Việt Nam thiếu cả thầy lẫn thợ

02/04/2023 - 17:41

PNO - Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - tại chương trình tư vấn hướng nghiệp "Đưa trường học đến thí sinh".

Chương trình có hơn 1.500 học sinh THPT tham gia
Chương trình thu hút hơn 1.500 học sinh THPT tham gia

Chương trình do Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD- ĐT TPHCM tổ chức ngày 2/4, với sự tham gia của hơn 1.500 học sinh đến từ các trường THPT tại TPHCM.

Tại chương trình, có học sinh thắc mắc, vì sao nhiều anh chị học đại học vẫn thất nghiệp, đồng thời đặt ra câu hỏi rằng, liệu học cao đẳng sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn?

Bà Nguyễn Thu Thủy nhìn nhận, hiện nay tất cả các thí sinh đang bước vào ngưỡng cửa lựa chọn quan trọng, có những em chọn không học tiếp mà làm những công việc đơn giản. Các em phải xác định nếu không học cao lên thì cơ hội việc làm bị giới hạn, chỉ làm những việc đơn giản, còn nếu muốn làm những việc phức tạp, đòi hỏi kỹ năng thì phải học lên.

Vấn đề không phải là muốn các em học đại học hay cao đẳng, mà chỉ ra cho các em thấy con đường học tập suốt đời. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, nếu không học thì sẽ mất đi cơ hội của chính mình. Việc đầu tư học tập ngay khi còn trẻ, khỏe là rất quan trọng. Ngày nay, học tập không chỉ để đáp ứng thị trường lao động ở địa phương, ở trong nước mà còn ở nước ngoài, với mục tiêu hướng tới là công dân toàn cầu.

Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, việc khảo sát về tỉ lệ thất nghiệp thường được thực hiện trong vòng 3 - 12 tháng sau khi sinh viên khi tốt nghiệp đại học, còn cơ hội việc làm là hành trình cả đời. Bà nói rằng, ngay cả các thầy cô 40-50 tuổi vẫn đang phải học tập, cho nên sinh viên đừng nên băn khoăn về việc nên học đại học hay cao đẳng mà cần đặt ra mục tiêu lớn hơn, vươn lên thành người đi đầu, thành chuyên gia trong lĩnh vực mình lựa chọn.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - tại chương trình tư vấn
Bà Nguyễn Thu Thủy tại chương trình tư vấn

Đồng thời bà cho biết, hiện nay Việt Nam vẫn đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Câu “thừa thầy thiếu thợ” là rất sai, vì hiện chúng ta thiếu cả thầy lẫn thợ. Các doanh nghiệp vẫn luôn tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay cả các nước phát triển trên thế giới cũng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, các em cần đầu tư, say mê học tập thì cơ hội việc làm luôn rộng mở, không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương - Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên, Trường đại học Nguyễn Tất Thành - cho rằng học sinh nên cân nhắc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Lựa chọn này sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 40 năm cuộc đời sau đó. Trong tương lai, các em sẽ thức dậy đi làm vào buổi sáng với niềm phấn khởi hay với cảm giác bị tra tấn tùy thuộc vào quyết định lựa chọn ngành nghề hôm nay.

"Về lý thuyết, việc chọn ngành là theo đam mê, năng lực. Nhưng quan trọng là các em phải tìm hiểu thực tế nghề nghiệp mình muốn chọn. Chẳng hạn, nếu thích ngành truyền thông đa phương tiện thì cần tìm hiểu xem những người làm nghề này đang hành nghề như thế nào, có phải môi trường làm việc mình mơ ước không. Muốn làm tiếp viên hàng không thì phải biết mặt trái, mặt phải, vinh quanh và trả giá, nhắm xem mình có kham nổi không. Sau khi đã xác định, các em có thể chọn trường đào tạo. Nên chọn những trường vừa sức, phù hợp khả năng tài chính và cần tìm đến tận nơi để tìm hiểu môi trường học tập" - ông Nguyễn Thanh Phương đưa ra lời khuyên.


P.Thanh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI