Vợ quá tính toán và xấu xa với gia đình chồng đang gặp khó khăn

08/11/2022 - 19:01

PNO - Đừng vội dùng những từ ngữ nặng nề trách móc quy chụp nỗi lo lắng của vợ thành bản chất con người. Hãy chịu khó trò chuyện, chia sẻ với cô ấy.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi đi làm lương tháng được tầm 30 triệu. Tháng nào tôi cũng đưa vợ 20 triệu để lo cho gia đình. Hai vợ chồng với hai đứa con, tôi nghĩ tiết kiệm một chút cũng đủ. Còn lại 10 triệu, tôi chi tiêu riêng cho mình là 2 triệu, đổ xăng, cà phê với bạn bè cũng không phải nhiều nhặn gì.

Còn lại 8 triệu, tôi cho ba má 5 triệu, cho một đứa cháu 2 triệu, một đứa khác 1 triệu. Đứa cháu 2 triệu là vì em trai tôi tai nạn mất, mẹ nó một mình nuôi con, lương công nhân may, rất vất vả. Đứa cháu 1 triệu vì ba mẹ nó đều khó khăn, làm ăn thua lỗ nay đang trả nợ.

Tính toán thu xếp như thế, tôi thấy cũng là chỉ vừa tròn trách nhiệm làm chồng, làm con, làm anh Hai, chứ cũng không phải là cái gì quá đáng. Các cháu cũng sẽ lớn, học xong phổ thông thì tôi ngưng chu cấp.

Cha mẹ cũng đã già, các em đều khó khăn, làm sao bắt chúng chia sẻ nghĩa vụ. Thôi mình làm được gì thì ráng cho ba mẹ được chút bình yên. Chứ 5 triệu với đời sống người già cũng không phải là nhiều.

Thế nhưng, vợ tôi không hài lòng về việc tôi lo cho gia đình. Bả cứ cằn nhằn rằng chẳng còn chút tiền để dành nào. Lỡ có việc gì thì sao. Tôi phân tích hoài, nói bả chịu khó tiết kiệm chi tiêu trong 20 triệu, còn lương bả (khoảng 10 triệu) thì để dành là ổn. Rồi khó khăn sẽ qua, vợ chồng sẽ thảnh thơi hơn. Nhưng bả không bao giờ chịu yên.

Em dâu tôi mua cái áo mới, bả cũng xiên xéo chửi, thằng em trai uống lon bia, bả cũng chửi, cứ như là mọi người đang ăn hết vào tiền bả. Ba mẹ tôi đau bệnh, tôi phải mua thêm thuốc men, bả nói ba mẹ giả bệnh.

Đến giờ, bả còn bắt đầu bày đặt nghi ngờ, ghen tuông, nói tôi muốn tòm tem với em dâu (chồng mất). Bả sỉ nhục tôi hết lời, còn dọa nếu tôi tiếp tục cho tiền cháu, bả sẽ qua tận nhà ba má tôi chửi.

Tôi hết chịu nổi. Tôi muốn ly hôn với bả cho xong, chia con ra nuôi, tôi sẵn sàng cấp dưỡng thêm cho con gái ở với bả, chắc tằn tiện cũng chỉ hết tầm 20. Còn lại 10 triệu, tôi được tự do giúp đỡ gia đình.

Tôi có nên làm thế cho nhẹ đầu không chị? Vì tính đến lúc này, tôi thấy tôi bỏ vợ được chứ không thể bỏ những người thân đang cần tôi. Và tôi thấy tính ích kỷ, tham lam, sân si... của vợ tôi sẽ không bao giờ thay đổi được.

Xin chị cho tôi ý kiến để tôi thấy yên tâm với quyết định của mình.

Lương Hoài Nam

Bạn Lương Hoài Nam thân mến,

Thư bạn nói muốn ly hôn với vợ, rồi lại nhờ Hạnh Dung cho ý kiến để yên tâm với quyết định của mình, thật là khó cho Hạnh Dung quá, cứ như là Hạnh Dung sẽ phải đồng ý, tán thành và động viên bạn ly dị vậy.

Thế nhưng, như Hạnh Dung từng nói với nhiều người, đừng vội vứt đi một thứ gì, điều gì từng rất quý giá với bạn, nay đã bị hỏng hóc. Hãy cố gắng sửa chữa chúng trước đã.

Hạnh Dung không rõ hôn nhân của bạn đã được bao nhiêu năm và từng bắt đầu như thế nào? Nhưng Hạnh Dung chắc rằng, với một người tình cảm, tận tâm, chu đáo như bạn, hẳn từng mang rất nhiều hạnh phúc đến cho gia đình.

Mọi việc có lẽ chỉ bắt đầu trở nên mệt mỏi khi hoàn cảnh mới xuất hiện: các em khó khăn, cha mẹ già cần sự giúp đỡ. Và có lẽ sự mâu thuẫn của bạn và vợ cũng bắt đầu từ đó.

Bạn có nhận thấy một điều mà rất nhiều người đang lo lắng hay không: Cuộc sống sau đại dịch đang khá nhiều khó khăn, nhiều bất an, và hầu như những ai có tính hay lo sẽ càng trở nên lo lắng. Có lẽ chính vì lý do đó mà vợ bạn không yên tâm khi chi tiêu của gia đình không có khoản để dành cố định.

Theo bạn thì 20 triệu là đủ cho gia đình, nhưng bạn chẳng nên quá mơ hồ như thế. Hãy thử một lần ngồi xuống, cùng vợ cộng trừ mọi khoản để biết rõ việc chi tiêu trong gia đình, chứ bạn đừng đoán đơn giản rằng 20 triệu là đủ rồi...

Khi bạn biết rõ về tài chính trong gia đình, bạn có thể góp ý, bàn luận với vợ về những khoản cần thêm bớt, để có thể điều chỉnh việc chi tiêu, hay cùng vợ nghĩ thêm những kế sách cho việc tăng thu nhập gia đình.

Sự quan tâm, chia sẻ của bạn có thể không làm giảm bớt chi tiêu, hay có khoản tiết kiệm ngay lập tức, nhưng ít nhất nó cũng khiến vợ bạn hiểu rằng bạn thật sự quan tâm đến vấn đề cô ấy lo lắng, và cùng với cô ấy thu xếp mọi việc.

Từ những gần gũi, thông cảm đó, bạn hãy xin vợ ý kiến: làm sao để bạn có thể chu toàn được trách nhiệm của mình với gia đình của bạn. Hãy để cô ấy được suy nghĩ và cùng bạn tìm ra giải pháp hay đề xuất các khoản thu chi. Đó là một cách để cô ấy nghĩ tới đây không chỉ là vai trò của con trưởng, anh Hai mà còn là vai trò của dâu trưởng, chị Hai. 

Hãy cho vợ biết rằng chuyện gì cũng có thời gian của nó, chuyện giúp đỡ các em không phải là mãi mãi, mà chỉ là trong lúc ngặt nghèo, và động viên vợ chia sẻ trách nhiệm, hay ít ra thông cảm với bạn trong vấn đề này.

Hãy giúp cô ấy hiểu rằng bên cạnh những thiệt thòi, mất mát về vật chất, bạn và cô ấy thu lại được những giá trị tinh thần rất lớn khi sống trọn vẹn đạo hiếu, đạo nghĩa, khi cha mẹ là tấm gương cho các con nhìn vào nề nếp sống...

Đừng vội dùng những từ ngữ nặng nề trách móc quy chụp những nỗi lo lắng của vợ thành bản chất con người. Hãy chịu khó trò chuyện, chia sẻ, tham khảo ý kiến của cô ấy. Càng chẳng nên đặt ra lựa chọn: tôi thà vì gia đình cha mẹ chứ không thể làm theo ý vợ. Cô ấy, và nhất là các con, cũng là những người vô cùng thân yêu của bạn, sẽ theo bạn đến suốt đời này. 

Bạn là người sống có tình, có nghĩa, hãy cố gắng hết sức mình cân bằng cả hai phía để không phải hối tiếc về sau, bạn nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • vi vi 14-11-2022 06:30:20

    6h sáng mà mình cũng phải vào bình luận. Chồng tôi cũng sống cho đi như thế trong khi nhà ở thành phố thuê, con cái cũng chỉ đi học như ở quê nhưng bố mẹ, anh chị em rồi các cháu ai cần giúp đỡ thì không thiếu 1 đồng. Lúc tôi có bầu đi viện xét nghiệm hết 5 triệu chồng tôi đã càu nhàu làm gì mà tiền xét nghiệm nhiều vậy, trong khi tôi là người trả tiền. Tôi cũng rất hoảng sợ khi bản thân chẳng có 1 đồng tiền dự trữ, thậm chi tôi còn không có tiền đóng tiền bảo hiểm nhân thọ mà chồng tôi đã mua. Tôi ngày nào cũng cố gắng tiết kiệm trong khi chồng mình cứ nghĩ là sống như vậy chẳng sao cả, tiền bỏ ra chẳng thấy tiếc gì.

    • Cô đơn

      Chồng chị giống vợ tôi. Mọi việc lớn trong gia đình đều để ông chồng lo, chồng mua nhà nợ 1,5 tỷ áp lực khủng khiếp, trong khi vợ có tiền thì giấu đi đâu. Hết cho em gái vay mua đất, đến cho mẹ vay mua nhà thành phố. Ngán ngẩm hết chỗ nói!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI