Học sinh chọn nghề cần quan tâm đến xu hướng nghề nghiệp

12/01/2023 - 06:26

PNO - Thời điểm này, học sinh lớp Mười hai đang đứng trước một mùa hướng nghiệp, tuyển sinh mới. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực - nhận định việc xác định ngành nghề cần gắn với xu hướng nghề nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0.

Phóng viên: Có nhiều năm làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, ông đánh giá thế nào về xu hướng lựa chọn ngành nghề của các em những năm gần đây?

Ông Trần Anh Tuấn: Những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, trong quá trình hướng nghiệp có thể nhận thấy học sinh bắt đầu quan tâm nhiều về vấn đề nguồn nhân lực. Chẳng hạn, các em hỏi về những ngành nghề phát triển trong thời kỳ kỷ nguyên số, những ngành sẽ tồn tại, những ngành sẽ mất đi. Hoặc có em nghe thông tin trong tương lai nhân lực cho các ngành nghề sẽ thay thế bằng robot nên băn khoăn học để làm gì. Trước đây, học sinh thường hỏi nên học ngành gì, thì nay hỏi học ngành này, ngành kia có được không. Nghĩa là các em đã có định hướng về nghề nghiệp, ý thức về xu hướng nghề nghiệp chứ không mơ hồ như trước.

* Vậy thì, học sinh cần lưu ý gì trước những biến động về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, thưa ông?

- Cùng với sự phát triển và ngày càng phổ biến của trí tuệ nhân tạo, sẽ có những ngành nghề dần biến mất và đồng thời nhiều công việc mới sẽ ra đời. Những công việc yêu cầu độ chính xác cao, thao tác giản đơn, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn, có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa... sẽ là những ngành nghề có nhiều khả năng biến mất. Hiện nay, một số ngành nghề truyền thống như: thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, làm vườn, làm nghề nông, thư ký, đánh máy và nhập dữ liệu... đang có dấu hiệu đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất, kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, việc mất hẳn một số nghề này còn phải mất một thời gian khá dài nữa.

Trong tương lai, đòi hỏi một nguồn nhân lực trình độ cao, tương tác được với robot trong quá trình làm việc, đảm nhận những việc robot không làm được. Chẳng hạn, trong công việc thiết kế, robot có thể làm phần thiết kế chung, nhưng không thể làm được phần sáng tạo. Như vậy, thị trường lao động cần tăng nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thành công trong thị trường lao động đòi hỏi các em biết chọn ngành học và hệ đào tạo phù hợp để xây dựng được giá trị, kỹ năng, năng lực làm việc, đặc biệt là tư duy sáng tạo không ngừng.

* Trong quá trình hướng nghiệp, ông thường thấy những ngộ nhận nào về lựa chọn ngành nghề của học sinh?

- Vẫn còn rất nhiều học sinh, phụ huynh có suy nghĩ chọn nghề nào để kiếm nhiều tiền, để nhanh giàu. Chẳng hạn, có em cho rằng lĩnh vực kinh doanh dễ kiếm tiền, còn ngành tâm lý, sư phạm thì nghèo. Những suy nghĩ này không hẳn là sai, nhưng mỗi người có năng lực, sở trường, điều kiện khác nhau. Có những chuyện người khác làm được có khi mình không làm được, hoặc ngược lại. Như ngành kinh doanh không phải ai cũng có năng lực, có những người học ngành kinh tế rất giỏi nhưng chỉ dạy học hoặc tư vấn, còn những người học thấp hơn lại buôn bán giỏi. Như vậy, nghề kinh doanh đòi hỏi có năng lực, lăn xả và cũng rất cực nhọc để kiếm đồng tiền chứ không phải “ngồi mát ăn bát vàng”.

Ngược lại, có những nghề các em cho rằng thu nhập thấp như sư phạm, khi các em hỏi tôi vẫn khẳng định không bao giờ giàu nhưng cũng không nghèo, nhất là trong thời đại hiện nay. Người công tác trong ngành sư phạm, nhất là về kỹ thuật, tự nhiên vẫn có thể vừa đi dạy vừa làm thêm liên quan đến chuyên môn và kiếm tiền tốt. Hoặc các em hỏi học ngành tâm lý có sợ thất nghiệp không? Nếu ngành tâm lý mà chỉ nghĩ để đi làm diễn giả thì có thể thất nghiệp. Nhưng nếu biết học tâm lý là để giải quyết sự xung đột của xã hội, tư vấn con người khắc phục khó khăn trong cuộc sống thì lĩnh vực nào, ở đâu cũng cần, như trong các bệnh viện, trường học, tổ chức xã hội... Vấn đề đặt ra là mỗi em xác định được đam mê và xây dựng nền tảng nghề nghiệp, có biết làm và có chịu làm hay không.

Học sinh đặt câu hỏi về lựa chọn ngành nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh do tạp chí Giáo dục TPHCM và Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM tổ chức ngày 8/1 - ẢNH: P.T.
Học sinh đặt câu hỏi về lựa chọn ngành nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh do tạp chí Giáo dục TPHCM và Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM tổ chức ngày 8/1 - ẢNH: P.T.

Hoặc có học sinh hỏi giờ đi chạy Grab mỗi ngày được 500.000 đồng, nếu học đại học xong ra lương chỉ 4-5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, 5-7 năm sau người chạy Grab vẫn là người chạy Grab, còn những em tốt nghiệp đại học ra nỗ lực theo đuổi đúng ngành nghề, 5-7 năm sau tích lũy kinh nghiệm trở thành chuyên gia, kỹ sư lành nghề, kiếm tiền rất nhiều. Vậy thì phải xác định nghề nghiệp là một hành trình, cần từng bước đi để hoàn thiện. Chứ không nên chỉ nhìn trước mắt là làm việc này ngon, việc kia dở. 

* Nhiều học sinh cũng rất phân vân cùng một ngành nghề, các em nên học bậc đại học, cao đẳng hay trung cấp thì dễ kiếm việc làm hơn?

- Nhiều học sinh chia sẻ khi gặp chuyên gia từ trường đại học thì khuyên nên học đại học vì bằng cấp cao, ra trường lương cao. Khi gặp bên cao đẳng thì khuyên nên học cao đẳng vì thời gian ngắn, ra trường dễ có việc làm. Bên trường trung cấp thì kêu không nên học đại học, cao đẳng vì thời gian học dài mà dễ thất nghiệp. Ở góc độ nghiên cứu nguồn nhân lực, tôi cho rằng cả 3 ý kiến trên đều sai. Bởi các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đang vận hành trong thị trường lao động đều đáp ứng những nhu cầu nhất định. Thực tế, cấp bậc nào cũng có người có việc làm và người thất nghiệp, nếu học không đến nơi đến chốn, học chủ quan mơ hồ thì đều có thể thất nghiệp.

Phải xác định bậc học dựa vào năng lực, điều kiện mỗi người. Có người có năng lực về tư duy, phán đoán, tiếp cận các lĩnh vực khoa học công nghệ, có khả năng độc lập thì phù hợp học đại học. Những người có năng lực thực hành, tổ chức thực hành và có thể lãnh đạo nhóm thì phù hợp cao đẳng. Những người chuyên môn giỏi, làm việc trong dây chuyền phối hợp, ứng dụng kỹ thuật vào các công việc chi tiết sẽ phù hợp bậc trung cấp, sơ cấp.

Tất nhiên cũng phụ thuộc vào điều kiện gia đình, có những người có khả năng nhưng không có điều kiện học đại học trong tình hình học phí tăng cao thì có thể chọn con đường học cao đẳng, trung cấp để ra trường có việc làm rồi tiếp tục học lên đại học. Không có cấp bậc nào sang hay hèn. Không có ngành nghề nào “hot” hơn ngành nghề nào. Đặc biệt với thị trường lao động hiện nay, giá trị hành nghề là quan trọng nhất, ai nắm được giá trị hành nghề thì ở cấp bậc nào cũng thành công. Nhưng khi thành công phải biết hoàn thiện, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao. 

* Ông có lời khuyên dành riêng cho thế hệ gen Z hiện nay trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai?

Học sinh thế hệ gen Z hiện nay hết sức thông minh, được cưng chiều, rất tự tin nhưng lại chịu áp lực kém, thiếu kiên trì. Đặc biệt trong xã hội rộng mở hiện nay, mức độ di chuyển nghề nghiệp của các em rất nhiều, theo dự đoán thế hệ gen Z di chuyển việc làm từ 8-10 lần trong cuộc đời. Như vậy không có nghĩa là đáng khen hay đáng chê, vấn đề là mỗi lần di chuyển phải có sự cân nhắc, tích lũy kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp, chứ không phải thích thì làm không thích thì nghỉ.

Trong thời kỳ kỷ nguyên số đặc biệt cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Các em phải chọn lựa nghề nghiệp phù hợp, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chịu áp lực công việc, rèn luyện ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp. Đặc biệt, yêu cầu về công nghệ thông tin và ngoại ngữ là hết sức cần thiết.

Chọn nghề theo dự báo nguồn nhân lực

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng học sinh khi lựa chọn ngành nghề có thể tham khảo các thông tin dự báo về nguồn nhân lực. Theo nghiên cứu của Viện Đào tạo và phát triển nhân lực TPHCM về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2022-2030, miền Trung cần 400.000 người/năm, phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, cơ khí đóng tàu, luyện kim, vận tải biển...

Vùng Tây Nguyên cần 200.000 người/năm, có tiềm năng về phát triển thủy điện và công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản, công nghiệp chế biến cây công nghiệp, du lịch...

Vùng Đông Nam Bộ cần 735.000 người/năm, phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu, du lịch, tài chính…

Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần 600.000 người/năm, phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghệ sinh học, thương mại, nông nghiệp, thủy sản, du lịch... 

Phương Thanh (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI