VTV dàn dựng một cảnh phá rừng như thế nào?

03/08/2016 - 07:32

PNO - Có 3 người đến huyện Krông Năng, Đắk Lắk đề nghị người dân diễn lại cảnh cưa gỗ để quay phim rồi cho tiền. Sau đó, cảnh quay này được phát trên chương trình Chuyển động 24h của Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Chiều ngày 2/8, Đại tá Phạm Minh Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã công bố kết quả điều tra về tình trạng phá rừng mà chương trình Chuyển động 24h của VTV phản ánh trong 2 ngày 4-5/5/2016.

Theo đó, trong đoạn băng ghi hình có 3 người dân ở huyện Krông Năng đang thực hiện việc cưa gỗ mà VTV nói rằng tình trạng phá rừng. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định danh tính của 4 người là ông Vũ Dũ Dinh, bà Sùng Thị Mao và ông Vàng A Tu (ngụ xã Ea Đáh, huyện Krông Năng).

Cả 3 người này khai nhận, vào tháng 4/2016 có 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ đến nhà xin được phỏng vấn, quay phim làm phóng sự tại nương rẫy của họ. Ba người này yêu cầu ông Dinh cầm theo cưa lốc nhưng ông Dinh không có thì họ yêu cầu ông Dinh đi mượn.

VTV dan dung mot canh pha rung nhu the nao?
Hình ảnh chương trình Chuyển động 24h phản ánh tình trạng phá rừng ở Đắc Lắc bị cơ quan chức năng xác minh.

Sau đó, những người này vào rẫy cưa 1 cây gỗ đã chặt hạ trước đó và 1 cây còn sống để quay phim. Sau khi thực hiện việc quay phim và phỏng vấn (theo sự hướng dẫn), thì phóng viên cho vợ chồng ông Dinh, bà Mao 500.000 đồng; ông Tu 100.000 đồng.

Công an địa phương xác định khu vực quay phóng sự là tiểu khu 342A, thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. Cánh rừng này do các hộ dân tự khai hoang, sản xuất từ năm 1996, không phải diện tích rừng mới khai hoang, bị chặt phá như phản ánh trong phóng sự…

“Qua xác minh, có một số nội dung phản ánh không đúng, không khách quan, có sự cắt ghép, dàn dựng của phóng viên khi tác nghiệp”, đại tá Thắng nói.

Cũng liên quan đến chương trình Chuyển động 24h của VTV phát vào 31/7 về tình trạng sản xuất pate, xúc xích trên địa bàn huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cũng đang bị dư luận có sự dàn dựng, thiếu tính chân thực.

Đoạn phóng sự dài 4 phút được thực hiện tại một cơ sở sản xuất xúc xích, patê ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Theo thông tin của phóng viên VTV, người chủ xưởng năm nay dù mới 29 tuổi nhưng đã có 14 năm kinh nghiệm trong nghề. Công suất của xưởng lên đến "cả trăm kg một ngày".

Khán giả Bảo Bảy Sáu phân tích rất kỹ: “Thứ nhất: patê không làm từ lòng lợn, bì lợn thì làm từ cái gì được, sao lại gọi được làm từ các loại phế phẩm của lợn là thế nào? Thứ hai: đi vào xưởng sản xuất thực phẩm mà mùi thơm như phòng khách sạn 5 sao được à? Với lại lòng lợn vốn có mùi phân ngây ngấy rồi… Thứ ba: khúc ruột để dồi làm xúc xích có màu xanh xanh, đen đen, đỏ đỏ thì có gì sai?.

Lấy chanh với muối bóp cho hết nước nhờn của ruột có gì sai? Không cứ là lòng heo, lòng gà, lòng vịt này kia đều dùng chanh với muối để chà sát khử mùi. Nền nhà người ta đều lát gạch men trắng sạch, máy móc nhìn cũng không bẩn gì, ruồi nhặng thì chỗ nào bếp núc nấu ăn mà không có? Quan trọng là sau khi chế biến xong, đun sôi nấu kỹ, 4 tiếng lận đấy. Tôi chỉ thấy anh này lỗi là không dùng đồ bảo hộ khi làm việc, không đeo găng tay để giữ vệ sinh thôi”.

VTV dan dung mot canh pha rung nhu the nao?
VTV dàn dựng cảnh người dân dùng chổi quét rau để nói về thực phẩm bẩn khiến dư luận bức xúc.

Trước đó, vào ngày 3/5, VTV3 phát phóng sự Cây chổi quét rau trên chương trình Cà phê sáng phản ánh hành vi lừa người tiêu dùng của một số người trồng rau. Phóng sự quay cảnh một người nông dân dùng chổi quét lên ngọn các luống rau xanh, vừa quét vừa nói: "Rau mà non người ta không dám ăn. Nên bây giờ phải quét để giả sâu ăn. Quét xong khoảng 2-3 hôm sau mới thu hoạch cho giống sâu ăn thật".

Chương trình phỏng vấn thêm nhiều người tiêu dùng về tâm lý thích chọn rau có sâu bởi quan niệm rau sâu mới là rau sạch. Kết phóng sự, phóng viên Phạm Phương bình luận: "Vì nhu cầu mua thực phẩm sạch và chia sẻ thiếu khoa học về những kinh nghiệm của mình mà khiến cho những người nông dân phải nghĩ ra những cách để đáp ứng được nhu cầu của thị trường ấy".

Khi chương trình lên sóng, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã nổi giận bởi bối cảnh trong phóng sự chính là vùng rau Vĩnh Thành. Những nông dân cho rằng nhóm phóng viên cố tình dàn dựng làm tổn hại hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín của Vĩnh Thành. 

Bà Lê Thị Vân (43 tuổi, ở thôn 3) bức xúc kể: "Chiều 30/4, một nhóm phóng viên về làng tìm hiểu nghề trồng rau. Cô ấy (phóng viên) nhờ một người họ hàng mang chổi ra đồng quét để quay camera. Người cầm chổi quét lên những luống rau của chúng tôi không phải người trồng rau ở cánh đồng này".

Bà Nguyễn Thị Bích (thôn 3) nói thêm, lúc đoàn phóng viên ra về bà còn hái mấy kg rau tặng họ. "Cứ nghĩ họ quảng cáo vùng rau sạch cho mình, ai ngờ lại đưa tin chúng tôi dùng chổi quét lên rau cho rách lá đi, giả làm rau sâu". Những hình ảnh trên khiến nhiều hộ dân không bán được rau. Gia đình bà Vân phải bỏ 2 sào rau các loại do đại lý từ chối nhập.

Trước những phản ứng của người dân, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện ra ê-kip thực hiện chương trình của VTV đã thiếu kiểm chứng, vi phạm quy trình tác nghiệp, phản ánh không trung thực sự việc và có dàn dựng một số cảnh quay nên buộc VTV phải lên tiếng xin lỗi.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI