng ở đường dẫn (link) nào khác để tránh bị lừa.

Sở Công thương TPHCM cho biết, trong ngày 24/8, có 74.033/2.183.247 hộ dân toàn TPHCM đăng ký đơn hàng, tăng 50.385 hộ so với ngày 23/8.

Nhân viên siêu thị soạn hàng theo đơn hàng chính quyền đặt mua hộ người dân.
Nhân viên siêu thị soạn hàng theo đơn hàng chính quyền đặt mua hộ người dân

Các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng/74.033 đơn các hộ đăng ký, giảm 6,8% so hôm qua do người dân so sánh, phản ánh giá hàng hóa trong combo cao. Nhưng theo các đơn vị phân phối, thực tế có một số khác biệt về mặt hàng và nhà cung cấp, các doanh nghiệp phải chuẩn bị combo hàng lại. Số đơn hàng còn lại sẽ được giao trong ngày mai.

Bên cạnh đó, có 274.633/ 590.859 hộ đăng ký túi an sinh. Kênh phân phối hiện có 2.302 điểm bán, gồm 76 siêu thị; 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn; 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ).

Đặc biệt, có một siêu thị thông minh, không người bán hoạt động tại phường Cô Giang, Q1, TPHCM. Lực lượng đi chợ hộ tự chọn hàng theo đơn đặt trước, tự lấy hàng và thanh toán qua màn hình camera. Khách có thể thanh toán tiền mua hàng bằng cách để vào thùng tiền đặt sẵn, hoặc tập hợp thanh toán sau cho nhà phân phối.

Dự kiến cửa hàng sẽ cung cấp khoảng 4 tấn hàng hóa mỗi ngày, bao gồm hàng trăm mặt hàng thiết yếu như: thịt, cá, trứng, gạo, trái cây, rau quả, gia vị... được chuẩn bị sẵn theo combo hoặc bán lẻ từng món cho khách hàng chọn lựa. Riêng ngày 24/8, cửa hàng giao 1.200 combo (bao gồm 6 mã, mỗi mã 200 combo) theo đặt hàng của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phường Cô Giang. Trong tuần này, cửa hàng thứ 2 sẽ mở cửa tại chung cư 79 Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Hiện, TP chỉ còn 5 xe lưu động bán hàng do các quận, huyện giảm đăng ký do người dân đã mua sắm dự trữ thực phẩm khá nhiều.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI