Vợ chồng trung tướng Cao Văn Khánh: Hạnh phúc bình dị ngày toàn thắng

25/04/2020 - 12:55

PNO - Trưa ngày 30/4/1975 lịch sử, sau khi ăn mừng tin giải phóng Sài Gòn ở Tổng hành dinh, tướng Cao Văn Khánh - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - về nhà ngủ thiếp đi vì mệt.

Buổi chiều, phu nhân của ông mới đi làm về. Ông ôm lấy bà, nói: Thôi, từ nay anh em không còn phải xa nhau nữa”. Mắt ông ngấn nước trên khuôn mặt phờ phạc sau những đêm thức trắng ở Tổng hành dinh.

Tướng Cao Văn Khánh và vợ
Tướng Cao Văn Khánh và vợ (Ảnh chụp năm 1955)

Lời hứa đưa vợ về thăm quê hương

Trong cuốn Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử (NXB Tri thức, 2017), PGS. TS. Cao Bảo Vân (nguyên Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM) viết về vị tướng, cha của mình ở nhà trưa ngày 30/4 lịch sử đó: Ba về, có vẻ rất mệt, chỉ nói đúng một câu: 'Bây giờ thì để cho người khác đánh giặc', rồi thiếp ngay trên ghế xích đu. Trong giấc ngủ trưa 30/4/1975 đó, có lẽ, ông vẫn mơ về hòa bình. Vì khó có thể tin rằng cuộc chiến 30 năm của đời mình vừa kết thúc”.

Chiều 1/5/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Cục Tác chiến, đã ôm hôn chúc mừng tướng Cao Văn Khánh cùng các cán bộ tham mưu. Ngày 1/5 cũng chính là sinh nhật của tướng Cao Văn Khánh. Ít ra, ông cũng có một sinh nhật trọn vẹn với món quà xứng đáng nhất.

Sau chuyến đi đầu tiên cùng các lãnh đạo cao cấp như Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Sài Gòn đầu tháng 5/1975 và dự lễ mừng chiến thắng, đến tháng 7, ông đã thực hiện lời hứa với vợ từ trong những ngày chiến đấu ác liệt: “Đến ngày thống nhất, anh sẽ đem em và các con về thăm quê hương trong sắc cờ hoa”.

Cả nhà thiếu tướng được về Huế bằng xe quân sự Uaz. Đó là dịp duy nhất cả gia đình được đi dọc chiều dài đất nước cùng ông. Đến cửa ngõ thành phố Huế, ông nắm chặt tay bà xúc động.

Bà Ngọc Toản viết trong nhật ký: “Đến Lại Thế, nhà thờ hoang tàn, ngôi nhà ngang ngày xưa tôi từ đó ra đi giờ không còn nữa. Cầu Ông Thượng sao giờ nhìn bé tí thế!”. Tướng Khánh nói phải đi tìm cho được quán bún bò O Rớt cay xé nổi tiếng ngày xưa để mời mẹ vợ và vợ. Sau chuyến đi đến bao ngày, hai ông bà vẫn không nguôi rộn ràng được nghe tiếng Huế “chay”, được nếm những món bánh chính gốc Huế ở chợ Đông Ba.

Cả gia đình tiếp tục vào Đà Nẵng, thăm gia đình người chị cùng cha khác mẹ của bà, vào Nha Trang, thăm gia đình anh trai ông, rồi đi suốt vào Vũng Tàu, Bà Rịa, Cần Thơ, Mỹ Tho…

Câu chuyện tình giữa tướng Cao Văn Khánh và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản đã được nhiều báo chí khai thác.

Hai ông bà đều sinh ra trong những gia đình quý tộc, trí thức dưới triều Nguyễn ở Huế. Cao Văn Khánh từng có bằng Cử nhân Luật tại Đại học Đông Dương, tham gia phong trào hướng đạo, trở thành một giáo sư tư thục dạy Toán ở Huế, rồi tham gia trường quân sự Thanh niên tiền tuyến. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Phó chủ tịch Giải phóng quân Huế.

Ngay những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 27, Khu trưởng Khu V.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản là con của cựu Thượng thư bộ Hình triều Nguyễn Tôn Thất Đàn. Dù thuộc gia đình quan lại cao cấp, các chị em bà và cả mẹ bà đều tham gia kháng chiến.

Hai ông bà gặp nhau năm 1949, khi ông đang là Đại đoàn phó đại đoàn 308, bà là nữ sinh viên y khoa. Tình yêu của hai người bắt đầu qua sự mai mối của Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lê Quang Đạo, rồi bác sĩ Tôn Thất Tùng, thầy của bà, cũng là đồng hương người Huế.

Có một kỷ niệm vui về chuyện tình của tướng Cao Văn Khánh. Đó là khi Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đã đến đặt vấn đề với mẹ bà Ngọc Toản, ông thận trọng nói: Thưa cụ, tôi có anh bạn rất tốt, đánh giặc rất giỏi. Đã bao lâu nay anh ấy chưa lấy vợ vì bận đánh giặc, nay muốn được làm rể cụ. Xin cụ cho phép anh ấy được viết thư tìm hiểu chị Toản!”.

Bà cụ thủng thẳng trả lời: Tui kén rể chứ đâu kén người đánh giặc giỏi. Con tôi đã trưởng thành rồi nên chỉ cần là người tốt và con tôi ưng ai thì tôi đồng ý người đó”. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ ra về cứ tấm tắc: Tưởng cụ là vợ quan, lễ giáo phong kiến lắm, không ngờ bà cụ lại tân tiến như vậy!”.

Tuy nhiên vì hoàn cảnh chiến tranh, ông Cao Văn Khánh thường xuyên đi chiến dịch, họ rất ít khi được gặp nhau. Mọi nhớ nhung, tình cảm chỉ qua những lá thư mà có khi cũng phải rất lâu mới đến được tay. Tuy vậy, cuối cùng họ cũng đến được bến bờ hạnh phúc, với một đám cưới lịch sử” ngay trong hầm tướng De Castrie vào ngày 22/5/1954, mà hai ông bà lưu lại được bức ảnh cưới chụp trên tháp pháo chiếc xe tăng M24-Chaffee bị quân ta bắn cháy nổi tiếng.

Bức ảnh cưới của tướng Khánh và bác sĩ Toản, chụp tại Điện Biên Phủ, ngày 22/5/1954
Bức ảnh cưới của tướng Khánh và bác sĩ Toản, chụp tại Điện Biên Phủ, ngày 22/5/1954

Tình yêu trong chiến tranh

Sau ngày hòa bình, tướng Cao Văn Khánh liên tục bận rộn với các công việc quan trọng của quân đội. Ngoài thời gian giữ chức Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân (từ 1960-1964), ông liên tục có mặt tại các địa phương, từ Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu Trị Thiên.

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, ông lại liên tiếp xa nhà đi chiến trường, với các chức vụ Phó tư lệnh của Chiến trường B3, Tư lệnh Mặt trận 968 Hạ Lào, Tư lệnh Binh đoàn B70.

Từ đầu năm 1971, ông lần lượt giữ chức Phó tư lệnh Mặt trận Đường 9 Nam Lào, rồi Tư lệnh Mặt trận B5, kiêm Phó tư lệnh Quân khu 4, Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Có thể nói, Cao Văn Khánh gắn bó với chiến trường miền Trung và Tây Nguyên suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, liên tục với các chiến dịch lớn như Đắc Tô (1967), Khe Sanh (1968), Đường 9 Nam Lào (1971), Quảng Trị (1972), Tây Nguyên (1974).

Đến đầu năm 1974, ông được điều về Bộ Quốc phòng giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng. Ông là Tổ trưởng Tổ Thường trực chỉ đạo tác chiến chiến lược do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập, đề xuất phương án tác chiến trong Chiến dịch mùa xuân năm 1975 tiến tới kết thúc chiến tranh 30 năm, thống nhất đất nước. Trong suốt những ngày diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông liên tục ở bên Đại tướng và Tổng hành dinh để đưa ra những chỉ đạo quan trọng cho chiến trường.

Suốt thời kỳ ở chiến trường, tướng Khánh vẫn liên tục viết thư về cho vợ và các con ngày nào cũng viết một ít, nếu không gửi được thì hôm sau viết tiếp”. Những câu chuyện về cuộc sống ở rừng của ông được các con háo hức chờ đợi, hơn cả “Truyện đường rừng” của Kippling. Không chỉ kể về cuộc sống mới, từ chiến trường, ông còn gửi về những món quà nhỏ, có khi chỉ là gói kẹo nhỏ ông được phát, lúc thì cái ngòi bút kim tinh hay cục pin để bà lắp nghe đài”.

Vợ chồng tướng Cao Văn Khánh (bìa phải) cùng đồng đội và người thân chụp năm 1975 tại Đà Nẵng
Vợ chồng tướng Cao Văn Khánh (bìa phải) cùng đồng đội và người thân chụp năm 1975 tại Đà Nẵng

Bà Toản nói chồng đi chiến trường tội lắm, không biết sống chết lúc nào nên luôn muốn có thật nhiều con. Tướng Khánh có lần viết thư đùa với người bạn của vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Bảo: Mình có nói với Toản, sau hai con trai, chỉ thêm vài cô con gái và một cậu út thôi đấy nhé”.

Năm 1967, bà Toản có sáng kiến ghi âm cuộc nói chuyện của hai mẹ con và gửi ra mặt trận cho chồng. Nhận được băng, ông quá đỗi ngạc nhiên và dành cả hai trang thư để thể hiện sự bất ngờ của mình: Em của anh lần này lại có sáng kiến độc đáo mà anh không thể đoán được. Có lẽ lần này em đã thắng cuộc thi dành cho nhau những sự bất ngờ về tình cảm…”.

Năm 1969, tướng Khánh mới vào chiến trường, tâm trạng khó tả khi biết vợ đang hoài thai một đứa con nữa. Ông viết thư cho Ngọc” - đứa con mới hai tháng trong bụng mẹ mà ông cứ nghĩ sẽ là con gái, ghi trên phong bì “nhờ đồng chí Toản chuyển”: Con sẽ là con út cưng nhất nhà đấy. Con phải ngoan, không được hành mẹ nhiều. Ba mong rằng khi con chào đời sẽ có ba ở nhà để giúp mẹ và để chụp tấm ảnh đầu tiên của con”.

Tướng Khánh và bác sĩ Ngọc Toản có những tính cách rất khác nhau. Trong khi ông mong ở nhà không được thì bà lại luôn muốn đi. Dù đang mang bầu đứa con út, ba đứa con nhỏ gửi sơ tán ba nơi, nhưng bà vẫn tràn đầy thất vọng khi đơn xin ra chiến trường không được chấp thuận.

PGS. Cao Bảo Vân kể, khi lớn lên, có những lúc bà thầm nghĩ mẹ mình nhiệt tình xông pha như vậy cũng có phần hăng” quá, vì ở nhà chăm sóc con cái cũng là nhiệm vụ “cách mạng” của người phụ nữ.

Năm 1977, khi công việc của ông đang rất căng thì bà được cử sang Pháp tu nghiệp một năm về sản phụ khoa. Chuyện bà đi học cũng có nhiều ý kiến, nhưng có câu chuyện nói lên tình cảm của hai vợ chồng. Khi có người đến tận nhà hỏi Anh Khánh có đồng ý cho chị đi Pháp không”, thì ông cười: Hồi tôi đi B có ai hỏi ý kiến bà Toản không?”, thế là không ai còn lý do gì nữa.

Tuy nhiên, khi bà về nước đầu năm 1979 thì sức khỏe ông rất yếu. Ông bị bệnh gan nặng, phải điều trị khá lâu. Đại tá Nguyễn Hải, nguyên Tham mưu trưởng đầu tiên của Sư đoàn 308 đến thăm, kể: Anh Khánh nói phải ôm mọi việc ở Bộ Tổng tham mưu, mệt quá!”.

Bà Cao Bảo Vân viết, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Võ Hạnh Phúc đã kể lại, ngày ông mất, Đại tướng bước vào phòng khách với vẻ khác lạ, thốt lên: Cao Văn Khánh chết rồi”, rồi ông nói thêm, giọng đau buồn: Chú Khánh là một vị tướng rất giỏi, mà sao chết trẻ như vậy?”.

Bà Ngọc Toản đã đưa ông về an táng tại nghĩa trang nhân dân Bất Bạt, để ông được nằm cạnh đồng đội Đại đoàn 308 tại chiến trường năm xưa và cạnh hai con trai ông, cũng được chôn tại đây.

Lê Tiên Long

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Nguyễn Tấn Phước 26-04-2020 15:54:56

    Kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của vị tướng tài ba.Chúc gia đình của Ông luôn hạnh phúc.

  • Trần thị Phước Thiện 25-04-2020 18:27:57

    Xin kính gởi ngàn lời tri ân đến các thế hệ cha , chú đã không tiếc máu xương , hy sinh hạnh phúc riêng để giành lấy hòa bình cho đất nước . Câu chuyện về tướng Cao văn Khánh thật cảm động ...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI