Việt Nam sang Campuchia học trồng lúa: Ta sẽ học được gì?

18/12/2016 - 11:35

PNO - Đánh giá về việc xuất khẩu gạo của Campuchia hiện nay, vị chuyên gia cho rằng, nước bạn có một kế hoạch rất bài bản, theo đúng quy trình chuẩn của thế giới hiện nay.

Học Campuchia là cần thiết...

Mới đây, tỉnh Sóc Trăng đã cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm trồng lúa để tìm ra lối thoát cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đi cùng đoàn còn có GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam.

Trao đổi quan điểm trước thông tin này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn, ĐH Cần Thơ cho biết, chuyến đi trên nằm một dự án do Canada tài trợ cho tỉnh Sóc Trăng cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm kinh doanh lúa gạo cũng như lãnh đạo các tỉnh, huyện ven biển trồng lúa.

PGS.TS Đệ chỉ ra thực tế, Việt Nam xuất khẩu gạo chạy theo số lượng, chúng ta luôn đặt ra vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và phương châm xuất khẩu gạo năm sau cao hơn năm trước.

Viet Nam sang Campuchia hoc trong lua: Ta se hoc duoc gi?
Việt Nam học hỏi kinh nghiệm trồng lúa của Campuchia. Ảnh: Internet

Campuchia chỉ trồng lúa mùa 1 vụ/năm nên giá trị xuất khẩu của họ không có nhiều. Tuy nhiên, chất lượng hạt gạo của Campuchia rất ngon, được tuyển chọn chặt chẽ nên giá thành cao. Gạo lúa mùa của Campuchia chỉ đạt năng suất từ 3-3,5 tấn/ha trong khi của chúng ta thì lên tới 6-7 tấn/ha.

"Hơn thế nữa, Campuchia không chạy theo số lượng xuất khẩu như Việt Nam mà chú trọng vào từng khâu từ lựa chọn giống, thu mua, chế biến và quảng bá sản phẩm nhằm đưa gạo sang các thị trường lớn, khó tính. Họ đã rất thành công trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp cũng chủ yếu mua gạo trôi nổi trên thị trường, chất lượng thấp nên hầu hết Việt Nam bán với giá rẻ, không đủ kinh phí sản xuất, người nông dân thua lỗ dù nhiều năm liên tiếp nằm trong top các quốc gia có trữ lượng xuất khẩu gạo lớn của thế giới", PGS.TS Đệ khẳng định.

Vị chuyên gia đánh giá, nhiều doanh nghiệp nghĩ khâu quảng bá, tiếp thị sẽ làm đội giá thành lên do đó không chú trọng.

"Tôi nghĩ Campuchia có những cách làm độc đáo, có những cái chúng ta chưa làm được. Vì vậy, việc sang học hỏi kinh nghiệm Campuchia là cần thiết. Về mặt kỹ thuật chúng ta hơn Campuchia, thậm chí cả Thái Lan. Về điều kiện tự nhiên Việt Nam cũng có lợi thế hơn do chúng ta có hệ thống thủy lợi, tưới tiêu tốt hơn.

Tuy nhiên, về mặt kinh doanh, chúng ta toàn thua họ nên phải đi học là điều đương nhiên", PGS.TS Đệ khẳng định.

Hướng đi cho Việt Nam

Đánh giá về việc xuất khẩu gạo của Campuchia hiện nay, vị chuyên gia cho rằng nước bạn có một kế hoạch rất bài bản, theo đúng quy trình chuẩn của thế giới hiện nay.

Từ những nhận định trên, vị chuyên gia cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam phải có một sự thay đổi toàn diện từ tư duy cho đến phương thức sản xuất.

Theo ông Đệ, chúng ta nên chú trọng đến chất lượng của các giống gạo xuất khẩu. Thay vì xuất khẩu ồ ạt, số lượng lớn nhưng hiệu quả thấp thời gian qua, Việt Nam có thể cắt giảm sản lượng, chú trọng đến chất lượng gạo với hàm lượng dinh dưỡng cao.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia đề nghị Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng như các tỉnh ĐBSCL cùng bàn bạc để có 1 nghiên cứu bài bản về giống và xây dựng một quy hoạch tổng thể cho lúa gạo xuất khẩu Việt Nam.

Ngoài ra, một biện pháp quan trọng khác được vị chuyên gia đề cập đến đó là tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

“Đây là khâu yếu nhất của chúng ta trong thời gian vừa qua. Việt Nam cần tham gia các hội chợ, hội thảo quốc tế hay các cuộc đấu xảo lớn như thi gạo ngon thế giới. Chương trình này mỗi năm tổ chức một lần và Campuchia đã lần thứ 3 đạt giải quán quân. Ở Việt Nam có gạo Lộc Trời trong lần tham gia thứ hai đã giành giải ba. Chúng ta nên khuyến khích đi theo hướng này”, ông Đệ chia sẻ.

Hoàng Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI