Vụ 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học xin nghỉ việc, Đại học Quốc gia TPHCM lập tổ xác minh

04/03/2021 - 16:47

PNO - Hôm nay, tổ công tác xác minh của ĐH Quốc gia TPHCM về các nội dung liên quan đến đơn kiến nghị của 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học bắt đầu làm việc.

Chiều 4/3, ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và tổ chức sự kiện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đã ký quyết định số 150/QĐ-ĐHQG về việc thành lập tổ công tác xác minh các nội dung liên quan đến đơn kiến nghị của 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học. Sáng ngày 4/3, tổ công tác đã bắt đầu làm việc với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Theo ThS Trần Nam, để đảm bảo tốt quá trình làm việc của Tổ Công tác cũng như căn cứ vào điểm C, khoản 2, điều 25 của Luật Báo chí, nhà trường sẽ tạm ngưng cung cấp thông tin cho quý cơ quan truyền thông, báo chí về sự việc này. 

Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nộp đơn xin nghỉ việc tập thể do không đồng ý với những kết luận của nhà trường về nội dung phản ánh đối với Trưởng khoa Hàn Quốc học. Sau khi tiếp nhận đơn, nhà trường yêu cầu mỗi giảng viên làm lại đơn nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.

Sau đó, 11 giảng viên nộp đơn nghỉ việc. 3 trong số 11 giảng viên hiện đã nghỉ, những người còn lại sẽ nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc trong tháng 3.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

11 giảng viên nộp đơn xin nghỉ nói gì?

Một số giảng viên đại diện cho nhóm 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học đã có đơn cầu cứu gửi báo Phụ Nữ TPHCM. Trưa ngày 2/3, nhóm giảng viên cho biết có 3 nguyên nhân chính dẫn đến quyết định xin nghỉ việc đồng loạt.

“Thứ nhất, chúng tôi không thể chấp nhận cách quản lý, hành xử chuyên quyền, không đúng nguyên tắc, không lắng nghe, tôn trọng giảng viên của trưởng khoa. Hơn nữa, trưởng khoa cũng được bổ nhiệm không đúng quy định. Thứ hai, từ khi xảy ra vụ việc đến nay, thay vì giải quyết thấu tình đạt lý, nhà trường kết luận phiến diện, không chính xác, ảnh hưởng đến danh dự chúng tôi. Thứ ba là nội bộ khoa thiếu đoàn kết, kích động sinh viên lên mạng xã hội bôi nhọ giảng viên”, một giảng viên đứng đơn cho biết.

Các giảng viên này cho rằng họ không thể làm việc trong môi trường giáo dục thiếu dân chủ, thiếu đoàn kết như khoa Hàn Quốc học hiện nay. Những bức xúc về trưởng khoa đã kéo dài âm ỉ từ năm 2018 đến nay. Các giảng viên trong khoa đã nhiều lần ý kiến với nhà trường nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

“Chúng tôi là 11/18 giảng viên cơ hữu của khoa Hàn Quốc học. Người ít thâm niên nhất cũng đã 5 năm công tác ở khoa, người nhiều nhất đã 23 năm. Chúng tôi gắn bó với khoa từ những ngày khoa Hàn Quốc học chỉ là một bộ môn trực thuộc khoa Đông Phương học cho đến khi được tách ra. Chúng tôi không phải trẻ con, không có chuyện xin nghỉ việc vì không đồng tình với quy định không được đi trễ 15 phút trong cuộc họp”, các giảng viên cho biết.

Các giảng viên này còn cho rằng, bà Nguyễn Thị Phương Mai được bổ nhiệm làm trưởng khoa một cách “thần tốc”. 

“Bà Mai về khoa năm 2016, đến giữa năm 2018 đã được bổ nhiệm làm trưởng khoa. Tính đến thời điểm bổ nhiệm, bà Mai chưa đủ thâm niên kinh nghiệm theo quy định đối với vị trí trưởng khoa. Hơn nữa, bà Mai không có bất kỳ chứng chỉ nào về lý luận chính trị hay bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước”, đại diện nhóm giảng viên cho biết.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc, bà Mai tự đưa ra các quy định bình chọn, đánh giá giảng viên mà không thông báo trước với toàn khoa, như đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, đơn phương thay đổi lịch họp định kỳ của khoa... Trong khi đó, theo quy định về đánh giá, phân loại công chức, viên chức, vắng họp trên 30% không phải là tiêu chí đánh giá xếp loại viên chức đối với những viên chức không giữ chức vụ quản lý. Vì vậy, nhóm giảng viên cho rằng bà Mai áp đặt, thiếu dân chủ.

Đại diện nhóm giảng viên cho biết, vốn dĩ các thầy cô chỉ muốn giải quyết vụ việc trong nội bộ khoa. Tuy nhiên trưởng khoa đã chủ động báo cáo với nhà trường. Từ khi vụ việc được báo cáo, nhà trường, khoa Hàn Quốc học và các giảng viên đã có 4 buổi gặp mặt để trao đổi nhưng ban giám hiệu nhìn nhận sự việc không đúng bản chất, không giải quyết thấu đáo nên họ buộc phải gửi đơn kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ.

“Chúng tôi gửi đơn kiến nghị, mong muốn làm rõ và giải quyết để khoa ngày càng phát triển chứ không phải tố cáo, khiếu nại hay thù địch cá nhân. Tuy nhiên, trong kết luận ngày 28/12/2020, nhà trường lại đánh giá chúng tôi phá hoại khoa, làm trái đạo lý. Đây là giọt nước làm tràn ly, phủ nhận mọi công sức, đóng góp của chúng tôi, buộc chúng tôi phải làm đơn nghỉ việc tập thể”, đại diện nhóm giảng viên thông tin.

Trong đơn gửi Thanh tra Chính phủ, nhóm giảng viên phản ánh 23 vấn đề liên quan cá nhân trưởng khoa và khoa Hàn Quốc học. Theo kết quả xác minh của trường, 5 vấn đề giảng viên kiến nghị đúng, 7 vấn đề đúng một phần và 11 vấn đề không đúng.

Nhóm giảng viên cho rằng trường xác minh không đúng quy trình, kết luận phiến diện, ảnh hưởng danh dự của họ. Đến nay, họ đã gửi đơn kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ lần thứ hai, đang chờ giải quyết.

Các giảng viên cũng phủ nhận thông tin mình tố cáo thầy giáo cũ mở văn phòng công ty tại văn phòng khoa. Thực tế, nhóm giảng viên phản ánh việc 2 nhân viên của công ty (do thầy giáo cũ người Hàn Quốc mở) sử dụng văn phòng khoa như văn phòng công ty. Vì 2 người này tự ý ra vào văn phòng khoa, có hẳn chìa khóa văn phòng trong khi đến giảng viên còn không có chìa khóa.

Ngoài ra, các giảng viên còn cho biết thêm, họ không được xếp thời khóa biểu dạy dù chưa nhận quyết định nghỉ việc chính thức.

Trường khẳng định bổ nhiệm đúng

Trước khi tổ xác minh của ĐH Quốc gia bắt đầu làm việc, phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có thông báo thông tin về sự việc tại khoa Hàn Quốc học. Cụ thể, trường khẳng định đã làm đúng trình tự giải quyết kiến nghị phản ánh như: hòa giải, đối thoại, hướng dẫn gửi đơn kiến nghị cho nhà trường để có căn cứ xử lý. Tuy nhiên, trường không nhận được văn bản kiến nghị phản ánh. Các giảng viên đã gửi đơn kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ. Khi nhận được đơn chuyển của Thanh tra Chính phủ, trường đã thành lập tổ xác minh để giải quyết sự việc theo đúng quy định. Hiện nay, các giảng viên đã gửi kiến nghị phản ánh lần 2 đến Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn đến Đại học Quốc gia. Đại học Quốc gia đã thụ lý đơn và đang giải quyết.

Căn cứ vào kết quả xác minh, nhà trường đã ban hành văn bản phê bình trưởng khoa vì có những hạn chế trong công tác quản lý, đề nghị rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.

Đối với 11 giảng viên, trường đã ra văn bản phê bình vì thiếu sự tôn trọng tổ chức, làm ảnh hưởng uy tín của nhà trường, có những chi tiết phản ánh sai sự thật khách quan.

Liên quan đến việc bổ nhiệm trưởng khoa, nhà trường đã làm đúng quy trình và theo đúng quy định. TS. Nguyễn Thị Phương Mai đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chuẩn làm trưởng khoa. Kết quả xác minh nội dung này và nội dung kiến nghị, phản ánh của các giảng viên đã được báo cáo đến Thanh tra Chính phủ, Đại học Quốc gia và đã thông báo đến 11 giảng viên có kiến nghị, phản ánh.

Khi thụ lý đơn xin nghỉ việc của các giảng viên, trường đã trao đổi về các cơ hội làm việc ở đơn vị khác phù hợp với một số giảng viên. Tuy nhiên, các giảng viên này đã tiếp tục đơn phương xin chấm dứt hợp đồng làm việc. Nhà trường đã hướng dẫn thủ tục để đảm bảo đầy đủ quyền lợi và chế độ cho người lao động khi nghỉ việc.

Trường cũng cho biết hiện đã mời các giảng viên thỉnh giảng, tuyển dụng mới, điều động một số giảng viên ở các đơn vị khác có chuyên môn phù hợp để bổ sung vào đội ngũ giảng dạy của khoa Hàn Quốc học, đảm bảo khoa vẫn hoạt động bình thường.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI