“Vũ khí” trong quá khứ của Việt Nam đang tỏ ra hiệu nghiệm trước COVID-19?

15/04/2020 - 06:23

PNO - Gần đây, nhiều thông tin cho rằng vắc-xin ngừa lao BCG (Bacille Calmette-Guerin) đã góp sức như một trong các “vũ khí” giúp người Việt chống chọi khá tốt trước vi-rút SARS-CoV-2. Vậy nên hiểu vấn đề này như thế nào?

Theo tờ The Sun (Anh), các nhà khoa học nước này đã tìm nguyên nhân khiến người dân một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, ít bị nhiễm COVID-19. Kết quả khá thú vị khi vi-rút Corona chủng mới khó lây lan là do phần lớn người dân các nước này đã được tiêm BCG từ nhỏ. Đây là vắc-xin phòng lao đã có từ năm 1921, được triển khai rộng rãi tại Việt Nam từ thập niên 1970 và vẫn duy trì đến nay qua chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Vết “trồng trái” trên bắp tay người Việt

Vết sẹo do tiêm ngừa trên bắp tay nhiều người Việt Nam thế hệ 1970 - Ảnh: Internet
Vết sẹo do tiêm ngừa trên bắp tay nhiều người Việt Nam thế hệ 1970 - Ảnh: Internet

Nhiều nghiên cứu khác trên thế giới cũng đã cho kết luận tương tự. Các nhà khoa học nhận định, Việt Nam sẽ khó lây hơn châu Âu khoảng sáu lần do đa số người Việt đã được tiêm BCG. Vậy vì sao châu Âu lại rất ít dùng loại vắc-xin này? Câu trả lời rất đáng ngạc nhiên: do vấn đề thẩm mỹ, bởi vết tiêm sẽ để lại sẹo tròn cỡ lớn trên bắp tay. Sẹo này do phản ứng sau tiêm thường gây áp-xe tại chỗ, nổi hạch…

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Chí Kiên (Pháp) cho biết, trước hết nên hiểu vắc-xin như một “phiên bản” sao chép lại vi khuẩn, vi-rút hoặc chính các mầm bệnh này đã được giảm độc lực. Việc đưa các vắc-xin vào cơ thể được coi như lần lây nhiễm đầu tiên giúp cơ thể nhận biết được tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể. Điều này giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhanh chóng nhận biết “kẻ thù” trong những lần nhiễm bệnh sau và lập tức có “phương án” chống đỡ, bảo vệ cơ thể. “Ở đây, BCG còn có tác dụng giống như kẻ nằm vùng. Do đó, khi nhiễm bất cứ vi-rút hay vi khuẩn nào cũng có thể khiến cơ thể huy động các tế bào miễn dịch như đại thực bào, có thể phát hiện nhanh và hành động ngay để chống lại mầm bệnh. Hiện tượng này còn được gọi là miễn dịch chéo”, bác sĩ Kiên giải thích.

Cũng theo bác sĩ Kiên, không giống ở Việt Nam, BCG không còn được sử dụng đại trà cho toàn dân tại Pháp kể từ năm 2007 mà chỉ được sử dụng khi có chỉ định cần thiết cho từng trường hợp cụ thể. Giờ đây, vắc-xin này lại được nhắc tới và được nhiều cơ sở nghiên cứu trên thế giới tìm hiểu hòng áp dụng tác động có lợi của nó trong việc chống lại COVID-19.

Tác dụng phụ có lợi của BCG

Trong khi chờ đợi tìm ra vắc-xin đặc hiệu chống lại COVID-19, các nhà nghiên cứu muốn sử dụng BCG như là phương thuốc nhằm hạn chế tác hại của vi-rút này trên cơ thể người nhiễm bệnh. Bác sĩ Kiên cho hay: “Từ lâu, BCG ngoài tác dụng chính là ngăn ngừa bệnh lao, còn có những tác dụng phụ. Giờ đây, các tác dụng phụ của nó lại được hy vọng trở thành những yếu tố có lợi cho việc điều trị COVID-19”.

Giáo sư Mihai Netea, Đại học Radboud Nijmegen (Hà Lan), cho rằng, BCG vốn đã là loại vắc-xin có “tiếng vang” là làm giảm tỷ lệ tử vong ở các quốc gia nghèo. Vắc-xin này đã kéo giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em đối với các bệnh nhiễm trùng khác như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và cả nhiễm trùng đường hô hấp ở người lớn. Đặc biệt, BCG còn được sử dụng trong việc điều trị một vài loại ung thư như ung thư bàng quang. Lần này, BCG được thử nghiệm sử dụng trên lâm sàng ở nhiều quốc gia. Với cùng một phương pháp nghiên cứu bao gồm cả việc sử dụng vắc-xin giả dược, một số nơi đã thực hiện trên các nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh như Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Úc.

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu nhi khoa Murdoch (Melbourne, Úc) hy vọng có thể tạo ra bước đột phá trong cuộc chiến chống COVID-19 bằng cách thử nghiệm BCG trên hàng ngàn bác sĩ, điều dưỡng trong nỗ lực bảo vệ những người đang ở tuyến đầu. Giáo sư Nigel Curtis, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm của viện, nói: “Vắc-xin có đặc tính không chỉ bảo vệ chống lại bệnh lao, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đã tiêm vắc-xin này bị nhiễm trùng đường hô hấp do vi-rút ít hơn nhiều so với những người không mắc bệnh”.

Theo bác sĩ Kiên, ở Pháp, các nhân viên y tế được tuyển dụng cho nghiên cứu này đều được giám sát bởi Viện Nghiên cứu y học quốc gia Inserm. Tất cả đều được chích một liều BCG tương đương với liều của trẻ em lúc một tháng tuổi và đây chính là liều nhắc lại. Kết quả được so sánh với những người ở Hà lan, Úc được chích lần đầu tiên. Mục tiêu của nghiên cứu là liệu vắc-xin này sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể không thể “lẩn tránh” hoặc “quay lưng lại” với COVID-19?

Điều trên dựa vào kiến thức vốn có rằng, thông thường ở bệnh nhân nhiễm bệnh sau khoảng một tuần, sẽ có một phản ứng của cơ thể gọi là “cơn bão cytokine”. Cytokine là phân tử có tác dụng làm gia tăng phản ứng viêm. Khi cytokine sản xuất quá mức thì chính tình trạng viêm quá mức này làm hỏng các cơ quan như phổi, gan, thận… Và theo giáo sư Mihai Netea, BCG có thể ức chế sự tăng sinh của vi-rút từ đó hạn chế sự lây nhiễm, đồng thời, hạn chế số lượng hạt vi-rút có nghĩa là hạn chế phản ứng viêm quá mức “cơn bão cytokine” khiến các cơ quan nội tạng không bị tàn phá nặng nề thêm. 

Quốc Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(16)
  • Chi Nguyễn 17-04-2020 14:48:52

    Ngày xưa mỗi lần nhìn thấy ông bác sĩ càm phích nước đá đi chưa tới nhà là sợ chạy trốn hết rồi. Nhuqng vẫn bị bắt tiêm ngừa nên bây giờ bắp tay có vết sẹo luôn.

  • Huy Lộc 16-04-2020 13:41:41

    Không nên chủ quan vì tiêm phòng BCG và chủng đậu mùa không chỉ có ở Việt Nam, trên thế giới còn có những nước cũng tiêm phòng và chủng ngừa cho cộng đồng trước cả nước ta nhiều năm.

  • nguyễn 16-04-2020 08:23:44

    Vậy là không lo rồi, hầu hết người việt ở vùng đô hị đều có vết sẹo này. Tưởng là xui lại hóa hên, ngừa lao thì lại có tác dụng chống covy, mấy nước phát triển hết lao không chủng ngừa hóa ra vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

  • Đinh Huy 16-04-2020 08:00:05

    Có lý đó, hơn nữa người Việt có kháng thể cao do khí hậu và vs của VN khăc nghiệt và zen người Việt cũng khác biệt nên TC không cài đặt covid19 vũ hán cho người Việt được haha!

  • Philip Le 16-04-2020 07:10:18


    How long does the vaccine protection last? Studies show that the BCG vaccine protects against serious TB disease for up to 15 years after vaccination.

  • Hà Văn Minh 15-04-2020 21:28:43

    Ngày xưa gọi là chủng đậu

  • Nguyễn Văn Hiệp 15-04-2020 12:17:53

    hết chuyện để bàn. trong khi đó vacxin việt nam đa số toàn nhập ngoại. không nhẽ nước ngoài sản xuất ra không tiêm mà đi bán cho mỗi việt Nam dùng

    • Loc

      Bạn đọc kỹ bài viết chưa?

    • Ái

      Nước ngoài ko thích nên ế quá phải bán sang nước khác. Bộ cái gì nước ngoài sản xuất được thì người dân cũng có nhu cầu sao???

    • Linh

      Vậy vì sao châu Âu lại rất ít dùng loại vắc-xin này? Câu trả lời rất đáng ngạc nhiên: do vấn đề thẩm mỹ, bởi vết tiêm sẽ để lại sẹo tròn cỡ lớn trên bắp tay. Sẹo này do phản ứng sau tiêm thường gây áp-xe tại chỗ, nổi hạch…
      Thân gửi nếu bạn có vấn đề về đọc hiểu

    • Hoàng Thái Dương

      @Nguyễn Văn Hiệp! Bạn không nói thì mọi người nghĩ bạn hiểu bạn nói ra tức là bạn không hiểu gì hết hỏi lại cha mẹ bạn đi nhé

    • Nhan

      Vắc xin lao là vắc xin sx tại việt nam. Chắc bạn chưa có con hoặc ko đưa con đi tiêm bao h

  • Longo 15-04-2020 10:11:23

    Tôi sinh năm 1964 và bắp tay trái đầy dấu trồng trái. Mong rằng nghiên cứu này chính xác để chúng ta bớt lo (tất nhiên là không được chủ quan với covid 19)

  • lê đắc phúc 15-04-2020 09:09:23

    May quá, sau khi đọc bài báo. Mình kiểm tra lại trên cánh tay trái đã được đóng dấu bảo chứng BCG. Các nhà khoa học Việt Nam giỏi ghê, họ đã nhìn bệnh dịch thấy trước hơn 50 năm. Thánh là ở đây, chứ còn đâu nữa. Thế giới không đèn sách đến Việt Nam mài dũa là phí lắm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI