Vỏ “made in Việt Nam”, ruột Trung Quốc

06/04/2013 - 06:20

PNO - PN - Lợi dụng xu hướng người tiêu dùng chuộng hàng trong nước, tẩy chay hàng Trung Quốc (TQ), nhiều nơi bày bán đủ nguồn hàng gắn mác “made in VN” nhưng chất lượng “thượng vàng hạ cám” mà phần ruột đa số lại là hàng TQ.

Từ thời trang

Hàng gắn mác “made in VN” phổ biến ở các mặt hàng quần áo, giày dép, gia dụng… được bày bán khắp nơi dưới dạng “hàng xuất khẩu”, “hàng công ty tồn kho”, “hàng Việt Nam chất lượng cao”. Tại TP.HCM, các trung tâm thương mại như Taka plaza, Saigon Square (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM) được giới mua sắm xem là “thủ phủ” của hàng xuất khẩu. Trong vai người có nhu cầu lấy hàng về bán sỉ, chúng tôi được chị L., chủ sạp L. giới thiệu quần áo đủ các thương hiệu Place, Gap, Nike, Tommy Hilfiger, Papaya, Premium, Justice West… Tất nhiên đây không phải hàng chính hãng vì giá chỉ vài trăm ngàn/cái đổ lại.

Vo “made in Viet Nam”, ruot Trung Quoc

Hàng xuất khẩu có gắn mác “made in VN” do các công ty gia công cho chính hãng tuồn những lô hàng lỗi ra bán cũng có thể có, nhưng chỉ một số lượng rất nhỏ (còn gọi là hàng cắt mác). Còn hầu hết là hàng nhái, hàng giả do các cơ sở nhỏ cung cấp, cũng gắn mác “made in VN”. Chị L. cho biết, nguồn hàng từ TQ về khá nhiều. Cụ thể, mẫu đầm trẻ em hiệu Disney đang bày bán khắp các sạp phần lớn là hàng TQ, giá chỉ 70.000 - 80.000đ/cái, nhưng gắn mác “made in VN” vào, có thể đẩy giá tới 170.000 - 180.000đ. “Buôn bán lâu năm để ý kỹ chất liệu vải, đường may mới phân biệt được, chứ người mua nếu không có kinh nghiệm xài hàng xuất khẩu rất khó nhận biết”, chị này nói. Nhiều sạp chào mời quần trẻ em Hello Kitty giới thiệu là hàng xuất khẩu “made in VN” nhưng kiểm tra kỹ chúng tôi phát hiện miếng tem chưa cắt in rõ “made in China”.

Vo “made in Viet Nam”, ruot Trung Quoc

Không chỉ quần áo, giày dép “xuất khẩu” cũng lừa người mua bằng cách lập lờ tương tự. Nhiều người bán “chân thật” hơn thì tư vấn, hàng “made in VN” do cơ sở nhỏ trong nước sản xuất nhưng mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng không thua kém hàng xuất khẩu. Nhiều nơi bán ngang giá hàng xuất, thậm chí cao hơn để người mua không nghi là hàng nhái.

Bên cạnh đó là tình trạng bán trà trộn hàng VN với hàng TQ, hàng không rõ nguồn gốc. Nhiều thương hiệu chuyên sản xuất, phân phối giày dép “made in VN” có tiếng tại TP.HCM cũng có cửa hàng vẫn bày bán cả hàng TQ khiến người mua lầm tưởng là hàng do chính công ty sản xuất. Tại cửa hàng chuyên doanh giày dép H. trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp), phần lớn mặt hàng giày dép đều gắn nhãn hiệu của công ty và ghi “made in VN”. Nhưng quan sát chúng tôi thấy nhiều mẫu giày búp bê ngoài mác của công ty còn có thêm tên phụ in chữ TQ, thắc mắc thì nhân viên giải thích: “Có cả hàng nhập không do công ty sản xuất, khách thích thì mua”.

Vo “made in Viet Nam”, ruot Trung Quoc

Hàng đội lốt, gắn mác hàng “made in VN” bày bán tràn lan

Đến hàng tiêu dùng

Để yên tâm mua đúng nồi ủ “made in VN”, chị Nguyễn Phi (ngụ Q.10, TP.HCM) vào siêu thị điện máy I. (Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM) chọn nồi ủ nhãn hiệu Pannasonic. Thấy sản phẩm ghi rõ hàng “made in VN” có giá đến 1,2 triệu đồng, lại được bán trong siêu thị tên tuổi nên chị Phi yên tâm. Thế nhưng, sau khi mua về kiểm tra lại, chị Phi mới phát hiện nồi ủ Pannasonic là hàng TQ nhái nhãn hiệu Panasonic. Một nhân viên làm việc lâu năm trong ngành điện lạnh cho biết, ngoài nhập hàng của các thương hiệu lớn, nhiều siêu thị điện máy còn nhập linh kiện TQ về lắp ráp cho ra dòng sản phẩm riêng dưới mác “made in VN”.

Những ngày nắng nóng này, nhiều tuyến đường TP.HCM xuất hiện điểm bán quạt điện TQ “đội lốt” quạt “made in VN” với giá rẻ bèo. Chỉ trên một góc đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) đã có đến ba điểm bán quạt điện gắn mác hàng VN nhưng thực chất toàn những nhãn hiệu lạ, như: Bin fan, Fugio, Sky fan, Pana, Dewin, Super, Nati, Fuji và cả quạt Asiaa (nhái nhãn hiệu Asia). Người bán mạnh miệng khẳng định “100% là hàng VN” (giá từ 140.000 - 250.000đ/cái), nhưng khi chúng tôi hỏi công ty sản xuất thì người bán chỉ đưa ra hai tờ giấy bảo hành ghi tên hai công ty Lợi Thanh và Hoàng Long. Địa chỉ, số điện thoại đã bị xóa, chỉ còn số điện thoại của người bán.

Vo “made in Viet Nam”, ruot Trung Quoc

Đáng lo hơn, ngay cả thực phẩm, hóa phẩm của TQ cũng “đội lốt” hàng VN, rất khó nhận biết, phân biệt với hàng chính hãng. Trong tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường (CC QLTT) TP.HCM đã kiểm tra 11 vụ sản xuất, kinh doanh bột ngọt, bột giặt, mỹ phẩm “đội lốt” hàng VN; tạm giữ hơn 1.500kg bột ngọt TQ không có chứng từ, là hàng nhập lậu. Trong đó, một lượng lớn bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, bột giặt giả nhãn hiệu Omo. Một cán bộ CC QLTT TP.HCM cho rằng, rất khó xác định nguồn gốc thực của hàng hóa “đội lốt” gắn mác “made in VN” nếu không bắt quả tang tận “ổ” sản xuất. Đối tượng kinh doanh quy mô lớn không sử dụng hình thức nhập hàng TQ về, thay mác mà đặt trực tiếp, hàng bên TQ đã được “hô biến” thành hàng VN rồi tuồn về tiêu thụ nội địa.

Thực tế, còn có rất nhiều cách để kiểm tra, giám sát sự lưu thông của hàng hóa không rõ nguồn gốc gắn mác “made in VN” trên thị trường, đơn giản nhất là truy hóa đơn, chứng từ, nhưng mặt hàng này vẫn không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Ngoài ra, loại hàng “made in VN” “sống khỏe” vì đánh đúng thị hiếu thích xài hàng xuất khẩu của người tiêu dùng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI